Ngồi tự mạn thuyền Ngũ Huyện Khê
Mỗi lần về Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) tôi thường dạo bộ chợ gỗ bên sông Ngũ Huyện Khê. Bến sông luôn nhộn nhịp những con thuyền chở gỗ từ sông Đuống rẽ vào. Xa xưa Đồng Kỵ hình thành lắm ngành nghề và tấp nập khách mua bán cũng nhờ con sông này. Kẻ Cời là tên làng Đồng Kỵ xưa đã có câu: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Đồng Kỵ với anh thì về/ Đồng Kỵ có lắm ngành nghề/ Có sông tắm mát có nghề buôn trâu”.
Kẻ Cời buôn bán ngược xuôi
Những con chợ luôn ghi dấu ấn sắc màu văn hóa sinh động nhất của từng vùng miền. Chợ gỗ Đồng Kỵ không ngoài diện mạo đó. Thậm chí người ta còn nói Đồng Kỵ là làng trăm nghề và làng tỉ phú. Cho đến nay hễ bước ra đường là gặp giám đốc công ty buôn bán đồ gỗ. Đồng Kỵ đã lên phường thuộc thành phố Từ Sơn nhưng văn hóa làng xã vẫn ghi dấu ấn bản thể trong sinh hoạt và những ngày lễ hội.
Chợ gỗ được phân chia gian theo từng hạng mục và chất liệu hàng. Mà những người đi chợ đều thường là những giám đốc các công ty cùng với khách thập phương kéo đến. Gỗ bán cân hoặc bán theo tấm đã xẻ sẵn. Thậm chỉ một khúc gỗ quý như Sưa, Lim, Trắc cũng đều có giá bạc triệu.
Người Đồng Kỵ xưa khởi nghiệp bằng nghề thợ xẻ gỗ. Họ tỏa đi khắp các rừng phía Bắc để xẻ gỗ thuê. Sau đó nhiều người chuyển sang buôn bán đồ gỗ cổ nên lãi to. Suốt hàng chục năm họ xâm nhập thị trường từ Bắc chí Nam tìm cách thu mua bán gường tủ, bàn ghế tràng kỷ và tủ chè cổ để bán lại cho những người giầu có. Họ thành thạo giá cả và buôn từ gốc bán đến ngọn. Thậm chí họ còn bán đồ gỗ cổ sang tận Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc. Chợ gỗ Đồng Kỵ ngày một bùng phát cũng bởi sự năng động của người dân Đồng Kỵ. Lại nhớ Kẻ Cời còn nổi tiếng là giỏi giang khắp vùng từ nghề buôn bán trâu bò thời Pháp thuộc: “Trai thì buôn bán ngược xuôi/ Gái thì canh cửi, chăn nuôi, ruộng đồng”.
Ấy là lịch sử con chợ hiện diện hình ảnh Kẻ Cời xưa. Đến nay người Đồng Kỵ vẫn thể hiện sự tinh khôn lọc lõi của người kẻ chợ. Mỗi khi chuyển đổi ngành nghề theo thị trường người Đồng Kỵ thường đi trước một bước và làm chủ cuộc chơi. Sau khi những đồ dùng hàng cổ khan hiếm và rủi ro khó lường; Ngay lập tức người Đồng Kỵ tổ chức làm hàng giả cổ. Họ tạo dựng thị trường ngay trên mảnh đất của mình. Họ tới những làng nghề gỗ mỹ thuật quanh vùng để mua hàng thô về trau chuốt lại cho tinh xảo. Nhiều nghệ nhân đã tìm về làm thuê và dậy nghề cho người làng Đồng Kỵ.
Chợ gỗ Đồng Kỵ càng trở nên đông vui hơn. Làng nghề đóng đồ gỗ ở đây cũng từ đó mà phát đạt. Thợ đóng đồ mỹ nghệ giả cổ của người Đồng Kỵ lại khéo tay và chạm khắc rất tinh xảo. Sinh thời nhà thơ Vũ Từ Trang (người Kẻ Sặt-Từ Sơn) cũng đã từng mở công ty buôn bán đồ gỗ ở đây. Ông đã viết: “Ghế trúc, ghế Guột, ghế Khánh, Ghế rồng/ Đời Minh, đời Thanh dáng nào cũng đẹp” (Chuyện làng mộc)
Ai đến đây cũng đều bất ngờ với tốc độ phát triển làng nghề đến chóng mặt ở Đồng Kỵ. Nhất là sau khi đất nước thống nhất, thị trường được mở rộng, nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ càng tưng bừng. Đặc biệt, một thời gian dài người thợ ở đây đã làm ngày đêm để kịp chuyển hàng sang Trung Quốc. Nhiều tổ hợp sản xuất tự động và bán tự động cùng với ứng dụng công nghệ mới của làng nghề Đồng Kỵ đã ra đời. Nhịp điệu và không gian công nghiệp đồ gỗ ở đây thật sự hối hả quanh năm suốt tháng. Đồng Kỵ có tới hàng chục ngàn người làm thợ chưa kể hàng ngàn người từ các địa phương khác tới làm việc.
Hiện này, phường nghề có hơn 250 doanh nghiệp tạo nên khu công nghiệp chế biến gỗ khổng lồ tại địa bàn và quanh vùng Từ Sơn. Ngoài thị trường tiêu dùng khắp đất nước, hàng gỗ Đồng Kỵ còn xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đến nay, Kẻ Cời vẫn hiện diện đúng như nó một thuở: “Đồng Kỵ đóng tủ, đóng giường/ Làm đồ cổ đẹp muôn phương tìm về/ Đồng Kỵ có lịch có lề/ Có sông tắm mát tứ bề ấm no”.
