Bảo tàng tư nhân: Đừng để rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”
Trong những năm gần đây, việc ra đời hàng loạt bảo tàng tư nhân trên cả nước đã trở thành một tín hiệu vui. Công chúng có nhiều cơ hội được tiếp cận với những bảo tàng sưu tầm có chủ đề riêng, trở thành kênh thông tin, thu thập kiến thức về văn hóa lịch sử có chiều sâu bổ ích. Song sau một thời gian tồn tại, các bảo tàng tư nhân hiện nay đã bộc lộ nhiều vấn đề cần có biện pháp để khắc phục. Đồng thời, phải có đường hướng kết nối làm sao để các bảo tàng có sức sống, có công chúng chứ đừng rơi vào tình trạng "chết lâm sàng"...
Muôn màu muôn vẻ
Đến nay, trên cả nước có khoảng 30 bảo tàng do các cá nhân đứng lên gây dựng và nếu tính riêng ở địa bàn Hà Nội thì có hàng chục bảo tàng tư nhân được thành lập. Hệ thống bảo tàng tư nhân tại Hà Nội đa dạng về chủng loại, gồm: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Ðức, trưng bày các hiện vật chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp của cố Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên), Bảo tàng mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm), Bảo tàng của gia đình họa sĩ Sỹ Tốt (huyện Ba Vì), Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (huyện Phú Xuyên), Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (quận Tây Hồ), Bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm (Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm); Bảo tàng Nghệ thuật tỏa sáng (Phạm Hùng - Cầu Giấy); Bảo tàng Radio (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm); Bảo tàng Tiền tệ (Định Công, Hoàng Mai), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức)...
Một góc của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. |
Với sự đa dạng về chủ đề như thế, mỗi bảo tàng tư nhân mang một giá trị riêng, góp phần tạo nên màu sắc mới cho bức tranh chung về hoạt động bảo tàng trên cả nước: Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên nhấn mạnh những hiện vật mô tả quá trình đấu tranh cách mạng trong lao tù của người chiến sĩ cách mạng, nhất là tại nhà giam trên đảo Phú Quốc với khoảng 3.000 hiện vật được trưng bày; Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá lưu giữ hơn 300 hiện vật, hình ảnh, pa-nô bài viết... về nơi "phát tích" làng nghề nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu có từ cuối thế kỷ 19; Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ với bộ sưu tập 1.000 và trưng bày bức tranh quý của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ, trong đó có nhiều tác phẩm quý giá của thế hệ họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái...
Trên mọi phương diện, có thể thấy những tín hiệu này thật đáng mừng. Bởi lẽ bên cạnh hệ thống bảo tàng "công lập" khá chỉn chu nhưng mô phạm và có phần cứng nhắc, thì những bảo tàng tư nhân như thế này sẽ cung cấp thêm cho công chúng những cái nhìn đầy đủ, đa chiều cũng như có chiều sâu hơn về các chuyên đề liên quan đến văn hóa - lịch sử - mỹ thuật...
Nhưng sau một thời gian ra đời và tồn tại, đến nay, nhiều bảo tàng trong số này đều có những "nỗi niềm riêng" khó bày tỏ như: Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ phải tự "xoay xở" trong phần diện tích trưng bày nhỏ hẹp, chỉ chưa đầy 500m2 và cũng là nơi chủ nhân bảo tàng - nhà sưu tầm, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ sinh sống và làm việc; bộ sưu tập "Cổ vật gắn liền nghìn năm Thăng Long - Hà Nội" với những hiện vật trải dài qua 4.000 năm lịch sử của bảo tàng Cổ vật Tràng An gần mươi năm nay vẫn phải "ở nhờ" tại Bảo tàng Hà Nội do chưa có mặt bằng trưng bày; khách đến thăm Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan thì việc đi tìm người cầm chìa khóa để mở cửa bảo tàng cũng đã hết hơi, bởi vì không có khách thường xuyên nên bảo tàng thường xuyên "cửa đóng then cài"... Một số bảo tàng khác lúc đầu cũng ra mắt rôm rả xôm tụ, một thời gian sau cũng chỉ duy trì hoạt động ở mức... cầm chừng mà thôi.
Không nên chờ đợi "hữu xạ tự nhiên hương"?
Cách đây 2 tuần, người viết bài này có đưa gia đình lên tham quan Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn - Hà Nội) với mong muốn cho các con được tiếp cận với những giá trị văn hóa - nghệ thuật - kiến trúc cổ truyền của dân tộc Việt. Khác với lần đầu tôi lên Việt Phủ Thành Chương vào năm 2010 còn rất vắng vẻ, khách tham quan thưa thớt và chủ yếu là khách nước ngoài, năm nay số lượng công chúng Việt tìm đến nơi đây tăng lên đáng ngạc nhiên: ôtô xếp thành những hàng dài ven đường, người tham quan cũng phải xếp hàng để mua vé vào cửa.
