Liveshow ca nhạc thời công nghệ số

Thứ Sáu, 21/06/2019, 08:18
"Music home live with Anh Em" do Truyền hình FPT sản xuất (phát trực tiếp vào lúc 20h30, thứ sáu cuối cùng của tháng) đang nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Nhiều khán giả yêu âm nhạc cho rằng, làm liveshow online là giải pháp thông minh, an toàn với ca sĩ và nhà tổ chức trong thời kỳ thị trường âm nhạc đang có dấu hiệu bão hòa hiện nay.


Xu hướng của tương lai?

"Music home live with Anh Em" là chương trình âm nhạc dài hơi, được khởi động từ cuối năm 2018. Đến nay, chương trình đã giới thiệu đến công chúng 7 ca sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao về khả năng live, giọng hát giàu nội lực như Nguyên Thảo, Uyên Linh, Soobin Hoàng Sơn, Trọng Hiếu, Phan Mạnh Quỳnh, Bùi Lan Hương và gần đây nhất là Bùi Anh Tuấn.

Nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc của chương trình cho biết: "Music home live with Anh Em" được xây dựng theo định dạng một chương trình âm nhạc có chất lượng nghệ thuật, tiêu chuẩn âm thanh như ở nhà hát, những gương mặt nghệ sĩ được lựa chọn là những cá tính âm nhạc, có khả năng hát live nổi trội, sự kết hợp cùng ban nhạc Anh Em kỳ cựu, được đầu tư chỉn chu bởi êkip sản xuất chuyên nghiệp. 

Thực tế cho thấy, sau mỗi số lên sóng, "Music home live with Anh Em" nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả yêu âm nhạc. Những ca khúc làm nên tên tuổi khách mời đã được các nhà sản xuất âm nhạc tên tuổi như Anh Quân, Huy Tuấn, Tuấn Nam, Hồng Kiên phối khí lại hoàn toàn mới, ban nhạc Anh Em đảm nhiệm phần đệm cho ca sĩ đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc mới.

Ca sĩ Bùi Anh Tuấn trình diễn trong "Music home live with Anh Em" số tháng 5-2019.

Theo thống kê, thông qua các công nghệ tương tác như Facebook, Youtube và box Truyền hình FPT, mỗi số của chương trình đạt tới con số 2,5 triệu lượt view. Đây là con số "khủng" mà các chương trình liveshow theo kiểu truyền thống không bao giờ có được. Điều này khẳng định, "nhà hát internet" mới là nơi có lượng khán giả tiềm năng đông đảo nhất.

"Khó có khán phòng nào đông bằng internet, bằng khán giả truyền hình Internet. Chúng tôi, các nghệ sĩ ở đây vẫn rất chỉnh tề để trình diễn trước khán giả nhưng khán giả không cần phải ăn mặc chỉnh tề, chỉ cần thoải mái ngồi trước truyền hình hay các thiết bị di động và xem chương trình của chúng tôi với chất lượng chuẩn nhà hát", "Giáo sư Cù Trọng Xoay" - MC Đinh Tiến Dũng, người dẫn dắt chương trình "Music home live with Anh Em" chia sẻ.

Trước "Music home live with Anh Em", một vài ca sĩ cũng đã triển khai những dự án âm nhạc online. Gần đây, A2 Lam Trường đã khởi động trở lại dự án "Lam Trường 9pm live" mùa 2, sau thành công "ngoài mong đợi" của mùa 1 năm 2018. Tương tự như mùa 1, Lam Trường sẽ làm mới lại những ca khúc từng gắn với tên tuổi của anh, được nhiều bạn trẻ thế hệ 7X, 8X thuộc lòng, phát sóng trên Youtube vào 21 giờ tối thứ 6 hàng tuần.

Nếu như trong mùa 1, các ca khúc chủ yếu được thực hiện trong phòng thu thì trong mùa 2, bối cảnh sẽ được quay ngoài trời, tại nhiều danh lam thắng cảnh đẹp trên khắp mọi miền tổ quốc. Ca khúc đầu tiên trong dự án "Lam Trường 9pm live" mùa 2 là "Nụ hồng hững hờ" đã lên sóng hôm 31/5 vừa qua, nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả.

Nhân kỷ niệm 10 năm ca hát, Hà Anh Tuấn trình làng dự án âm nhạc online "See. Sing. Share" được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong dự án này, Hà Anh Tuấn trình bày lại những ca khúc hit của nhiều nghệ sỹ tên tuổi trong showbiz Việt nhưng theo "phong cách âm nhạc Hà Anh Tuấn". Những ca khúc được nhiều người biết đến như "Người tình mùa đông", "Chân tình", "Tình thôi xót xa", "Tiếng gió xôn xao", "Nơi ấy bình yên", "Chỉ còn những mùa nhớ", "Nuối tiếc"… được phối lại mang màu sắc acostic mộc mạc, giản dị và giàu cảm xúc.