Hội Đồng Kỵ pháo chị pháo em
Phường Đồng Kỵ có lễ hội hàng năm rất kỳ lạ vào mùng 4 Tết âm lịch. Họ tổ chức thi rước pháo lớn và thi vật. Khi xưa làng Đồng Kỵ gồm ba làng Việt cổ có tên là Cời, Cọc và Cờ nằm dọc sông Ngũ Huyện Khê. Cả ba làng đều thờ chung Thành Hoàng là Đức Thánh Thiên Cương vào thời Hùng Vương thứ 6. Dân cả ba làng thường thi quan họ hàng năm và cùng rước pháo dâng hương vào mùa xuân.
Thời nào dân làng Đồng Kỵ cũng giầu có vì ham mê buôn bán quanh năm nên họ rước những quả pháo rất lớn. Đó là những quả pháo khổng lồ (có khi dài hơn chục mét) tượng trưng cho tinh thần thượng võ đánh giặc giữ nước.
Chuyện xưa kể rằng thời vua Hùng có tướng Cương Công có công dẹp giặc Xích Quỷ nên được vua phong là Thiên Cương. Trên đường đi đánh giặc ông đã đến Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm ấy. Quân sĩ được chia làm 4 binh đoàn và do bốn tướng chỉ huy. Thiên Công tổ chức cho đốt pháo động viên đoàn quân quyết chiến quyết thắng. Khi dẹp giặc xong Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng. Tục rước pháo và làm pháo lớn bắt đầu từ đó.
Lễ hội được diễn ra tại sân đình và chùa Đồng Kỵ. Đình nằm trong một khuôn viên rộng tới 3ha trải dọc sông Ngũ Huyện Khê. Chung quanh đình chùa là một rừng cây cổ thụ gồm Đa, Si, Bồ đề và Sưa… Không khí quanh năm mát mẻ xanh tươi tạo nên cảnh sắc nên thơ. Những cô gái chàng trai quanh năm bươn chải nhưng vào ngày xuân đã hóa thân về với làng quan họ. Liền anh, liền chị ca hát duyên dáng và tình tứ xiết bao. Những lời ca “Ngồi tựa mạn thuyền” hay “Người ở đừng về”, hoặc “Con nhện giăng mùng”… luôn ngân vang ngọt ngào, bay bổng bên sông.
Một thời cố thi sĩ Anh Vũ mỗi khi về quê luôn theo chân các liền anh chơi quan họ. Ông đã viết bài thơ “Thăm chùa Đồng Kỵ” để miêu tả cảnh tượng huyền diệu nơi đây: “Thu không gióng cả cánh chim mau/ Trăng chợt lung lay bóng chuối cau/ Đèn lên tỏ ngọn nhang đưa ngát/ Cảnh Phật rêu xanh đã giãi màu”.
Các cụ làng truyền rằng “Hội Đồng Kỵ pháo chị pháo em” để ghi dấu không khí nhộn nhịp của hội làng. Xưa còn đốt pháo để tranh chấp thắng thua, nay chỉ làm pháo giả với các họa tiết rực rỡ. Những âm thanh rộn rã của kèn trống và đàn ca sáo nhị đã thay cho tiếng nổ vang trời. Các chàng trai và cô gái lại dìu dặt hẹn hò trong làn điệu “Dọn quán bán hàng”. Họ không vì mải vui mà quên đi chuyện làm ăn. Giọng ai cùng vang rền, nền nảy trong câu ca: “Dọn quán cùng có a bán hàng/ Là anh Hai ơi/ Dọn quán bán hàng để tôi là khách ơ là tôi là khách/ Ơ tình tang như luống tình tinh cái nỗi đi qua đàng…”. Tiếng trống thay tiếng pháo rộn ràng trong giai điệu mê say của cánh quan họ ngân nga trên sông nước mênh mang.
Tây Am Tự
Chùa làng Đồng Kỵ nằm kề bên đình được bóng cây xanh che phủ. Không cứ vào lễ hội hàng năm mà dân Đồng Kỵ thường về đây lễ Phật cầu kinh. Hệ thống tượng thờ của chùa đã ghi dấu thời gian trăm năm cho dù đã được tu sửa nhiều lần. Nhưng nơi đây vẫn giữ được nét cổ phong xanh rêu từ thời vua Khải Định không phai mờ. Thinh không và tĩnh lặng. Nhưng dưới mái chùa còn có những dấu tích của thời Tiền khởi nghĩa phả lên hơi thở rạo rực đâu đây. Và còn đó những câu thơ mà nhà thơ Anh Vũ ghi lại dấu tích một thời hào hùng đã diễn ra tại chùa này: “Tre trúc hiền lành quen đón bạn/ Thực đây Đồng Kỵ dấu chân xưa/ Chén sành, bàn mộc kỳ nhen nhúm/ Ấm lòng cách mạng nghĩa rau dưa” (Thăm chùa Đồng Kỵ)
Chùa Đồng Kỵ là cơ sở hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… Nơi đây, các nhà cách mạng đã được Thiền sư Phạm Thông Hòa cùng các phật tử nuôi giấu che chở. Đặc biệt, nơi đây đã diễn ra cuộc họp quan trọng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (9-3-1945). Tây Am Tự luôn ngân vang tiếng chuông vọng khắp phố phường. Đêm đêm, tiếng mõ khắc vào thời gian ẩn sâu trong không gian kẻ chợ một thuở bình minh bên sông Ngũ Huyện Khê.