Điện ảnh mang gương mặt phụ nữ

Thứ Ba, 21/01/2020, 08:33
Chưa bao giờ những bộ phim lấy nhân vật nữ làm trung tâm xuất hiện ồ ạt trên màn bạc như thời điểm này. Ngoài hình ảnh người phụ nữ đương đại đầy mạnh mẽ, quyết đoán, các nhà làm phim còn ngược về quá khứ để khắc họa vẻ đẹp, khí phách của phận nhi nữ dưới vòng kiềm tỏa "tam tòng, tứ đức".


Không ngoa khi nhận định rằng, dấu ấn nữ quyền đang ngày càng đậm nét trong nghệ thuật thứ bảy. Nếu trước đó, chúng ta có "Cô Ba Sài Gòn", "Taxi, em tên gì", "Hương Ga", "Bạn gái tôi là sếp", "Em chưa 18"… thì về sau các bộ phim nữ quyền xuất hiện dày đặc và ấn tượng hơn. Có thể kể đến "Chàng vợ của em", "Cua lại vợ bầu", "Hai Phượng", "Chị trợ lý của anh"...

Riêng "Gái già lắm chiêu" đã bước vào phần 3 và đang lên kế hoạch cho phần 4. Đáng chú ý nhất trong năm 2019 là "quả bom" phòng vé "Hai Phượng". Lần đầu tiên, hình tượng anh hùng trên màn bạc xứ Việt lại mang hình hài phái đẹp. Với Hollywood, các nữ anh hùng đương đại là điều không xa lạ, nhưng với xã hội Việt Nam thì đây là sự bứt phá quá mới mẻ.

Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc và Trấn Thành trong phim "Cua lại vợ bầu".

Từ thành công của "Hai Phượng", Ngô Thanh Vân tiếp tục thực hiện bộ phim "Thanh Sói". Thanh Sói là nhân vật từng xuất hiện trong phim "Hai Phượng". Đây là chị đại giang hồ giỏi võ, quỷ quyệt và độc ác. Bộ phim "Thanh Sói" xoáy sâu vào cuộc đời của chị đại giang hồ này, từ khi là một cô gái quê ngây thơ đến bà trùm máu lạnh giới xã hội đen.

Thông qua điện ảnh, phái đẹp trong xã hội đương đại hiện nay hiện lên đầy quyến rũ, tự tin, thông minh, quyết đoán và độc lập. Họ có những phút yếu lòng nhưng luôn tự chủ được cuộc sống, tự quyết định cuộc đời và công việc, tình yêu của mình chứ không phụ thuộc vào nam giới.

Đã xưa rồi hình ảnh người phụ nữ nhẫn nhục, cam chịu vì người khác mà không dám cất lên tiếng nói riêng. Dù rằng họ vẫn mang trong mình sự yếu đuối, thiên tính nữ muôn đời như tình mẫu tử, sự hy sinh vô bờ bến cho con. Song hình tượng  phụ nữ đã tích cực, chủ động hơn chứ không nhuốm màu sắc bi lụy, yếm thế, thụ động. Họ đa dạng mọi thành phần, đa dạng tính cách, nghề nghiệp và khẳng định giá trị riêng của bản thân. Họ đảm nhận các vị trí quan trọng trong xã hội mà xưa nay người ta vẫn mặc định vị trí đó thường dành cho nam (như nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, tài xế...). Họ tài giỏi không kém cạnh đấng mày râu, thậm chí là vượt trội, góp phần quan trọng trong việc tạo lập giá trị xã hội.

Không dừng lại ở đề tài đương đại, nhiều nhà sản xuất tìm về thời xa xưa. Phim "Mẹ chồng" khai thác số phận người phụ nữ trong những năm tháng thực dân Pháp đô hộ. Đó là tiếng nói phản kháng của người phụ nữ dưới ách kiềm tỏa Nho giáo, phục tòng nhà chồng.

"Vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh kể về cuộc đời của cô dâu 13 tuổi bước chân về nhà địa chủ làm vợ ba với trọng trách phải sinh được quý tử nối dõi tông đường. Thước phim đẹp đầy nữ tính, duy mỹ nhưng cũng ngột ngạt, dữ dội bởi nỗi đau, gánh nặng mà người phụ nữ thời phong kiến phải chịu đựng. Dẫu  phụ nữ xưa chịu nhiều thiệt thòi, số phận long đong nhưng các bộ phim vẫn khắc họa rõ năng lực và khí chất của họ. Từ đó nêu cao tinh thần giải phóng nữ quyền, trân trọng người phụ nữ.

Sắp tới đây, nhà sản xuất Mai Thu Huyền sẽ đưa nàng Kiều lên màn ảnh rộng. Dự án phim "Kiều" đang trong quá trình tuyển lựa diễn viên nhưng đã khiến dư luận phát sốt vì đây là lần đầu tiên nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được đưa lên phim.

Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết việc tuyển chọn diễn viên vào vai Kiều phải cực kỳ cẩn trọng. Khác với sân khấu giàu tính ước lệ, điện ảnh ưu ái độ chân thực và biểu cảm nên ai ai cũng tò mò gương mặt sẽ đảm nhận vai Thúy Kiều. Không chỉ có nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành" mà nữ diễn viên hóa thân nàng Kiều phải biết "cầm, kỳ, thi, họa" và lột tả được khí chất, trí thông minh và nỗi truân chuyên của Kiều.

