Dòng nhạc bình dân chiếm lĩnh thị trường trực tuyến

Chủ Nhật, 14/04/2019, 08:58
Sau khi ca sĩ Sơn Tùng - MTP nhận được nút vàng Youtube cho kênh cá nhân với hơn 3 triệu lượt theo dõi thì thị trường âm nhạc trên thế giới ảo cũng có những chuyển động bất ngờ.


Trong bối cảnh các tụ điểm ca nhạc ngày càng thu hẹp, nguồn thu nhập từ biểu diễn trực tiếp của ca sĩ cũng bị hạn chế dần. Những album nhạc hoặc những music video có đầu tư trăm hồng ngàn tía thì cũng không mang lại hiệu quả kinh tế, nếu vẫn tiếp tục kênh phát hành truyền thống. Tung sản phẩm lên mạng là một chọn lựa hợp lý và khôn ngoan, nhưng không phải ai cũng tìm ra lối đi ăn khách.

Những ca sĩ có thù lao biểu diễn cao ngất ngưởng như Đàm Vĩnh Hưng hoặc Hồ Ngọc Hà vẫn chưa đạt đến tầm ngôi sao trên những phương tiện giải trí trực tuyến. Ngay cả ca sĩ Mỹ Tâm, dù có đội ngũ chuyên gia giúp sức, vẫn chưa phải tên tuổi nóng nhất đối với công chúng âm nhạc trực tuyến. Sau ca sĩ Sơn Tùng - MTP, lần lượt các ca sĩ Hồ Quang Hiếu, Lâm Chấn Khang và Châu Khải Phong được nhận nút vàng của Youtube. Nhiều người ngạc nhiên vì sự đột phá này.

Ca sĩ Hồ Quang Hiếu vào nghề bằng những buổi đi hát ở hội chợ.

Nếu như ca sĩ Sơn Tùng - MTP có những ca khúc gây cảm hứng cho giới trẻ như "Em của ngày hôm qua" hoặc "Lạc trôi" thì dễ dàng thu hút đám đông, chứ những nam ca sĩ kia thì có gì hấp dẫn giới thưởng thức âm nhạc bằng điện thoại thông minh?

Cả ba ca sĩ Hồ Quang Hiếu, Lâm Chấn Khang và Châu Khải Phong đều trưởng thành từ những show ca nhạc hội chợ, vậy họ chinh phục công chúng bằng cái gì? Ca sĩ Hồ Quang Hiếu từng đột ngột nổi lên nhờ hát lại ca khúc "Con bướm xuân", và sau đó có thêm ca khúc "Không cảm xúc" sôi động, nhưng để có nút vàng Youbube thì sản phẩm quan trọng lại là ca khúc "Nơi ấy con tìm về" với 35 triệu lượt xem.

Ca sĩ Lâm Chấn Khang thì có các ca khúc triệu view như "Anh nợ em một hạnh phúc" hoặc "Giờ em chính thức là vợ anh". Ca sĩ Châu Khải Phong có những ca khúc như "Ngắm hoa lệ rơi" hoặc "Nếu ta ngược lối" đều nhận được hàng chục triệu lượt xem. 

Rõ ràng, dòng nhạc bình dân đang thống trị trên thị trường nhạc số. Dường như không mấy ai hào hứng với những tìm tòi hay sáng tạo, mà người xem chỉ thích những ca khúc dễ nghe, dễ thuộc, kèm theo chút bi lụy hoặc xót xa. Hơn nữa, những ca sĩ được nút vàng Youtube đều thực hiện sự tương tác thường xuyên và tích cực với công chúng.

Chính không gian rộng lớn của internet đã chia đều cơ hội tiếp cận khán giả cho tất cả mọi ca sĩ. Dù xét ở góc độ âm nhạc, ca sĩ Lâm Chấn Khang không mang lại chút thẩm mỹ nghệ thuật nào, nhưng sự chia sẻ của chàng ca sĩ thành danh ở độ tuổi 40 không phải không đáng trân trọng: "Tôi tự nhận mình là ca sĩ bình dân, phục vụ cho những người dân lao động bình thường nhất. Tôi cũng chưa bao giờ buồn với mác ca sĩ hát tỉnh vì bây giờ cũng có rất nhiều nghệ sĩ đang chuyển hướng sang hát hội chợ. Ngay cả người đứng đầu showbiz Việt là anh Hoài Linh, anh ấy vẫn đi diễn hội chợ với mức cát-sê rất cao. Các ca sĩ hoạt động ở TP Hồ Chí Minh có điều kiện hơn, họ muốn làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. Tôi là ca sĩ tỉnh thì phải cố gắng làm việc để không bị thua kém ai. Nói tóm lại tôi chọn miếng hơn là cần tiếng".

Còn ca sĩ Châu Khải Phong cũng có quan niệm tương đồng: "Tôi tự tin khẳng định dù là ca sĩ hát hội chợ hay sân khấu sang trọng, vẫn có thể đầu tư một sản phẩm tử tế. Đừng nghĩ rằng, nhạc sang chỉ dành cho những ca sĩ hát event, còn nhạc thị trường đóng đinh cho những giọng ca hát hội chợ. Để có được sản phẩm triệu view trên mạng, tôi đầu tư rất nhiều mặt".

Tuy không đạt được nút vàng như Sơn Tùng - MTP, Hồ Quang Hiếu, Châu Khải Phong và Lâm Chấn Khang, nhưng nhiều ca sĩ khác cũng xác định được sự quyến rũ của dòng nhạc bình dân trên mạng. Xuất thân từ cuộc thi "Giọng hát Việt" nhưng ca sĩ Phương Anh chọn cách thành danh bằng bolero trên Youtube.

