Tăng tốc kết nối giao thông công cộng sau sáp nhập

Chủ Nhật, 06/07/2025, 06:31

Sau khi tỉnh Đồng Nai mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ tỉnh Bình Phước cũ, các cơ quan quản lý bến xe, doanh nghiệp (DN) vận tải đã nhanh chóng vào cuộc với nhiều giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo hoạt động giao thông công cộng thông suốt, ổn định và từng bước nâng chất lượng phục vụ.

Là một trong những bến xe trọng điểm của tỉnh, Bến xe Biên Hòa (TP Biên Hòa cũ) hiện có 10 nhà xe khai thác các tuyến cố định đi các tỉnh, cùng 8 tuyến xe buýt hoạt động ổn định trong và ngoài tỉnh như TP Hồ Chí Minh. Theo Phó Giám đốc bến xe Hồ Đắc Phúc, đơn vị này đã chủ động tạo điều kiện cho các DN vận tải mở thêm tuyến mới, đặc biệt là các tuyến kết nối vùng cũ của tỉnh Bình Phước nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại trong nội tỉnh mới.

Tăng tốc kết nối giao thông công cộng sau sáp nhập -0

Minh chứng cho chủ trương này là việc Bến xe Biên Hòa vừa tiếp nhận đăng ký mở tuyến của Nhà xe Thành Công (Công ty TNHH Vận tải Thành Công, phường Bình Phước). Theo thông báo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cũ ngày 25/6, Nhà xe Thành Công được khai thác tuyến cố định từ Bến xe Trường Hải (phường Bình Phước) đến Bến xe Biên Hòa và ngược lại, với cự ly 84km. Lộ trình được khai thác với 93 chuyến/tháng, bắt đầu từ ngày 1/7/2025, trung bình 3 chuyến/ngày (5h, 11h30, 17h). Động thái này không chỉ gia tăng sự lựa chọn cho người dân mà còn góp phần từng bước thiết lập mạng lưới vận tải công cộng liền mạch, kết nối hiệu quả các khu vực xa trung tâm về thành phố Biên Hòa – trung tâm hành chính, kinh tế mới của tỉnh.

Không chỉ riêng Biên Hòa, các bến xe ở địa bàn khác cũng đã sớm có bước chuẩn bị. Tại Bến xe Long Khánh, bến phó Trần Công Hưng cho biết hiện đơn vị này quản lý 15 tuyến xe khách cố định với 34 phương tiện. Trong đó, các tuyến đi về huyện Bù Đăng và thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước cũ) đã hoạt động ổn định với sự tham gia của nhiều nhà xe có uy tín như Hồng Hạnh, Út Nga, Nghĩa Bảy… Dự báo nhu cầu đi lại sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, các nhà xe này đã xây dựng phương án tăng chuyến, đầu tư thêm phương tiện, đồng thời nâng cấp chất lượng dịch vụ để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của hành khách.

Tương tự, tại Bến xe Đồng Nai (phường Tam Hiệp), Ban Giám đốc Công ty CP Bến xe và Dịch vụ vận tải Đồng Nai - đơn vị quản lý - cũng đã quán triệt chủ trương nâng chất lượng phục vụ, khuyến khích DN mở tuyến đi các địa phương thuộc Bình Phước cũ. Với vai trò là phương tiện công cộng chủ lực ở đô thị, hệ thống xe buýt cũng đang được các đơn vị vận hành chủ động củng cố, nâng cao chất lượng. Điển hình, Công ty TNHH Trí Minh Phát - đơn vị khai thác tuyến xe buýt trợ giá số 1 (Đại học Công nghệ Đồng Nai - Ngã ba Vũng Tàu) - cho biết đang vận hành 10 xe (8 xe hoạt động, 2 xe dự phòng), với 80 chuyến/ngày và trung bình phục vụ khoảng 1.000 lượt khách/ngày.

Bà Ngô Ngọc Thùy Anh, phụ trách tuyến, chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương án để khi nhu cầu tăng cao sẽ lập tức đưa xe dự phòng vào hoạt động. Nếu cần, sẽ đăng ký tăng chuyến để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân”. Đối tượng chính của tuyến buýt số 1 là học sinh, sinh viên, công nhân và người dân đến các cơ sở y tế, trường học trong TP Biên Hòa. Chính vì vậy, việc bảo đảm tần suất và chất lượng dịch vụ không chỉ mang ý nghĩa phục vụ giao thông mà còn gắn với an sinh xã hội.

Theo Sở Xây dựng tỉnh, với quy mô diện tích và dân số lớn sau sáp nhập, Đồng Nai mới đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch các tuyến xe buýt. Trong đó, trọng tâm là thiết lập thêm các tuyến kết nối vùng sâu, vùng xa, các địa phương thuộc tỉnh cũ với trung tâm hành chính và đô thị mới. Đặc biệt, tỉnh đang thúc đẩy lộ trình chuyển đổi xanh trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện. Mục tiêu là hướng tới hệ thống xe buýt hiện đại, thân thiện môi trường, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Sở Xây dựng hiện đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển phương tiện và hạ tầng xe buýt điện, đồng thời phấn đấu đưa vào vận hành từ 1 đến 2 tuyến buýt điện đầu tiên trong thời gian gần. Một điểm nhấn đáng chú ý là việc tổ chức tuyến xe đưa đón cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Bình Phước cũ qua Đồng Nai làm việc. Theo phương án của Sở Xây dựng, sẽ có 32 xe khách chất lượng cao phục vụ khoảng 1.400 người, với cự ly tuyến đường 90km, thời gian chạy khoảng 120 phút.

Xe đón từ Bình Phước vào sáng thứ hai và quay về chiều thứ sáu, mỗi tuần hai chuyến. Tổng kinh phí thuê xe trong 6 tháng là khoảng 8,6 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đây được xem là giải pháp thiết thực giúp đội ngũ cán bộ, công chức ổn định công tác trong giai đoạn đầu chuyển tiếp.

Đức Trí
.
.