“Bạch Đằng hải khẩu” - Kiệt tác văn chương của Nguyễn Trãi

Thứ Năm, 13/10/2022, 17:38

Bên cạnh 254 bài thơ Nôm đã được tìm thấy, thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, cho dù chỉ còn rất ít ỏi, nhưng phần nhiều đều là những bài thơ hay, rất hay. Một số bài đặc biệt hay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong nhiều bài thơ đặc sắc của Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi (1380-1442) có hơn một trăm bài thơ chữ Hán hiện sưu tầm được. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh (vợ vua Lê Thái Tông) và bọn gian thần đã âm mưu tàn độc, giết hại cả ba họ Đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi và vợ ông là bà Lễ Nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vào tháng Tám năm Nhâm Tuất 1442.

Mục tiêu chủ yếu là giết người diệt khẩu, nhằm che giấu việc bà Nguyễn Thị Anh đã có thai 3 tháng với Lê Nguyên Sơn, trước khi là vợ vua. Hơn hai chục năm sau, Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan. Khoảng 15 vị Tiến sĩ đã được cử đi tìm kiếm di cảo thơ văn của Nguyễn Trãi còn lưu lạc trong dân gian.

Bên cạnh 254 bài thơ Nôm đã được tìm thấy, thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, cho dù chỉ còn rất ít ỏi, nhưng phần nhiều đều là những bài thơ hay, rất hay. Một số bài đặc biệt hay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong nhiều bài thơ đặc sắc của Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Trãi.

bạch đằng 1.jpg -0
Một bức họa về chiến trận Bạch Đằng.

Phiên âm:

Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,
Khinh khỉ ngâm phàm quá Bạch Đằng.
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

Dịch nghĩa:

CỬA BẠCH ĐẰNG

Gió bấc thổi trên biển, khí biển lạnh lùng,
Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng.
Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc,
Như mũi qua chìm, cây kích gãy, bên bờ lớp lớp chất chồng.
Quan hà hiểm yếu, hai người địch được trăm người, do trời sắp đặt,
Hào kiệt lập công danh, chốn ấy từng là nơi.
Quay đầu xem việc cũ, ôi xong rồi!
Cúi xuống dòng mò bóng, ý không sao nói xiết…

DỊCH THƠ

Gió Bắc dâng, biển lạnh lùng,
Buồm thơ qua cửa Bạch Đằng nhẹ tênh.
Núi như sấu chặt kình băm,
Giáo chìm kích gãy chất nằm muôn nơi.
Quan hà hiểm yếu do trời,
Công danh hào kiệt một thời lưu danh.
Ngoái xem, việc cũ đã xong,
Đáy sông mò bóng, tình không hết lời.

                           (VŨ BÌNH LỤC dịch)

Nguyễn Trãi viết “Bạch Đằng hải khẩu” ở thời điểm nào? Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì cửa biển Bạch Đằng xưa là cửa sông Chanh ở phía Đông Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, không phải cửa Nam Triệu. Tuy nhiên, sông Chanh cũng chỉ là một nhánh của hệ thống sông Bạch Đằng, mà nơi diễn ra các trận đánh của Ngô Quyền, của Lê Hoàn, của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chống giặc phương Bắc, lại bao chứa một khoảng không gian khá rộng, gồm cả hai bờ của dòng sông Bạch Đằng, phía Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía Nam thuộc Hải Phòng bây giờ, xưa cũng là vùng đất An Bang, Xứ Đông cả.

Chỉ có thể ước đoán rằng Nguyễn Trãi đã từng ngồi trên chiếc thuyền buồm mà qua cửa Bạch Đằng, trong mùa gió bấc, mà chắc là từ bờ Bắc sang bờ Nam, nương theo gió, để “Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng”…

Có thể thấy đây là thời điểm mà tâm trạng Nguyễn Trãi có phần phấn khích. Có lẽ, đây là thời điểm Nguyễn Trãi đã được phục chức, ở thời kỳ vua trẻ Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) trị vì. Ngoài các chức vụ được giao ở triều đình, Nguyễn Trãi còn được giao thêm việc quản lý quân dân hai đạo vùng Đông Bắc, một vùng đất biên cương chiến lược, cực kỳ quan trọng. Ở thời điểm này, Nguyễn Trãi đi khinh lý khắp vùng Đông Bắc. Thi nhân cũng sáng tác khá nhiều bài thơ, cả chữ Hán và chữ Nôm. Bài thơ chữ Hán “BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU” được ra đời trong thời điểm và hoàn cảnh đó...

Gió bấc thổi trên biển, mang theo “khí lạnh”, nhưng chưa phải là gió cắt da cắt thịt. “Khí lăng lăng”, cũng mới chỉ là săn se lành lạnh, cuối thu, chưa ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại, nên thi nhân mới có thể “Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng”, cùng với một tâm trạng lâng lâng của một thi nhân đang làm chủ hoàn cảnh, làm chủ chính mình, tâm hồn có vẻ tiêu sái.

bạch đằng 2.jpg -0
Một bức họa về cọc tiêu sông Bạch Đằng.

Hai câu 3 và 4, tả thực. Tả cảnh núi non và quang cảnh hai bờ sông Bạch Đằng:

Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.