Cũng hướng về người xưa, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh khởi động dự án "Trưng Vương" mà chị ấp ủ ba năm qua. Phim kể về cuộc đời hai vị nữ tướng lừng danh Trưng Trắc và Trưng Nhị. Đầu tư kinh phí "khủng" và kỹ thuật, kỹ xảo hiện đại, đây là tâm huyết của ekip Trương Ngọc Ánh nhằm mang đến một bộ phim đầy tinh thần tự hào dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp của hai Bà Trưng huyền thoại.

Vẻ đẹp của  các nữ danh tướng mà ít người biết tới cũng được khắc họa đầy khí phách trong "Trưng Vương" như Bát Nàn, Ả Chạ, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt và Thánh Thiên. Tác phẩm có sự cố vấn của nhiều nhà sử học, giáo sư để đảm bảo tính lịch sử, bản sắc từ trang phục đến kiến trúc, đền đài, bối cảnh...

Riêng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì chuẩn bị bấm máy phim "Phượng Khấu" khai thác về cuộc đời thăng trầm và đầy quyền uy của thái hậu Từ Dụ. Chốn hậu cung triều Nguyễn với bao thân phận bà hoàng, công chúa, cung nữ... sẽ được phơi bày trong góc nhìn đa chiều của hậu thế.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định, người phụ nữ có vai trò quan trọng trong lịch sử. Họ là một trong hai đường ray để con tàu lịch sử lăn bánh. Thậm chí có những bà hoàng, công chúa làm thay đổi cả một chế độ chính trị, đứng lên trị vì đất nước. Thế nhưng cuộc đời họ lại bị ghi chép rất mờ nhạt trong chính sử. Như Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là gì không rõ, số phận của công chúa Huyền Trân hay An Tư không biết ra sao, sống chết thế nào sau khi tiến cống.

Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh (giữa) trong buổi ra mắt dự án điện ảnh "Trưng Vương".

Hay vị nữ vương duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam là Lý Chiêu Hoàng cũng được nhắc đến khá nhạt nhòa. "Phim ảnh dần chú trọng khai thác nhân vật phụ nữ thời xưa, nhất là dưới các triều đại phong kiến là điều rất đáng khuyến khích. Qua đó, thế hệ hôm nay mới hiểu hơn vai trò của họ trong tiến trình lịch sử nước nhà" - Giáo sư Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Không chỉ thước phim đầy nữ tính xuất hiện ngày càng nhiều mà ngay cả đội ngũ sản xuất là gương mặt nữ cũng dần đông đảo. Ngoài Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền, đội ngũ nhà sản xuất, đạo diễn nữ khá hùng hậu, bao gồm những cái tên như: đạo diễn Luk Vân, Đặng Thái Huyền, Cao Thúy Nhi, Nguyễn Phương Anh, đạo diễn - nhà sản xuất - diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp... Họ là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy xu hướng phim nữ quyền ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Với cái nhìn thời đại, họ thổi vào nghệ thuật thứ bảy sự nữ tính, bứt phá, đa dạng sắc thái về hình ảnh người phụ nữ. Những thước phim ấy gửi gắm tuyên ngôn nữ quyền, khát vọng của phái đẹp hôm nay.

Theo đạo diễn, nhà sản xuất kiêm diễn viên Hồng Ánh, sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp điện ảnh đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia và dần khẳng định vai trò ở các vị trí chủ chốt quan trọng. "Dù là nam hay nữ thì miễn người đó có đam mê, bản lĩnh, có đủ sức khỏe và thời gian thì cánh cửa của điện ảnh luôn rộng mở.

Theo thời gian, tôi tin nguồn nhân lực nữ trong điện ảnh sẽ còn tăng lên. Sự tham gia của họ góp phần giúp bức tranh điện ảnh nước nhà thêm đa sắc, đa thanh. Mỗi người phụ nữ sẽ chọn cho mình một phong cách nữ quyền.

Có người bạo dạn, quyết liệt nhưng cũng có người dịu dàng, đằm thắm. Có người nổi loạn, ương bướng nhưng cũng có người tự tin, độc lập. Tựu chung lại, tác phẩm của họ đều hướng đến thông điệp yêu thương, trân trọng giá trị của người phụ nữ" - nhà sản xuất Hồng Ánh đánh giá.

Tuy nhiên, nhà phê bình Châu Quang Phước cho rằng hiện nay, các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam vẫn chỉ có hơi hướng hoặc mẫu nhân vật nữ quyền chứ chưa hoàn toàn là dòng phim nữ quyền đúng nghĩa. Họ có thể trở thành siêu anh hùng giữa đời thường như Hai Phượng, có thể chủ động "cưa đổ" trai trẻ như Ms Q trong "Gái già lắm chiêu"... nhưng cuối cùng, họ hay chính xã hội xung quanh họ vẫn bị chi phối bởi rào cản văn hóa bao đời dành cho phái nữ. Những giá trị của họ vẫn bị nhìn nhận theo cách nhìn áp đặt của nam giới.

Theo ông, nếu đúng dòng phim nữ quyền, hiện tại chỉ mới có "Vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh hay "Hạt mưa rơi bao lâu" của đạo diễn Đoàn Minh Phượng. Sự nữ tính toát ra từ chính cốt truyện, khung hình, cách thể hiện. Dòng phim này là tiếng nói riêng biệt của phái nữ, nêu lên những vấn đề mà người nữ đang đối mặt hàng ngày, cách suy nghĩ độc lập của họ và kiến tạo những giá trị mà chính bản thân họ mong muốn.

Mai Quỳnh Nga
.
.