Những nhà sản xuất nhạy bén làm thay đổi thị trường điện ảnh

Chủ Nhật, 12/01/2020, 08:32
Với hệ thống rạp chiếu hiện đại phần lớn được gắn kết tiện ích các trung tâm thương mại sầm uất, thị trường điện ảnh hứa hẹn càng ngày càng mở rộng biên độ chinh phục công chúng. Hiện tại, mỗi năm số lượng phim nội ra mắt khán giả chỉ bằng 1/10 số lượng phim ngoại, nhưng phim Việt vẫn tạo được chỗ đứng riêng nhờ sự nhạy bén của những nhà sản xuất.


Trong tiến trình phát triển nhân lực điện ảnh, vai trò của nhà sản xuất rất quan trọng. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách đầu tư của Nhà nước, thì cả đạo diễn và diễn viên đều đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Chính những nhà sản xuất mới có thể tạo ra sự chuyển động tích cực cho đời sống điện ảnh. Khi khái niệm xã hội hóa điện ảnh vừa manh nha, thì có ngay những nhà sản xuất tiên phong như Lý Huỳnh, Hai Nhất, Đào Thu, Thái Hòa…

Bây giờ, thế hệ nhà sản xuất ấy đã nhường chỗ cho những gương mặt trẻ hơn và năng động hơn với khát vọng đưa phim Việt ra thế giới. Làm phim để cất vào kho lưu trữ là điều không ai mong muốn. Và dĩ nhiên không có nhà sản xuất nào lại nảy sinh ý định làm phim như một cách tiêu tiền.

Nghe có vẻ "lý tài" nhưng nhà sản xuất không có khả năng lôi kéo công chúng đến rạp thì tất yếu bị đào thải nhanh chóng. Làm phim để bán vé là một mệnh lệnh của nền điện ảnh non trẻ, và cũng là sứ mạng của những nhà sản xuất. Chỉ trong vòng một thập niên vừa qua, doanh thu của phim Việt đã tăng gấp 10 lần.

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh.

Nếu như năm 2009 có bộ phim "Giải cứu thần chết" lập kỷ lục với doanh thu 20 tỷ đồng, thì đến năm 2019 đã có bộ phim "Hai Phượng" lập kỷ lục với doanh thu 200 tỷ đồng. Đó là những con số biết nói, để chứng minh các nhà sản xuất đã biết cựa quậy, biết cạnh tranh để vươn lên trong thị trường nghệ thuật khắc nghiệt!

Nếu nhìn vào thực tế làm phim, thì dường như mỗi năm điện ảnh Việt lại góp mặt thêm một nhà sản xuất. Trước đây, những người yêu điện ảnh Việt cứ phập phồng hy vọng sẽ có đại gia vàng kho, bạc đống cảm thấy xót thương cho phim Việt mà bỏ tiền cho giới nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Tuy nhiên, sau những thành công và thất bại của Phước Sang, thì chính các nghệ sĩ lại tự tin đảm đương luôn vai trò nhà sản xuất. Hiện tại, chỉ có một người không liên quan đến nghệ thuật dự phần làm phim là nhà sản xuất Dung Bình Dương. Từng thành công ở lĩnh vực kinh doanh hạt điều và nhà hàng, bà Dung Bình Dương đã đứng tên nhà sản xuất các bộ phim "Tik Tak anh yêu em", "Chú ơi đừng lấy mẹ con", "Ngốc ơi tuổi 17"…

Còn lại, không gian nhộn nhịp của điện ảnh Việt nằm trong tay những nhà sản xuất vốn là đạo diễn hoặc diễn viên. Công việc của nhà sản xuất không hề giống chuyên môn của đạo diễn hoặc diễn viên. Liệu việc trở thành nhà sản xuất có phải một cuộc phiêu lưu hơi mạo hiểm đối với những nghệ sĩ mơ mộng gió trăng không?

Diễn viên Thanh Thúy đã đứng ra đảm đương vị trí nhà sản xuất cho những bộ phim do chồng mình - Đức Thịnh làm đạo diễn như "Ma dai", "Trạng Quỳnh" hoặc "Siêu sao siêu ngố" chia sẻ: "Giai đoạn mới bước chân vào lĩnh vực này, không có mặt trên phim trường không yên tâm, bởi nhà sản xuất luôn là người giải quyết từng sự cố nhỏ nhất. Bản thân mình thấy làm được gì sẽ làm và luôn suy nghĩ một điều duy nhất là làm thế nào để công việc trôi chảy!".

