Bỏ quên tương lai

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:19
Tất cả, từ dư luận, giới truyền thông cho tới Quốc hội, Chính phủ đều nhận thức rất rõ trẻ em là nền tảng của tương lai và coi nhiệm vụ bảo vệ trẻ em là tối quan trọng. Rất nhiều kiến nghị, giải pháp… đã được đưa ra và hầu hết đều nhấn mạnh vào yếu tố con người...


Cả một tuần liền, dư luận nóng lên quanh những câu chuyện về trẻ em. Đầu tiên là chuyện bé gái lớp 1 ở Hải Phòng đến trường sớm 15 phút. Kế đến là chuyện người cha ngược đãi, hành hạ đứa con gái 6 tuổi ở Sóc Trăng. Và đỉnh điểm là tai nạn bi thương ở TP Hồ Chí Minh, khi cây phượng già bật gốc trong sân trường khiến một nam sinh tử vong.

Cùng thời điểm, ở Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em đã được đưa ra thảo luận. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lập tức ký Chỉ thị số 23 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Tất cả, từ dư luận, giới truyền thông cho tới Quốc hội, Chính phủ đều nhận thức rất rõ trẻ em là nền tảng của tương lai và coi nhiệm vụ bảo vệ trẻ em là tối quan trọng. Rất nhiều kiến nghị, giải pháp… đã được đưa ra và hầu hết đều nhấn mạnh vào yếu tố con người. Chỉ có con người với nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình với trẻ em, với thế hệ tương lai mới có thể xây dựng được một xã hội đặt trẻ em làm trọng tâm quan tâm và săn sóc.

Liệu tất cả những gì chúng ta đang làm vì trẻ em lúc này có thể kéo dài bền bỉ hay không, hay mọi mối quan tâm của mỗi "con người" trong xã hội rồi cũng sẽ lại nhanh chóng nhạt nhòa như bao nhiêu điểm nóng khác từng có?

Sự hời hợt của xã hội trong môi trường công nghệ khiến con người chúng ta dễ xúc cảm lập tức nhưng cũng nhanh quên khi có một trào lưu mới thu hút sự quan tâm, đặc biệt là khi nhiều người trong chúng ta lại có tâm thức lên tiếng để chứng tỏ mình chứ không phải vì thực chất mình đau đáu vì vấn đề liên quan.

Có mấy ai trong chúng ta nhắc nhớ lại câu chuyện bé gái tử vong thương tâm cách đây chỉ hai tháng ở Hà Nội mà thủ phạm chính là cha dượng và mẹ đẻ? Chúng ta chắc đã quên mất ngày ấy mình sôi máu như thế nào rồi. Vậy thì liệu cái "sôi máu nóng" của hiện tại này có lặp lại dễ dàng kịch bản, cũng sẽ phai nhòa cho đến khi có một vụ việc tương tự nào đó, chúng ta lại lên tiếng từ đầu?

Hãy quay lại với ví dụ cụ thể của trường hợp em bé ở Hải Phòng. Không nói đến chuyện đúng-sai của các người lớn liên quan (mẹ bé gái và nhà trường) mà chỉ nói đến chính thái độ của chúng ta thôi, chúng ta sẽ giật mình. Cách đây chưa lâu, quy định pháp luật mới về việc đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội đã được đưa ra, với mức độ khắt khe hơn rất nhiều. Nhưng chỉ vì cái gọi là "quyền quan tâm và lên tiếng", bao nhiêu người đã đăng tải hình ảnh bé gái kia một cách trái phép?

Hãy nhớ rằng, câu chuyện dù qua đi, đúng sai dù phân định rạch ròi thì nạn nhân cuối cùng và nặng nề nhất, cũng chính là bé gái ấy. Sự quan tâm thản nhiên vô ý thức của chúng ta chính là thủ phạm tạo nên thương tổn tương lai cho bé. Không thể đổ lỗi tại người thân của bé đăng tải trước thì mới tạo nên câu chuyện ầm ĩ. Sự ầm ĩ là do những kẻ tiếp nối (tức là chúng ta) chứ không hẳn chỉ do nguồn tung tin đầu tiên.

Quan tâm các vụ việc nổi cộm, nhưng cũng cần phải mở rộng "radar" của chính mình để bảo vệ rất nhiều trẻ em ngoài kia đang bị đối xử không đúng đắn hàng ngày. Những trẻ em ấy đáng thương hơn nhiều khi vụ việc của chúng không thành tâm điểm để cả xã hội vào cuộc và chúng vẫn phải sống đời thường nhật với những thiệt thòi quá lớn như một thói quen.

Chúng ta có dũng khí từ chối một tô phở ngon không, khi nhìn thấy chủ hàng phở đang ngược đãi người làm thuê là một đứa trẻ? Chỉ một nhắc nhỏ vậy thôi, đủ để thấy chúng ta đã bỏ quên rất nhiều tương lai ở bên ngoài kia rồi. 
Văn Đoàn
.
.