Ai cũng từng có những người thầy

Thứ Năm, 08/11/2018, 08:49
Không có gì dễ kích động sự nóng giận vội vã của dư luận bằng những câu chuyện giáo dục, y tế, vì những câu chuyện ấy vốn dĩ thiết thân với mọi người. Từ đầu năm tới nay, không biết bao nhiêu lần xã hội đã ồn ào tranh cãi xoay quanh đề tài giáo dục. Một lần nữa, lĩnh vực đó lại nóng lên bởi sự việc xảy ra ở trường Nguyễn Trãi - Thanh Hoá, khi 7 học sinh bị kỷ luật đuổi học rồi sau đó được “giảm án”.


Thực tế, chuyện học sinh có thái độ bất kính với giáo viên đã không còn là cá biệt trong đời sống hôm nay nữa, khi tâm sinh lý của tuổi vị thành niên là vô cùng phức tạp và ở thời đại này, giáo dục đang bị nhiều người xem như một loại hình dịch vụ đặc biệt.

Thêm vào đó, sự nuông chiều của cha mẹ dành cho con cái cũng đã trở thành một dạng “thói quen tập thể” mà chúng ta khó có thể phủ nhận. Nếu so sánh với cách nay chừng 3 thập niên, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều thay đổi trong quan hệ gia đình - nhà trường. Nếu ở 30 năm trước (hoặc lâu hơn nữa), việc một học sinh nghịch ngợm bị thầy cô giáo nhéo tai, tét tay, hoặc thậm chí dùng thước kẻ phạt một vài roi sẽ được gia đình nhìn nhận rằng “con mình chắc chắn phải có vấn đề nên giáo viên buộc phải phạt như vậy”.

Còn bây giờ, chỉ cần một hình phạt như thế, rất dễ nổ ra một làn sóng thông tin cho rằng giáo viên ngược đãi học trò. Biến chuyển ấy của tâm lý chung xã hội nên được đưa vào soi chiếu trong các tranh luận đối thoại về giáo dục hôm nay.

Đuổi học không phải là biện pháp giải quyết mà bất kỳ ai mong muốn nhưng đó là biện pháp khó có thể tránh khỏi ở trong trường hợp người học sinh hư đã không còn có cách giáo dục nào khác để hướng thiện. Nếu đặt cương vị mình ở người đứng đầu một nhà trường, chắc chắn chúng ta cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi ra một án phạt như thế đối với một học sinh hư hỏng, cá biệt.

Ai cũng hiểu, giáo dục phải luôn đề cao tính nhân văn và việc loại bỏ một cá thể ra khỏi tập thể chắc chắn là không nhân văn. Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi “Em học sinh ấy sẽ làm gì đây nếu không được đi học?” bằng cách nào? Đó là một câu hỏi luôn dằn vặt. Nhưng đã đề cao tính nhân văn, chúng ta cũng hãy thử đặt câu hỏi “Có nhân văn với các học sinh khác hay không nếu như để chúng sống trong một môi trường giáo dục bị ô nhiễm bởi các bạn cá biệt mà không thể có cách giáo dục và xử lý nào khác?”.

Vụ xảy ra ở trường Nguyễn Trãi được xác định rất rõ là các em học sinh đã có những lời lẽ thô tục đối với giáo viên trong nhóm bàn luận của mình. Nhưng cách xử lý đã cho thấy một bản chất của đời sống xã hội hôm nay là mọi việc đều có thể dễ dàng bị chi phối bởi truyền thông đại chúng.

Án phạt được đưa ra, và ngay sau đó được điều chỉnh giảm nhẹ lại, điều ấy rất có thể sẽ cho các học sinh bị xử lý kỷ luật cảm giác “đắc ý” của kẻ chiến thắng. Họ sẽ nghĩ rằng chân lý thuộc về họ và thế yếu nằm ở phía thầy cô, nhất là khi bắt đầu có nhiều người tuyên truyền quan điểm giáo dục là một loại dịch vụ.

Học trò sẽ không hiểu đó là một dịch vụ đặc biệt đòi hỏi sự kính trọng từ phía người nhận dịch vụ (học trò) đối với người thực hiện dịch vụ (thầy cô giáo). Học trò càng không thể hiểu hơn thực chất đơn vị cung cấp dịch vụ là nhà trường, còn giáo viên là người thay mặt nhà trường, ngành Giáo dục để thực hiện dịch vụ ấy chứ không thể tương đồng như một người bán hàng.

Rõ ràng, việc phán xử đã và đang cho thấy sự lúng túng trước dư luận và biết đâu nó sẽ để lại một tiền lệ xấu sau này: Sẽ có những vụ việc khác nữa mà học sinh hư cho rằng “chỉ cần tung lên mạng là giáo viên biết tay”.

Trong câu chuyện này, câu chuyện của chúng ta, những người đưa tin vô tình, là vô cùng quan trọng. Chúng ta có những quan điểm, chúng ta có những cách nhìn, chúng ta có kinh nghiệm sống, chúng ta có phần nào tri thức. Và chúng ta áp đặt quan điểm ấy lên một vụ việc không liên quan đến mình bằng cái góc nhìn hạn hẹp của mình mà không chịu mở rộng biên độ để suy xét các chiều kích khác, các hệ lụy khác.

Chúng ta coi các em học sinh là trẻ vị thành niên, với suy nghĩ chúng chưa phải chịu trách nhiệm hành vi trước pháp luật. Song chúng ta quên mất rằng, ý thức chịu trách nhiệm cho hành động của mình phải được hình thành từ nhỏ, để được phán xử bằng lương tri, chứ không phải bằng bất kỳ một toà án nào khác.

Chúng ta ai cũng từng có những người thầy trong đời mình, ít ra là với những ai biết đọc, biết viết. Vậy thì chúng ta suy nghĩ gì khi chính mình góp phần vào cái dư luận chĩa mũi dùi vào những người thầy ở Thanh Hoá, trong chính cái tháng 11, tháng vinh danh nghề của họ? Họ sẽ tiếp tục làm việc thế nào với những học sinh cá biệt mà rất có thể sau khi vụ việc này lắng xuống, chúng nhìn người thầy của mình với ánh nhìn bất kính?

Vậy thì hãy chậm lại một chút trước khi chia sẻ, bàn luận và phán xét. Đừng biến mình thành một thành viên trong đội “đấu tố” của thời đại truyền thông mạng xã hội tràn lan và khó kiểm soát này. Đó, âu cũng là một chút chậm lại nhân văn. 
Văn Đoàn
.
.