Núi non lớp lớp nối tiếp nhau, chen vai thích cánh như luỹ như thành, như cá sấu bị chặt (ngạc đoạn), như cá kình bị mổ (kình khoa); rồi ngổn ngang chồng chất gò đống, ngòi lạch, hiện lên như thể những mũi qua chìm (qua trầm), những ngọn kích gãy (kích chiết) bên bờ sông…

Tả cảnh, liệt kê, liên tưởng so sánh khoa trương, nhưng là một sự liên tưởng rất chính xác, rất gợi cảm và hấp dẫn. Hơn thế, tả cảnh vật mà tác giả như đang dựng lại, đang tái hiện lịch sử oai hùng của những trận chiến ác liệt như thể vừa mới diễn ra ở chính nơi này, với một cảm hứng vô cùng hào sảng. Người đọc có thể hình dung như thấy khúc sông này đang sôi lên tiếng hò reo dậy đất, tinh kỳ phấp phới, “Trận đánh thư hùng chửa phân/ Chiến luỹ Bắc Nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi” (Trương Hán Siêu – BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ)…

Phải có một tâm hồn khoáng đạt, một tầm quan sát sâu rộng và khả năng liên tưởng nhạy bén, tài hoa, mới có thể sáng tạo được những câu thơ tràn đầy hào khí hào hùng như vậy!

Hai câu tiếp theo, luận về địa lợi. Bởi đang đối diện với núi non cảnh vật bên sông Bạch Đằng, cho nên tác giả mới “luận” về địa lợi, tức là cái sự lợi hại của hình thế núi non sông nước Bạch Đằng, xét về mặt quân sự.

Tác giả viết:

Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.

Bách nhị (hai trăm), đấy là mượn điển tích của sách SỬ KÝ bên Tàu, nói rằng hai vạn quân Tần, có thể đánh thắng được hai trăm vạn quân các nước chư hầu. Tức là hai người lính chốt giữ nơi hiểm yếu (cửa ải Hàm Cốc), có thể địch nổi trăm quân đối phương.

Cũng vậy, địa thế hiểm trở của Bạch Đằng, có thể làm tiêu vong bất kỳ đội quân xâm lược nào, cho dù chúng rất hùng hậu và thiện chiến. Trời đất đã sắp đặt cho ta quan hà hiểm yếu, ở chính nơi đây (thử địa tằng) để chống kẻ mạnh cuồng ngông và tàn bạo. Đấy cũng chính là nơi anh hùng hào kiệt có thể lập nên công danh rạng rỡ, như Ngô Quyền, như Lê Hoàn, như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và biết bao anh hùng hào kiệt hữu danh và vô danh khác, nối tiếp nhau trong lịch sử chống xâm lăng, bảo vệ độc lập dân tộc.

Hai câu kết, cảm thán, suy tư về lịch sử.

Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

(Ngoảnh đầu xem việc cũ, than ôi/ Cúi xuống dòng sông mò bóng, tâm sự không thể nói nên lời)

Việc cũ, việc xưa (vãng sự), tức những trận chiến ác liệt từng diễn ra trên sông Bạch Đằng, những chiến công làm xoay chuyển trời đất, quay đầu nhìn lại, than ôi, tất cả đã trôi vào dĩ vãng. Bọn xâm lược đã tiêu vong, anh hùng lưu danh muôn thuở. Muôn lớp anh hùng về thiên cổ, chỉ còn dòng sông vẫn chảy hoài, mà nhục quân thù khôn rửa nổi! Trong lòng thi nhân trào lên bao nỗi cảm hoài mà “Cúi xuống dòng sông mò bóng, bao ý tình không sao nói hết ra được”…

Không nói, nhưng thật ra tình thơ ý thơ đã hiển lộ cả rồi. Chỉ là để cảm thán đấy thôi, cho ngân nga mãi tiếng lòng thi nhân đang dạt dào cảm xúc. “Cúi xuống dòng sông mò bóng” là một hình ảnh thơ rất lạ và giàu sức gợi hình, gợi cảm. Ngồi trên chiếc thuyền nhẹ, kéo buồm thơ trên sông nước Bạch Đằng, rồi cúi xuống dòng sông lịch sử này mà “mò bóng”, mò chính cái bóng mình soi xuống, hay là mò cái bóng hình quá khứ xa xăm? Có lẽ là cả hai vậy! Và ý “nan thăng” (ý khó nói ra thành lời), cảm xúc không nói thành lời, không thể diễn đạt nên lời. Một ý thơ hàm xúc và độc đáo, nếu tôi không nhầm, thì mới chỉ thấy trong thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi mà thôi!

Riêng câu cuối “Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng”, Trung tâm nghiên cứu Quốc học chép là “Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng” và dịch là “Trên sông ngắm cảnh, tình ý khó nói nên lời”…

Trộm nghĩ, nếu là chữ “phủ cảnh”, thì câu thơ bình thường, một nhà thơ cỡ “Thường thường bậc trung” cũng viết được. Chúng tôi tán thành bản chép của cụ Đào Duy Anh là “phủ ảnh”. “Lâm lưu phủ ảnh (Cúi xuống dòng sông mò cái bóng). Đấy mới là chữ của Nguyễn Trãi, là “thương hiệu Nguyễn Trãi”, bậc đại bút hàng đầu trong thơ ca nước Việt mấy ngàn năm.

Vũ Bình Lục
.
.