Thị trường ca nhạc: Bao giờ có đột biến?

Thứ Sáu, 23/02/2007, 08:00

Sự cởi mở về kinh tế của WTO ắt hẳn thị trường âm nhạc sẽ có những vận động thông thoáng hơn trong giao lưu quốc tế. Và, sự giao lưu này sẽ kích cho nhạc trẻ Việt Nam đổi mới, rất có thể sẽ xuất hiện những mầm trội trong thị trường âm nhạc giải trí.

Sự xáo trộn của thị trường âm nhạc trong năm qua vẽ lên một hình ảnh tưởng như sôi động nhưng lại thật bối rối. Sau những cơn “mưa báo” tấn công vào các chủ đề quyền tác giả, chuyện các ca sĩ bị “ăn đòn” tại sàn diễn Thái Nguyên và sự nhàm chán của các chương trình ca nhạc lớn, cũng như chất lượng yếu ớt của những ca khúc gọi là “trẻ” thì mọi hoạt động ca nhạc trở nên “rụt rè” hơn và trở lại sự nghèo nàn vốn có của nó.

Có một thực tế, năm 2006 là năm có số lượng CD của các ca sĩ phát hành cao nhất từ trước tới nay. Gần như tất cả các giọng hát đã định hình, ca sĩ đã có tên, hoặc mới chân ướt, chân ráo bước vào làng ca nhạc đều phát hành CD. Người nghe bị ngập đầu, ngập cổ trong đống CD vô thiên lủng.

Số lượng tuy nhiều nhưng chỉ có thể kể ra những album đáng chú ý và có chất lượng cao về kỹ thuật âm thanh và xử lý tác phẩm như: “Để tình yêu hát” (Mỹ Linh), “Yêu trong ánh sáng” (Đức Tuấn), “Mộc” (Hiền Thục), “Như cánh vạc bay” (Hồng Nhung), “Đối thoại 06” (Hà Trần), “Thiên đàng” (Thu Minh), “Thanh Lam - Trọng Tấn…”… Số còn lại thì cũng thường thường bậc trung của các ca sĩ “ngôi sao” Quang Dũng, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, Kasim Hoàng Vũ, Mỹ Tâm… hoặc nhóm ca sĩ trẻ mới nổi như Phương Anh, Hoàng Hải, Hồ Quỳnh Hương, Đoan Trang, Mai Khôi, Thủy Tiên, Nguyên Thảo…

Lẽ dĩ nhiên, những thành phẩm âm nhạc “đóng hộp” này vẫn chưa thỏa mãn người yêu âm nhạc, bởi hiếm có một thương phẩm “nhạc sạch” nào tạo được một tiếng vang đáng kể trong đời sống âm nhạc đang ngổn ngang hiện nay. Có những CD gây được ấn tượng như đã nhắc tới ở trên song để xốc lên một hiện tượng hoặc để dựng lên một mốc son của năm thì chưa thể…

Ca sĩ Đoan Trang trong một đêm lưu diễn.

Nhìn về phía trước, đoán định về thị trường âm nhạc 2007 có thể nói rằng, khó có những tín hiệu bứt phá về chuyên môn. Tuy nhiên, chính sự cởi mở về kinh tế của WTO ắt hẳn thị trường âm nhạc sẽ có những vận động thông thoáng hơn trong giao lưu quốc tế. Và, sự giao lưu này sẽ kích cho nhạc trẻ Việt Nam đổi mới, rất có thể sẽ xuất hiện những mầm trội trong thị trường âm nhạc giải trí.

Manh nha của sự cởi mở này đã bắt đầu khi các nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam (cuối năm 2006), khi hay tin Việt Nam gia nhập WTO. Ngay lập tức các video clip ca nhạc của Lam Trường, Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh… đã được người Hàn Quốc nâng cấp và đánh bóng làm khuấy động thị trường nhạc pop Việt Nam. Và cũng chỉ sau một thời gian ngắn, cú bắt tay bất ngờ của Mỹ Tâm với Hãng Nurimaru đã cho ra lò album “Vút bay”, một sản phẩm công nghệ giải trí. Điều hiển nhiên Mỹ Tâm phải hát lượng bài tiếng Hàn không ít để phục vụ lợi ích cả hai bên.

Có lẽ mở đầu cho năm 2007, Đan Trường cũng hoạt động theo hướng... hướng ngoại với các dự án hát tiếng Hoa trong album bán tại Đài Loan. Cùng với anh còn có ca sĩ Lam Trường và Kasim Hoàng Vũ đang chờ suất đi Thái Lan để giới thiệu ca khúc và video clip của mình. Khát vọng vươn ra ngoài biên giới làm nung nấu thêm ở Hồ Ngọc Hà bởi sắp tới cô sẽ xuất hiện tại thị trường Nhật Bản. Kể cả Mỹ Linh nữa, cô đã bắt đầu được ghi nhận và có lời mời chào sau  chuyến sang Nhật biểu diễn cho chương trình Friends of love tại Nagoya năm 2006 và được đánh giá cao.

Bên cạnh việc có “đi” như trên đã đề cập thì việc có “lại”, tức là sự xâm nhập của nhạc trẻ quốc tế cũng đã bắt đầu xuất hiện với các chương trình của nhóm nhạc V4Men hồi tháng 11/2006 tại TP HCM trước ngày Việt Nam gia nhập WTO. Sự đón đầu này đồng nghĩa với hiện tượng trong thời gian không bao xa các nhóm nhạc quốc tế có thể tràn vào thị trường Việt Nam, vô tình tạo nên một sức ép gây sự đột biến cho các nhạc sĩ và ca sĩ trong nước. Hy vọng từ đây sẽ có một thị trường âm nhạc giải trí với công nghệ cao và kèm theo sự ganh đua phát triển mạnh.

Vậy đó, hình ảnh của thị trường âm nhạc giải trí sẽ trở thành một hiện thực bất khả kháng trong nay mai. Nghe nói thì có vẻ dễ dàng và tự nhiên, và đúng với quy luật phát triển, nhưng ta hãy dè chừng, bởi mọi việc đều có thể xảy ra. Cũng như rất nhiều dự án bị treo trong hoạt động kinh tế và xây dựng ở ta, âm nhạc thời WTO cũng vậy.

Chỉ có điều, dẫu là tất yếu thì ta cũng đừng quá kỳ vọng vào “phép màu” này, bởi nói cho cùng thì đó cũng chỉ dừng lại ở một thứ âm nhạc loại 2 và dễ làm cho các nhạc sĩ, ca sĩ ta vấp phải những thủ đoạn của các nhà đầu tư làm biến chất những “nền nếp gia phong” bấy lâu nay đã định hình trong văn hóa ứng xử...

Cảnh Linh
.
.