Phê bình điện ảnh hiện nay - Thực trạng và giải pháp

Thứ Bảy, 14/12/2019, 08:17
Phê bình văn học nghệ thuật lâu nay vẫn bị xem là yếu, nhưng có lẽ yếu nhất là phê bình điện ảnh. Đặc biệt là trong mười năm trở lại đây, dường như thị trường điện ảnh càng lên thì phê bình càng đi xuống! 


Trong 10 năm trở lại đây, ngành điện ảnh Việt Nam được đánh giá là có những bước phát triển rõ rệt. Xã hội hóa hoạt động điện ảnh hiệu quả, số lượng phim được sản xuất từ nguồn vốn tư nhân chiếm tỉ lệ áp đảo.

Thị trường tăng trưởng nhanh (thậm chí tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%  là tăng trưởng  “nóng” so với tốc độ phát triển của thị trường điện ảnh thế giới). Số lượng phim ra rạp nhiều gấp vài lần so với cách đây 10 năm, trong đó một số phim lập kỷ lục doanh thu ngang ngửa so với các “bom tấn” của Hollywood. Vậy có hay không mặt trái của sự phát triển và mặt trái đó như thế nào, có liên quan gì đến thực trạng của phê bình điện ảnh không?

Tiến sĩ Ngô Phương Lan phát biểu tại kỳ họp thứ 7 của hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.

1. Thực trạng bao trùm: Phê bình điện ảnh vắng bóng

Phê bình văn học nghệ thuật lâu nay vẫn bị xem là yếu, nhưng có lẽ yếu nhất là phê bình điện ảnh. Đặc biệt là trong mười năm trở lại đây, dường như thị trường điện ảnh càng lên thì phê bình càng đi xuống! Cách đây hai chục năm trở về trước, mỗi bộ phim ra đời là có những bài phê bình đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Điện ảnh (sau là Nghệ thuật Điện ảnh và giờ là Thế giới Điện ảnh), Màn ảnh Sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Điện ảnh Kịch trường (bây giờ là Điện ảnh Việt Nam) và một vài tờ báo như Văn nghệ, Văn hóa…

Điều đáng nói là giới làm nghề và không ít người yêu điện ảnh thường chờ đợi, quan tâm đến bài viết, nhiều bộ phim có ý kiến trao đi đổi lại rôm rả. Theo đó, người viết phê bình cảm thấy được sẻ chia nên hào hứng làm nghề, còn người làm phim thì có thể vui hoặc buồn, vừa lòng hoặc chưa vừa lòng nhưng cũng thấy được sự quan tâm của giới nghề nghiệp và sẽ tiếp tục hòa theo dòng chảy nghề nghiệp.

Kể từ khi bước vào “cơ chế thị trường”, điện ảnh không thể “ung dung” như thời bao cấp. Cơn sóng “phim thị trường” kéo theo xu hướng thương mại hóa điện ảnh và phê bình điện ảnh cũng không thể giữ nhịp độ như trước đây. Số lượng đầu báo và tạp chí tăng lên chóng mặt, gấp hàng chục lần so với trước. Mục Điện ảnh được đưa trên nhiều trang báo, nhưng chủ yếu như một cái “mồi” để câu khách. Hiếm có những bài phê bình phim thực sự mà chủ yếu là khai thác chuyện hậu trường, chuyện đời tư, nếu có viết về phim thì thường là những bài  giới thiệu qua loa và chủ yếu là “lăng xê”, quảng cáo.

 Các tạp chí chuyên ngành không còn được “bao cấp” nên thật sự khó khăn, phải tự xoay xỏa trong cơn lốc thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự thưa thớt rồi vắng bóng dần của phê bình điện ảnh là số lượng bài viết trên các tạp chí so với số bài trên các báo ngày càng như muối bỏ bể.

Hơn nữa, báo đã nhiều lại ra hàng ngày, hàng tuần, cho nên các bài báo về phim ảnh hầu như áp đảo cả về số lượng, cường độ và tốc độ so với các bài phê bình phim chỉ được đăng thưa thớt mỗi tháng một lần trên các tạp chí. Các bài phê bình điện ảnh rất khó có thể tạo được tiếng vang giữa rừng bài đủ màu, đủ vị về điện ảnh!

Còn nhớ cách đây mười lăm năm, tôi được bầu là Trưởng ban Lý luận, phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam và Ban Lý luận, phê bình đã đề xuất với lãnh đạo Hội các hoạt động như sau: Mỗi năm tổ chức một Hội thảo nghề nghiệp ở phía Bắc, một ở phía Nam để đưa ra những nhận định, đánh giá thực trạng điện ảnh nhằm nâng cao chất lượng sáng tác, đóng góp ý kiến vào hướng đi của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế; Có ý kiến chính thức trước dư luận về những vấn đề gây tranh luận của điện ảnh khi cần thiết; Đề nghị thành lập CLB Báo chí phê bình điện ảnh tập hợp các nhà báo chủ chốt hoặc chuyên viết về điện ảnh ở các báo - tạp chí và duy trì sinh hoạt thường xuyên giữa Ban và CLB nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp điện ảnh trong hoạt động lý luận, phê bình điện ảnh trên báo - chí trong và ngoài ngành điện ảnh; Đề nghị cho bình chọn Giải Báo chí phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa hay nhất trong năm như một Giải chính thức trong khuôn khổ Giải Cánh diều.