So với nhiều bạn trẻ được phát hiện qua các sân chơi tương tác trên truyền hình thì hiện nay ca sĩ Phương Anh có được một lượng fan hùng hậu nhất. Tương tự, ca sĩ Quang Lập chỉ với bài "Đắp mộ cuộc tình" (vốn đã được ca sĩ hải ngoại Đan Nguyên biểu diễn trước đó) cũng đạt được 150 triệu lượt người thưởng thức qua các diễn đàn trực tuyến.

Tuy nhiên, hot nhất trong dòng nhạc bình dân trên mạng vẫn là trào lưu pha trộn bolero với nhạc nhảy điện tử EDM. Sử dụng hình ảnh minh họa là những màn uốn éo của nam thanh, nữ tú ở hồ bơi, loạt chương trình của POPS Music - được phát hành trên kênh Youtube đã gây ra cơn sốt trong giới trẻ, khen cũng nhiều mà chê cũng lắm. Tiêu biểu phải nhắc đến chương trình "Bolero Mix - Quách Tuấn Du Pool Party".

Chỉ riêng MV "Mr Bolero Dance - Quách Tuấn Du" đã đạt xấp xỉ 100 triệu lượt xem sau 1 năm tung lên Youtube. Sau trường hợp ca sĩ Quách Tuấn Du, hai gương mặt khác cũng ăn theo khuynh hướng này là ca sĩ Lưu Chí Vỹ và ca sĩ Châu Ngọc Tiên cũng lần lượt ra mắt. Thực chất, bolero hát kiểu nhạc điện tử có giá trị thẩm mỹ gì không?

Tất nhiên, nó nhằm đáp ứng nhu cầu một bộ phận công chúng thích cái mới và chuộng cái lạ. Từ bệ phóng bất ngờ đó, ca sĩ Quách Tuấn Du giải thích: "Đã có quá nhiều giọng ca thành công khi hát bolero theo lối cũ. Vì thế, Bolero Mix sẽ là hướng đi mà tôi chọn lựa. Số lượng fan trên Youtube đã chứng minh rằng, cách chinh phục thị trường nhạc số của tôi cũng không phải vô vọng!".

Ca sĩ Lâm Chấn Khang nhận nút vàng Youtube với niềm tự hào thuộc về giới bình dân!

Nhạc bình dân chiếm lĩnh không gian mạng có lẽ là một lời cảnh tỉnh cho những ngôi sao ca nhạc chưa ý thức được sức mạnh công nghệ số. Những ca sĩ giàu có như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng hoặc Hồ Ngọc Hà dường như vẫn chưa có lộ trình tiếp cận hữu hiệu giới hâm mộ trên mạng xã hội. Ngược lại, Youtube được xem là con đường ngắn nhất để những ca sĩ trẻ vươn lên.

Ca sĩ Hồ Quang Hiếu tâm sự khi nhận được nút vàng Youtube: "Lúc tôi đi hát lót cũng cay đắng không kém. Tôi có những ngày rong đuổi theo xe đoàn đi hàng trăm cây số để đi diễn tỉnh. Ca sĩ chính đến muộn, mình phải hát trước để câu giờ. Khán giả bỏ tiền mua vé chỉ để nghe ca sĩ họ yêu thích, vì vậy, người ta la hét, tức giận khi tôi cứ đứng lì trên sân khấu. Họ ném đồ vào mặt tôi, chửi tôi là "thằng mặt dày", "ca sĩ tên gì không ai biết"... Lúc đó, mình chua chát lắm, muốn bỏ nghề ngay lập tức. Tôi thấy cát-xê một, hai trăm nghìn đồng không đáng để mình chịu sự khinh rẻ này. Nhưng rồi sau bao nỗ lực, tôi được bù đắp lại tất cả".

Trước sự thắng lợi của dòng nhạc bình dân trên mạng, các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng, đa số giới trẻ hiện nay không nghe âm nhạc theo xu hướng nghệ thuật mà lựa chọn theo trào lưu. Khi quá nhiều người cùng nghe sản phẩm âm nhạc đó thì nhiều yếu tố khác được đẩy lên mà không còn riêng yếu tố nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ: "Thời đại của tính đa dạng càng cần hơn bao giờ hết những người quản lý có khả năng bao quát, cập nhật, theo sát, liên kết, phối hợp, điều chỉnh sao cho đời sống văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, được hài hòa.

Thời đại của tính đa dạng không thể áp đặt quan niệm của thế hệ này cho thế hệ khác, không thể lấy thước đo loại nhạc này để đánh giá loại nhạc khác, mà cần phải biết chấp nhận sự khác biệt: chấp nhận những khác biệt trong sáng tạo, trong diễn tấu cũng như trong cảm thụ âm nhạc; chấp nhận những khác biệt về tuổi tác và nghề nghiệp, sở thích và thị hiếu, hoàn cảnh và môi trường sống, nhân sinh quan và trình độ thẩm mỹ…

Chẳng lẽ chúng ta lại sợ sự khác biệt? Chẳng lẽ chúng ta e ngại tính đa dạng? Chẳng lẽ chúng ta muốn tự nhốt mình trong sự đơn điệu nghèo nàn trước thế giới văn hóa đa sắc của thời đại toàn cầu hóa? Tất nhiên là không đời nào! Vậy thì hãy để âm nhạc được muôn màu muôn vẻ, và ở màu nào vẻ nào cũng cố đạt tới mức hay nhất có thể!".

Tuy Hòa
.
.