Theo quan sát của phóng viên, người Việt đến thăm Việt Phủ Thành Chương cũng không đi theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" mà thư thái bình tĩnh ngắm nghía những di sản độc đáo của cha ông để lại qua những công trình mà họa sĩ Thành Chương đã dày công sưu tầm, bồi dựng suốt mấy thập kỷ qua.
Cần nói rõ là, Việt phủ Thành Chương tuy không được định danh là một bảo tàng tư nhân nhưng cách xây dựng, trưng bày, bài trí và mô hình hoạt động tương tự như một bảo tàng mỹ thuật của người Việt... Được xây dựng vào cuối năm 2001 và được hoàn thành vào năm 2004, nơi đây mang nhiều nét kiến trúc theo phong cách dân gian, với hàng ngàn hiện vật mang những nét đặc trưng, đặc sắc của văn hóa - nghệ thuật - kiến trúc - điêu khắc vùng đồng bằng Bắc Bộ và được ví như "một đồng bằng Bắc Bộ thu nhỏ".
Theo những chia sẻ của họa sĩ Thành Chương với báo chí thì, để biến một nơi vốn trước đó chỉ được xây dựng nhằm mục đích tạo nên không gian riêng của gia đình và thỏa mãn thú sưu tầm, sắp đặt của ông trở thành bảo tàng tư nhân gặp phải những khó khăn vướng mắc. Ngay cả việc mở cửa bán vé để lấy "mỡ nó rán nó", với mục đích duy trì các hoạt động chăm sóc, bảo tồn những hạng mục công trình, hiện vật của Phủ cũng gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.
Trong khi đó, đối với bất kỳ một cá nhân nào, việc có được nguồn kinh phí nào để duy trì các hoạt động của bảo tàng do mình gây dựng nên đều là một... bài toán khó. Những tín hiệu tích cực từ hoạt động của Việt Phủ Thành Chương chắc hẳn là điều khiến nhiều chủ nhân của các bảo tàng tư nhân khác phải thán phục, học hỏi và nên tham khảo về cách truyền thông, quảng bá để "hút khách".
Một bảo tàng văn hóa khác cần được nhắc đến là bảo tàng "Không gian Văn hoá Mường" (cách TP. Hòa Bình 7km theo hướng đi Sơn La) của họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hoá của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Công trình được chính chủ nhân của nó bỏ vốn thiết kế và xây dựng.
Có thể nói, Bảo tàng "Không gian Văn hoá Mường" là một trung tâm trưng bày, lưu giữ quý giá và đầy đủ nhất về Văn hoá dân tộc Mường ở mảnh đất Hoà Bình nói riêng và của tộc người Mường sinh sống trên mảnh đất Việt Nam nói chung. Có lẽ đó cũng chính là lý do bảo tàng không gian văn hóa Mường luôn được các bạn trẻ, những người yêu thích văn hóa tìm đến. Đặc biệt là sau khi nhà Lang cuối cùng của người Mường nằm trong bảo tàng của họa sĩ Vũ Đức Hiếu bị kẻ gian đốt cháy (năm 2013) cùng nhiều hiện vật quý và đã được chủ nhân của nó "lao tâm khổ tứ" phục dựng lại đã khiến nhiều người muốn đến đây hơn.
Có thể thấy, việc sưu tầm, xây dựng được một bảo tàng tư nhân trưng bày hiện vật theo bất kỳ một chủ đề nào cũng là việc làm không hề dễ dàng. Ngoài tâm huyết, đam mê, kiến thức, các thủ tục pháp lý thì điều đầu tiên không thể không nhắc tới, đó chính là vấn đề kinh phí, mặt bằng...
Thế nhưng, ngay cả khi có đầy đủ những điều kiện này rồi, thì bất kỳ một bảo tàng nào cũng đều phải đối mặt với câu hỏi: Làm sao để những nơi như thế này trở thành một địa chỉ văn hóa, là điểm đến thường xuyên của công chúng?
Chắc hẳn, nhà nước cũng cần có những quan tâm, đầu tư nhất định cho các bảo tàng tư nhân gắn với sứ mệnh cao cả mà họ đang tự nguyện làm cho cộng đồng. Đồng thời, làm sao để có sự kết nối giữa các bảo tàng này với nhau, tạo nên sự xâu chuỗi để công chúng có thể lựa chọn một hành trình đi tham quan được một vài địa chỉ gần nhau.
Bởi lẽ, khi đã có đầy đủ mọi điều kiện dựng lên một bảo tàng rồi, mà công chúng vẫn không tới với bảo tàng đó, thì tất cả những tâm huyết nói trên đều không còn nhiều ý nghĩa, mà nó sẽ là những "bảo tàng chết"!