Điều khác biệt giữa "Music home live with Anh Em" với các dự án âm nhạc của Hà Anh Tuấn, Lam Trường là ở chỗ, "Music home live with Anh Em" được xây dựng dưới dạng liveshow trực tiếp, phát trên nên tảng truyền hình tương tác. Trong khi đó, dự án âm nhạc online của các nghệ sĩ khác được xây dựng dưới dạng các MV. Các ca sĩ thường livestream để chia sẻ, tương tác với khán giả trước hoặc sau khi MV phát sóng chứ không phải hát live trực tiếp.

Khó mang lại cảm xúc chân thực như liveshow thực

Trong thời kỳ hiện nay, không nhiều nghệ sĩ mạo hiểm làm liveshow hoành tráng vì thị trường bão hòa. Bên cạnh đó, thị trường liveshow ca nhạc chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, nhiều nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Những khán giả yêu âm nhạc ở các vùng sâu, vùng xa thường không có cơ hội để xem các nghệ si mà mình yêu thích biểu diễn trực tiếp. Ngay cả với một số người dân sống ở thành phố lớn cũng có tâm lý e ngại bỏ tiền xem show ca nhạc, một phần vì lý do giá vé không hề rẻ, một phần vì không muốn đến những nơi tập trung quá đông người. 

MC Đinh Tiến Dũng chia sẻ một thực tế rằng, "bất cứ liveshow nào hiện nay cũng phải đối mặt với mối nguy lớn nhất là thiếu vắng khán giả. Không ca sĩ nào dám khẳng định sẽ có bao nhiêu khán giả đến với liveshow của họ thực tế, không có phương tiện chuẩn nào để đo lượng khán giả thực tâm yêu mến ca sĩ đến mức sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem chương trình.

Ca sĩ Lam Trường (giữa) cùng các đồng nghiệp trong buổi họp báo giới thiệu dự án âm nhạc online "Lam Trường 9pm live" mùa 2 hôm 23/5 vừa qua.

Không ít khán giả dễ dàng nhấn like với những lời khen có cánh cho ca sĩ nhưng họ có mua vé để đến với sân khấu hay không lại là vấn đề khác. Điều đó khiến ca sĩ, đặc biệt là những người chưa đủ khả năng về tài chính e dè về một liveshow trong mơ của họ".

Rõ ràng, liveshow online đã giải quyết được nhiều bài toán đang đặt ra với thị trường âm nhạc, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mọi đối tượng. Với hình thức livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng truyền hình tương tác, khán giả có thể dễ dàng xem chương trình, đưa ra những nhận xét, đánh giá, bình luận ngay khi người nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu. Với độ phủ sóng lớn, nhiều ca sĩ và những nhà tổ chức biểu diễn cho rằng, liveshow online là cách để lôi kéo khán giả yêu âm nhạc trở lại sân khấu. Đồng thời, liveshow online cũng có thể là thước để đo sức hút của nghệ sĩ với khán giả.

Làm liveshow online có thể là xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc trong thời đại công nghệ số. Không thể phủ nhận những yếu tố tích cực mà công nghệ mang đến, hỗ trợ sự phát triển của âm nhạc. Tuy nhiên, để có được những chương trình âm nhạc chuẩn, đảm bảo chất lượng cần đến nền tảng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, các liveshow âm nhạc online hiện mới chú trọng nhiều đến "phần nghe" mà đôi khi, khán giả lại muốn được nhìn sự tỏa sáng của của nghệ sĩ, công nghệ hỗ trợ, vũ đoàn trên sân khấu.

Nói gì thì nói, dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì liveshow online cũng không thể mang lại cảm xúc chân thực cho người xem như liveshow thật. Với nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, cảm xúc là điều vô cùng quan trọng. Với fan "ruột" của các nghệ sĩ, họ vẫn muốn được tận mắt nhìn, hò reo, gọi tên thần tượng của mình.

Và tôi tin chắc rằng, với các nghệ sĩ, sự hào hứng, phấn khích của khán giả sẽ giúp họ tỏa sáng trên sân khấu. Chắc chắn, điều này không thể có được khi sân khấu chỉ có ca sĩ và ban nhạc. Những nhận xét, đánh giá, tương tác của khán giả trên mạng xã hội không đủ làm nóng sân khấu và giúp nghệ sĩ thăng hoa cùng nghệ thuật.

Ca sĩ Lam Trường cũng chia sẻ rằng, sau một vài mùa triển khai dự án "Lam Trường 9pm live", anh sẽ làm liveshow trên sân khấu thực. Sau sự thành công của "See. Sing. Share", Hà Anh Tuấn quyết định làm liveshow mang tên "Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái" vào tháng 4/2018.

Sự thành công của liveshow này có hiệu ứng không nhỏ từ dự án âm nhạc online "See. Sing. Share". Có thể thấy rằng, song song với các dự án âm nhạc online, các nghệ sĩ vẫn khao khát được hát, được "cháy hết mình" với khán giả trên sân khấu thực.

Phạm Thiên Giang
.
.