Còn đạo diễn Nhất Trung đã làm nhà sản xuất những bộ phim "49 ngày", "Bệnh viện ma", "Nắng", "Vú em tập sự" thì thổ lộ: "Mỗi năm xuất hiện một nhà sản xuất mới, chứng tỏ thị trường phim Việt đang phát triển và nhiều người muốn nhảy vào lĩnh vực này. Đó là một tín hiệu tốt. Tôi tin một nhà sản xuất khi có phim ra rạp luôn có sự chuẩn bị nhất định, mặc dù để tạo đột phá, am hiểu thị trường cần thời gian và những vấp váp.

Nếu có một bộ phim chất lượng, việc chọn nhà phát hành không hề khó. Tuy nhiên là nhà sản xuất giỏi phải biết kết hợp với nhà phát hành để có chiến dịch quảng bá tốt cho bộ phim. Điều đó đòi hỏi cả hai bên phải ngồi xuống bàn bạc kỹ lưỡng: chiếu phim cho ai, khán giả quan tâm điều gì và làm gì để khán giả quan tâm đến phim của mình. Nhà sản xuất luôn phải là người đánh giá được đối thủ, biết phân tích thị trường và đặc biệt phải hiểu bộ phim của mình".

Nghệ sĩ dang tay làm nhà sản xuất là một sự lấn sân thú vị. Bởi lẽ, nghệ sĩ muốn làm nhà sản xuất, thì sự lãng mạn, sự bốc đồng phải được hạn chế để dành chỗ cho sự bao quát và sự khôn ngoan. Đạo diễn nào làm nhà sản xuất cũng đáng hoan nghênh. Diễn viên nào làm nhà sản xuất cũng đáng ủng hộ. Tuy nhiên, trong danh sách những nhà sản xuất có quyền lực và khiến công chúng bất ngờ nhất, phải kể đến ba tên tuổi Lý Hải, Trương Ngọc Ánh và Ngô Thanh Vân.

Lý Hải từng học khoa diễn viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, cùng lớp với Quyền Linh, Lê Tuấn Anh, Lý Hùng, Diễm Hương… Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp thì Lý Hải thất nghiệp với nghề diễn viên, và trở thành một ca sĩ dòng nhạc bình dân. Lý Hải rất say mê chạy show các tỉnh và cũng chuyên tâm mở rộng kinh doanh để làm giàu. Sau khi kết hôn với hotgirl Minh Hà, cứ ngỡ Lý Hải yên tâm hưởng thụ cuộc sống viên mãn thì anh lại nhảy ra làm phim. Bộ phim khởi nghiệp "Lật mặt" được đầu tư 15 tỷ đồng, do Lý Hải tự viết kịch bản, tự làm đạo diễn và tự đóng vai chính, không ngờ lại đạt doanh thu khá lý tưởng.

Có đà, Lý Hải tiếp tục làm "Lật mặt 2", "Lật mặt 3", "Lật mặt 4". Năm nay 52 tuổi và là ông bố có 4 đứa con, nhà sản xuất Lý Hải bộc bạch: "Tôi đắn đo khi quyết định đưa phim ra rạp vì phim bom tấn của nước ngoài... đè bẹp bất cứ lúc nào.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân.

Nhớ năm 2015, "Lật mặt" đã ra rạp với tổng doanh thu 72 tỷ đồng, rồi "Lật mặt" 2 thu được 80 tỷ đồng và "Lật mặt 3" thu được 85 tỉ đồng. Đến nay thì phần 4 đã đạt hơn 100 tỉ đồng. Tôi hạnh phúc khi mình đã tạo được thương hiệu với series phim này dù không mời ngôi sao vẫn hút khán giả!". Khác với Lý Hải, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh là một diễn viên nổi tiếng với hàng chục vai diễn khác nhau, mà ấn tượng nhất là vai nữ chính trong bộ phim "Áo lụa Hà Đông".

