con người có là... cây sậy?

Thứ Năm, 02/06/2022, 16:26

Hầu như giáo trình triết học nào nghiên cứu về con người cũng trích câu nói nổi tiếng của Pascal: "Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ". Tại sao lại có câu này? Là nhà khoa học tự nhiên có nhiều phát kiến mới mẻ, Pascal còn là một nhà văn, nhà nghiên cứu tâm lý tên tuổi. Thời ấy tôn giáo rất phát triển, một người bạn khuyên Pascal bỏ khoa học để theo tôn giáo.

Người bạn đưa ra lý lẽ: "Con người ta chỉ là một cây sậy yếu ớt. Anh cũng vậy. Làm sao có thể tồn tại trước giông bão cuộc đời!". Pascal bèn trả lời: "Đúng vậy, con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ!".

Ý   ông muốn đề cao năng lực tư duy sẽ giúp con người tồn tại và phát triển trước mọi trở lực của tự nhiên. Không ngẫu nhiên các trường phái, các chủ nghĩa mang tính duy lý sau này đều coi Pascal là ông Tổ!

Xin nói thêm về "ông Tổ" này. Về sau trở thành nhà triết học nổi tiếng nhưng diễn giải triết học của Pascal rất mềm mại tinh tế, uyển chuyển, giàu hình tượng nên dễ hiểu và nhớ lâu. Một người bạn là họa sĩ tài năng hỏi Pascal làm sao một người danh tiếng (như tôi) mà không thể chinh phục được một người phụ nữ bình thường. Không suy nghĩ ông trả lời: "Con tim có lý lẽ riêng mà lý trí không giải thích được"! Câu này về sau trở thành câu cửa miệng những chàng trai hào hoa phong nhã mà chịu cảnh thất tình...

image003.jpg -0
Trang minh họa nghĩa quân Khởi nghĩa Bãi Sậy!

Hình tượng cây sậy của Pascal đã đi vào lịch sử triết học thế giới như một ẩn dụ vĩ đại cho con người. Gần đây nhất, có một tác phẩm triết luận văn chương được trao Giải thưởng Tiểu luận Quốc gia Tây Ban Nha năm 2020 viết dưới dạng tản văn đa dạng về chủ đề, phong phú về bút pháp nhưng rất tập trung vào việc ca ngợi sách và việc đọc sách trải qua nhiều thời kỳ trong lịch sử. Ban đầu tác giả đặt tên sách là "Một lòng trung thành bí ẩn" nhưng được nhà xuất bản đề xuất cái tên mới rất gợi là "Vô cực trong một cây sậy" dựa theo câu nói của Pascal với ý là nhờ sách mà suy nghĩ của con người thật không giới hạn (vô cực)!

Ngược thời gian về với thần thoại Hy Lạp có một truyền thuyết về vua Miđax gắn liền với hình tượng cây sậy! Chả là vì thần Păng tuy xấu xí lại có cái đầu với hai sừng dê nhưng không vì thế mà thần mặc cảm. Tự hào với tài thổi sáo có thể làm chim ngừng bay, nước ngưng chảy, tự nhiên một hôm thần muốn so tài với thần âm nhạc Apôlông. Cả hai đồng ý mời vua Miđax làm trọng tài. Thần Apôlông cầm cây đàn xita và một bữa tiệc âm thanh cất lên. Tiếng đàn làm cho cả vũ trụ nín thở rồi ngất ngây đi theo nhịp điệu thần thánh. Cả trái đất như khải hoàn reo ca. Rồi tất cả lại như ngưng đọng, đắm say, thổn thức... Đại để, đó là tiếng đàn điều khiển được nhịp trôi chảy của tạo hóa!

Khi thần Păng cất tiếng sáo thì muôn loài ngất ngây, bàng hoàng, sửng sốt... Ở trên trời, thần Dớt vén mây ngỏng tai nghe tiếng sáo đồng quê ngọt hơn rượu nho của thần Điônizơt. Không biết thần Păng có hối lộ cho vua Miđax không nhưng vì người trần mắt thịt nghe tiếng sáo dân giã gần gũi mà vua Miđax xử cho thần Păng thắng cuộc. Tức tối, thần Apôlông xấn đến cầm lấy hai tai vua kéo dài ra và nói: "Ngươi là một con lừa!". Thế là từ đó vua phải để tóc dài che kín đôi tai xấu xí.

Nhưng trời nóng thì khó chịu vua liền vời một anh thợ cắt tóc đến và nói sẽ trả công rất hậu, bù lại phải giữ mọi bí mật, nếu không sẽ bị chết. Đương nhiên anh ta đồng ý. Như một quy luật, có điều bí mật mà không được nói ra thì rất khó chịu. Nhưng anh ta sợ chết. Rồi cũng nghĩ ra cách hay: anh ta đến nơi thật xa đào cái hố sâu ba thước rồi nhảy xuống nói để tháo ra cái ẩn ức bị đè nén bấy lâu nay. Mặc dù đã lấp đất nhưng từ chỗ đó mọc lên một cây sậy. Cứ mỗi buổi chiều gió thổi cây sậy lại rì rào đưa "bí mật" bay khắp kinh thành: "Vua Miđax có cái tai lừa!!!".

Thì ra dù có chôn sâu dưới ba thước đất thì vẫn không giấu được sự thật!

Nhưng tại sao lại là cây sậy mọc lên chứ không phải cây khác?