PGS. TS Trần Luân Kim vốn là nhà lý luận, phê bình điện ảnh nên rất ủng hộ hoạt động của Ban Lý luận, phê bình, nhiều lần ông cùng tôi chủ trì các hội thảo. Giải Báo chí phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa hay nhất năm do Tạp chí Thế giới Điện ảnh chủ trì cùng Ban Lý luận, phê bình đã thu hút được nhiều nhà báo là những cây viết uy tín về điện ảnh ở các báo lớn và duy trì được khoảng chục “mùa Cánh diều”. Tiếc rằng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, cho đến nay giải không còn tiếp tục.

Tất nhiên, không thể nói rằng Giải Báo chí phê bình điện ảnh quyết định sự phát triển của phê bình điện ảnh, nhưng đó có thể xem là “dấu hiệu” của một trong những hoạt động phê bình điện ảnh rộng rãi, có tác động ít nhiều đến sự quan tâm việc “hành nghề phê bình” của một số nhà báo hay viết về điện ảnh hoặc trực trang văn học nghệ thuật. Và giải này có thể trùng ít nhiều với giải Cánh diều, nhưng tổng kết lại thì thấy chủ yếu không trùng, cho thấy một cách đánh giá khác của các cây bút từ các báo, cũng đáng để những người làm nghề điện ảnh tham khảo.

Nhìn một cách thẳng thắn thì trong những năm gần đây, hoạt động phê bình điện ảnh càng thêm trầm lắng, thậm chí có thể nói là vắng bóng. Mỗi năm có đến bốn chục bộ phim truyện điện ảnh ra đời, mỗi lần phim ra rạp - nhất là phim “thương mại” - là một lần tưng bừng từ rạp chiếu phim đến mặt báo.

Sự tưng bừng ấy không liên quan đến chất lượng phim mà chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí nhiều hay ít của nhà sản xuất - phát hành phim, vào sự “ra tay” mạnh hay yếu của đội ngũ “PR”. Đáng mừng với những phim có chất lượng tương đồng với sự “PR” rầm rộ, tạo nên làn sóng khán giả và đem về doanh thu lớn cho nhà sản xuất - phát hành.

Nhưng cũng thật buồn và ê chề cho những phim yếu kém, ra rạp ồn ào và lập tức bị phản ứng vì “treo đầu dê bán thịt chó”. Cũng có những bộ phim ra đời kéo theo dư luận ồn ào, trái chiều, người khen, kẻ chê, người tâng bốc, kẻ hạ bệ, thậm chí có trường hợp vì lý do nào đó (có thể ngoài tác phẩm) một số tờ báo và mạng xã hội lao vào “đánh hội đồng” khiến cho công chúng hoang mang, chẳng biết đâu là thật, là giả! Điều đáng buồn nhất là chẳng mấy khi thấy ý kiến của các nhà phê bình, mà giả như có nhà phê bình nào lên tiếng thì có thể sẽ bị bủa vây, làm sao có thể trụ vững được trong cơn lốc của dư luận, của các “anh hùng bàn phím”?

Vì vậy, sự ngủ yên và vắng bóng của phê bình điện ảnh cũng là điều không mấy khó hiểu trong bối cảnh thị trường điện ảnh đang phát triển nóng và chưa có đủ sự tĩnh tâm, suy ngẫm.

Ban Chấp hành Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ I (2019 – 2024). Ảnh: Hồng Nhung

2. Nguyên nhân sự yếu ớt của phê bình điện ảnh

Phải thẳng thắn nhìn nhận là đội ngũ phê bình điện ảnh rất thiếu. Đầu tiên xin đề cập đến việc đào tạo phê bình điện ảnh. Thế kỷ trước, thỉnh thoảng có 1-2 sinh viên được tuyển vào học ngành Điện ảnh học (vẫn dịch là Lý luận Phê bình điện ảnh) tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô cũ (VGIK), tổng số người được đào tạo ở đây khoảng gần hai chục; số người học ở Trường Đại học Điện ảnh Babelsberg (CHDC Đức cũ) còn ít hơn, chỉ có một người! Những người được đào tạo ở nước ngoài về nước từng hành nghề trong thời điểm thuận lợi hơn bây giờ, khi ngành điện ảnh nói riêng và xã hội nói chung quan tâm hơn đến lý luận phê bình điện ảnh.

