Âm nhạc mong manh

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:42
“Âm nhạc hôm nay cũng vậy (mong manh). Hãy gìn giữ tất cả những gì mà chúng ta trân trọng”. Đó là phát biểu của ca sỹ Hà Anh Tuấn về live concert của mình tại Cung Hữu nghị Việt Xô hôm 9-9 vừa rồi. Và cũng chính vì cái “mong manh” ấy, Hà Anh Tuấn đặt tên cho concert của mình là “Fragile” (mong manh).


“Fragile” cháy vé từ trước khi sân khấu sáng đèn khoảng hơn chục ngày. Đó là một sự thực khi bản thân người viết cũng từng nhận được những lời nhờ vả mua vé. Việc chương trình riêng ấy cháy vé khi mà chủ nhân của nó chưa phải là một ca sỹ hạng A đủ sức khuấy động thị trường cho thấy cơ hội không phải là quá hạn hẹp cho những nghệ sỹ giải trí hôm nay. Và có thể nói, với tín hiệu tích cực của “Fragile”, nhiều nghệ sỹ có thể sẽ tự tin trong việc tổ chức một chương trình riêng của mình mà không phải âu lo về việc ế vé.

Câu chuyện của “Fragile” nếu soi chiếu lại với những gì mới diễn ra gần đây quanh cái gọi là bolero ắt hẳn khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Một nhạc sỹ tên tuổi ở Hà Nội thổ lộ rằng, sở dĩ có phản ứng của một số nghệ sỹ với bolero cũng bởi sự thắng thế và tràn ngập của những show bolero ở thị trường Hà Nội. 

Với việc các show bolero liên tiếp nhau được tổ chức, bán hết sạch vé, nhiều nghệ sỹ thuộc các dòng nhạc khác bị sức ép tâm lý và dẫn tới sự sốt ruột. “Làm sao mà họ không lo lắng được, khi băng rôn quảng cáo hết Lệ Quyên lại tới Đàm Vĩnh Hưng cứ rợp cả Hà Nội. Họ hốt hoảng vì lẽ đó”, nhạc sỹ ấy chia sẻ và chia sẻ đó khiến ta thông cảm hơn với những phát ngôn gần đây về bolero của những nghệ sỹ đương đại.

Và bây giờ, “Fragile” của Hà Anh Tuấn đã cho họ một câu trả lời xác đáng. Đúng là bolero chiếm số đông khán giả, bolero thắng thế nhưng điều đó không có nghĩa là bolero chiếm hết cơ hội của những dòng nhạc khác. Dòng nhạc nào sẽ có khán giả riêng của nó và số lượng khán giả ấy đủ đông để lấp đầy khán phòng cho một nghệ sỹ miễn sao việc tổ chức được tính toán hợp lý, chuẩn xác và đủ sức hấp dẫn đối với chính những khán giả mà họ hướng tới.

“Fragile” của Hà Anh Tuấn chắc cũng sẽ khiến “Trời & Đất” của Tùng Dương diễn ra trong sự an tâm hơn của ca sỹ tài năng này. Ai cũng biết, đầu tư cho một live concert vô cùng tốn kém và việc kéo được khán giả đến như mong muốn là khát khao cực lớn của nghệ sỹ, không chỉ về khía cạnh tinh thần mà còn ở khía cạnh của một nhà đầu tư. Chính khát khao ấy, cùng với cái may-rủi của nghề tổ chức, đã khiến nghệ sỹ trở nên “mong manh” hơn và âm nhạc cũng có vẻ mong manh hơn.

Song, suy cho cùng, âm nhạc, dù thể loại nào đi nữa, cũng vẫn không thể nào tồn tại khoẻ nếu không tự xếp mình vào một ngành công nghiệp. Trong bối cảnh của một ngành công nghiệp chuyên nghiệp như thế, mỗi chương trình, dự án nghệ thuật sẽ là một hạng mục đầu tư mà người nghệ sỹ phải quan tâm đến tất cả các mặt, từ sản xuất nội dung cho tới quảng bá; từ tiếp thị, phân phối cho tới dịch vụ.

Hiểu được điều đó, hiểu được cái mong manh đó, lúc ấy ta sẽ biết trân trọng tất cả những gì mà kho tàng âm nhạc đương đại Việt Nam đang có. Và khi biết trân trọng, chúng ta sẽ biết giữ gìn và dẹp bỏ được thái độ phân biệt, kỳ thị giữa dòng nhạc này với dòng nhạc khác. 
Văn Đoàn
.
.