Diễn viên Trương Ngọc Ánh từng lấy chồng đại gia và có một con gái. Đáng tiếc, hôn nhân tan vỡ, Trương Ngọc Ánh một mình tiếp tục bước đi trên con đường nghệ thuật bằng vai trò nhà sản xuất. Hai bộ phim "Hương Ga" và "Truy sát", Trương Ngọc Ánh vừa làm nhà sản xuất vừa đóng vai chính. Những phim sau đó như "Vệ sĩ Sài Gòn" và "Sắc đẹp ngàn cân" thì Trương Ngọc Ánh chỉ chuyên tâm làm nhà sản xuất.

Quan niệm của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh khá rạch ròi: "Các ngôi sao quốc tế, ai cũng muốn đóng phim do mình sản xuất vì được kiểm soát mọi thứ theo cách của mình. Phim có thể thắng hoặc thua, nhưng quan trọng nhất là làm điều mình muốn mà không ai điều khiển được. Tôi đã làm thì không ai ngăn cấm được, càng không vì ý kiến bên ngoài mà thay đổi. Tôi chưa bao giờ tung hê mình có nhiều tiền. Tôi biết khả năng của mình ở đâu, có thể làm được gì và có tác phẩm tốt nên tự tin. Không ai ngăn cản được tôi nghĩa là bản thân không dễ chuyển hướng khi nghe những nhận xét trái chiều!".

Năm Canh Tý 2020, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh có dự án khá tâm huyết là bộ phim "Trưng Vương" nói về hai chị em Trương Trắc - Trưng Nhị. Ở tuổi 44, một trong những băn khoăn của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh là tính chuyên nghiệp để xây dựng nền điện ảnh: "Có lúc phim mình chưa ra, đã nhìn thấy phim vừa mới ra giống hệt phim mình rồi. Cũng là bởi nhiều phim được sản xuất quá, còn đội ngũ làm vẫn chỉ có vậy, nên đôi khi các nhà sản xuất cứ thuê nguyên một ê-kíp nào đó!".

Cũng nổi tiếng trên màn ảnh không thua kém gì Trương Ngọc Ánh, nhưng Ngô Thanh Vân còn tạo được nét độc đáo bằng hình tượng "đả nữ" sau những bộ phim hành động như "Dòng máu anh hùng" và "Bẫy rồng". Nếu so với "đả nữ" quốc tế cỡ Dương Tử Quỳnh thì Ngô Thanh Vân còn thua xa, nhưng Ngô Thanh Vân làm được điều Dương Tử Quỳnh chưa thể làm là kiêm luôn nhà sản xuất.

Các phim do nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lo lắng thu chi như "Ngày nảy ngày nay", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Cô Ba Sài Gòn", "Về quê ăn Tết" hoặc "Song lang" đều có chiến lược quảng bá rất tưng bừng. Thế nhưng, không phải phim nào của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng hốt bạc. Từ bệ phóng "đả nữ", Ngô Thanh Vân có ưu điểm khi sản xuất những bộ phim sử dụng võ thuật như một gia vị lôi cuốn.

Ví dụ rõ ràng nhất là bộ phim "Hai Phượng" do Ngô Thanh Vân vừa bỏ tiền đầu tư vừa bỏ công đóng vai chính, đã phá vỡ kỷ lục doanh thu của các bộ phim ăn khách trước đó như "Em là bà nội của anh (103 tỷ đồng) "Em chưa 18" (172 tỷ đồng) và "Cua lại vợ bầu" (190 tỷ đồng). Tính cả thị trường Mỹ và châu Á thì bộ phim "Hai Phượng" của Ngô Thanh Vân mạnh dạn công bố doanh thu 200 tỷ đồng.

Thắng lợi của bộ phim "Hai Phượng" đã giúp Ngô Thanh Vân hớn hở làm tiếp phần hai có tên gọi "Thanh Sói" vào năm 2020. Ở tuổi 41, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tự tin: "Trước kia tôi còn e dè nền điện ảnh Việt Nam hơi bé nhỏ, nhưng với "Hai Phượng" thì tôi cảm thấy hoàn toàn khác. Tôi rất hãnh diện khi đem bộ phim này đi thương thảo với các nhà phát hành Mỹ.

Ở Việt Nam, làm càng nhiều phim càng tốt, nhưng phải có những bộ phim chất lượng thì thị trường mới đi lên được. Tôi làm phim này để giúp khán giả trở lại với phim hành động Việt. Tôi tự hào rằng, đây là một bước chuyển mình tiến lên về phim hành động Việt!".

Tuy Hòa
.
.