Tuy nhiên, có ít nhiều đáng tiếc là một số người được đề bạt vào vị trí phụ trách các trường Điện ảnh, Viện lưu trữ phim, Hãng phim, Cục Điện ảnh… nên họ không còn nhiều thời gian và sức lực cho hoạt động phê bình điện ảnh.

Về đào tạo trong nước, cả nước chỉ có một cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận, phê bình điện ảnh chính quy duy nhất là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, đây là chuyên ngành ít sinh viên đăng ký học nhất, đã có những khóa trường không thể tuyển sinh vì quá ít ứng viên.

Gần đây nhất, mùa tuyển sinh năm 2019 chỉ tuyển được có 3 sinh viên, cuối cùng trường phải hoãn khóa học này. Hơn nữa, sinh viên Lý luận, phê bình điện ảnh sau khi học xong khó có thể sống được bằng nghề nên họ phải linh hoạt tìm cho mình các công việc phụ mà không thể chuyên tâm vào phê bình điện ảnh, hoặc chuyển sang làm việc khác. Theo đó, trong vài thập kỷ qua, rất hiếm thấy cây bút phê bình điện ảnh nào xuất thân từ các trường Điện ảnh khẳng định được tên tuổi.

Thứ hai là sự “lấn át” của báo chí truyền thông trong thời kỳ “thị trường” như đã trình bày ở trên và đó có thể xem là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự lép vế của phê bình điện ảnh.

Nhưng thứ ba, nguyên nhân chủ quan và có lẽ lại là mấu chốt nhất, đó là sự ngại ngùng, thậm chí là thiếu bản lĩnh của những người viết phê bình điện ảnh. Nhìn chung, phê bình cần một sự thẳng thắn và dám đi tới cùng để bảo vệ cái chuẩn. Nhưng nếu như “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” là câu tục ngữ tất cả mọi người đều thuộc bởi nó đúng trong cuộc sống hàng ngày thì phê bình thực sự không chỉ “mất lòng” mà có khi còn “gây thù chuốc oán”!

Với các ngành văn học nghệ thuật khác đều như vậy, với điện ảnh có thể độ “gay cấn” còn cao hơn nhiều, bởi một bộ phim làm ra là tốn cả chục tỉ. Cho nên, nói cho vui một chút, nhà phê bình nào “trót” thẳng thắn chê phim cũng có thể gặp phải tình huống sau: “Con tao là con vàng con bạc, ai cho mày chê con tao! Mày chê con tao là đụng đến hầu bao của tao, tao sẽ cho mày biết tay”! Khi đó, liệu mấy người viết phê bình dám đương đầu?

Thẳng thắn mà nói, ngay bản thân tôi, bảy tám năm trước, hàng tháng vẫn đều đặn viết bài phê bình phim. Từ khi làm quản lý ngành điện ảnh, vì rất nhiều lý do chủ quan và cũng vì bận rộn đã gần như không thể viết được. Lâu không viết phê bình sẽ ngại ngần, sẽ không muốn va chạm. Và, một nguyên nhân sâu xa dường như đôi lúc bản thân tôi thấy “bất lực” trước sự quay cuồng của dư luận theo xu hướng thương mại hóa.

Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài viết: mặt trái trong sự phát triển của điện ảnh có liên quan đến sự yếu ớt và vắng bóng của phê bình điện ảnh không và hậu quả như thế nào? Tôi cho rằng khi phê bình điện ảnh ngủ quên và bị bỏ quên sẽ góp phần làm cho xu hướng thương mại hóa các giá trị của điện ảnh - trong đó có tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật – ngày càng trầm trọng, kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất định hướng phát triển.

3. Giải pháp thúc đẩy phê bình phát triển

Về giải pháp, gợi ý của Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tôi thấy rất chuẩn, nghĩa là phải “thúc đẩy sự phát triển của phê bình từ xây dựng hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ viết phê bình đến các chế độ, chính sách đãi ngộ, hệ thống giải thưởng…”. 

Theo tôi, tất cả các gợi ý trên đều đã là câu trả lời về giải pháp và muốn giải pháp có hiệu quả thì phải đồng bộ. Đồng bộ từ các cấp lãnh đạo đến các trường, viện, hội nghề nghiệp, các tòa soạn báo phải có sự quan tâm, coi trọng hoạt động phê bình và người làm phê bình.

Nhưng điều quan trọng nhất là phải tạo được sự hào hứng và yên tâm cho người viết phê  bình, để họ không quá lo lắng mưu sinh, không bị áp lực của sự cô đơn, lẻ loi trước những cơn bão dư luận hoặc những cuộc “đánh hội đồng” khi người viết lên tiếng bảo vệ “chuẩn giá trị”! Chỉ khi người viết phê bình không “bị bỏ quên” thì chúng ta mới có thể đánh thức phê bình điện ảnh khỏi sự “ngủ quên”!

TS Ngô Phương Lan (Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam)
.
.