Cây sậy, ở đâu cũng vậy, giống nhau về đời sống hoang dã thường mọc thành bụi ở các đầm lầy, bãi sông, thân hình mảnh dẻ, sống lâu năm, thân thảo. Rễ sậy cắm sâu vào đất, rất khỏe, màu trắng vàng, đốt dài. Lá sậy dài khoảng 30 - 40cm, rộng 2 - 4cm, phẳng, nhẵn, hình mũi mác, ngọn lá nhọn kéo dài. Cây có vẻ yếu ớt nhưng thích nghi tốt với mọi điều kiện thời tiết, dù có gió to bão lớn sậy chỉ nghiêng ngả chứ không chịu gập gãy. Gắn liền với những gì đời thường, dân dã nên cây sậy mọc lên từ "hố sự thật" thì dễ thuyết phục hơn bởi chân lý thì luôn tự nhiên, bình thường và đời thường... như cây sậy vậy! Câu nói của Pascal cũng dựa trên nghĩa đen, tức tính chất dân giã, bình dị của hình tượng!

image001.png -0
Hoa sậy!

Trong hầu hết các nền văn hóa, cây sậy trở thành biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, dẻo dai. Cư dân vùng Amazon (Nam Mỹ) còn nâng biểu tượng mang tính thiêng là sứ giả, là cầu nối giữa Thượng đế với những người dân nghèo... Văn hóa truyền thống Nhật Bản kể lại thời nguyên thủy xa xưa cả nước Nhật là một đồng bằng lau sậy. Các chồi sậy mọc vươn lên từ mặt nước đón ánh mặt trời nên chồi sậy biểu trưng cho những gì mới mẻ, tinh khôi. Dần dần biểu tượng mở rộng thêm nghĩa về phía bảo trợ những gì tốt đẹp, tương lai tẩy uế những xú khí, chết chóc. Người ta tước nhỏ, đập dập cây sậy thành sợi để đan dệt thành thảm mang chức năng thanh lọc dùng trong các nghi lễ. Rồi lấy cây làm cửa sổ, làm vòm cửa chính để ngăn ngừa tà ma... Trong văn hoá Ấn Độ cây sậy là biểu trưng cho "trục thế giới" chống đỡ vòm trời để con người tồn tại. Văn hóa Hồi giáo coi tiếng sáo làm từ cây sậy là biểu trưng cho khát vọng tìm về với Chúa!...

Cả thế giới đều nhớ truyện ngụ ngôn "Cây Sồi và cây Sậy" của La Phôngten, vì hầu như sách giáo khoa tiểu học nước nào cũng đều học truyện này. Một hôm với giọng bề trên cây Sồi chê bai cây Sậy yếu ớt và tự cho mình là cường tráng khỏe mạnh. Sồi ngạo mạn nói: "Nếu cậu mọc dưới tàn lá tớ/ Đâu cậu còn e sợ gió giông". Trái ngược với sự cao ngạo của Sồi, Sậy khiêm cung đáp: "Cảm ơn lòng trắc ẩn của anh/ Gió kia dù có bạo hành/ Tưởng tôi sợ ít, mà anh ngại nhiều". Sậy vừa nói xong thì một trận cuồng phong ập tới. Sậy nằm rạp theo chiều gió, hết gió sậy lại đứng thẳng dậy. Còn Sồi thì bị gãy cành rụng lá, may mà không đổ... Đó là một bài học mang tính phổ quát rộng rãi: phải khiêm tốn, biết mình biết người, đừng chê bai kẻ khác...

Gắn với quan niệm đó là loại cây bảo trợ cho cuộc sống con người, hiện nay ở nước Kenya vẫn còn sản xuất muối ăn từ cây sậy, vừa coi đó là một thu nhập vừa như một việc làm tâm linh. Trước khi chọn cắt những cây sậy tốt nhất, phải cao trên 2 mét mọc dọc bờ sông Nzoia, người ta làm lễ tế trời đất. Sau đó đem sậy về phơi khô dưới trời nắng, đốt sậy lấy tro đổ vào một cái chậu lớn cho nước vào rồi lọc lấy muối. Muối này rất đắt, quý và hiếm nên thường chỉ để cúng tế và bán cho người giàu hoặc các khách sạn cao cấp.

 Ở ta, thời sự nhất là câu chuyện một số em học sinh phổ thông trung học thuộc tỉnh Hậu Giang có phát kiến hay trong những ngày cả nước chống Đại dịch COVID - 19 là làm khẩu trang từ cây sậy. Bắt đầu là làm giấy từ sậy, sau đó làm than hoạt tính cũng từ sậy,... giá thành rẻ lại thân thiện với môi trường. Những việc làm như thế rất đáng hoan nghênh, nhất là ở lứa tuổi học trò thể hiện sự sáng tạo, đáp ứng sự đòi hỏi của xã hội.

Xứ ta ngày xưa, ở vùng đồng bằng bạt ngàn lau sậy, thành ngữ "bờ lau bãi sậy" chỉ nơi hoang vu trái nghĩa với thành ngữ "bờ xôi ruộng mật" nói về ruộng đất trù phú. Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892) của nhân dân ta nổ ra ở một số huyện thuộc tỉnh Hưng Yên (ngày nay) do lãnh tụ Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Lấy căn cứ địa chính là các bãi sậy trên đầm lầy các nghĩa binh dùng bè mảng tiến đánh vào các đồn bốt giặc gây nhiều thiệt hại cho quân xâm lược.

Cây sậy gần gũi, quen thuộc với người nông dân Việt. Là thứ cây hoang nhưng có ích, thân làm chất đốt. Đặc biệt món ăn dân dã được chế biến từ măng sậy rất hấp dẫn, dùng để xào thịt, nấu canh chua... Đông y cổ truyền coi sậy là cây thuốc với hoa để cầm máu giải độc, thân rễ có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận phế, lá dùng chữa nôn, cầm tiêu chảy…

Nguyễn Thanh Tú
.
.