Trúc Thông thi sĩ

Thứ Sáu, 28/10/2016, 11:00
Thơ Trúc Thông nói chung kỹ lưỡng, cầu kỳ, tính toán chi li tới từng con chữ. Nhưng nhờ đức tính không bình thường của sự bản năng dịu dàng ẩn kín nơi sâu thẳm của tâm hồn, ấm áp của tình người, tình đời, quyết liệt của ý chí mà nó được người đời chấp nhận. Mỗi bài thơ của Trúc Thông là một khoảnh khắc đời người đã được chiêm nghiệm và chắt lọc khiến ta không thể dễ dàng lạnh lùng bỏ qua...


Vào một đêm mùa Đông năm 1999, tôi đang ngủ say trong căn phòng nhỏ ở cơ quan thì bị tiếng đập cửa dồn dập. Tôi vừa hé cửa đã thấy hai cái đầu đen sì ập vào. Tôi nhận ra ngay anh Trúc Thông và Lâm Huy Nhuận. Hai người sặc mùi rượu. Tôi cằn nhằn:

- Khuya thế này, rét thế này…

Trúc Thông đóng cửa lại, nói:

- Anh phải thấy anh vinh dự được tiếp hai thi sĩ vào nửa đêm đến chơi, mưa rét thì có gì mà phải phàn nàn. Dậy lấy rượu ra đi.

Tôi hồi ấy sức còn khoẻ, uống rượu thành thần nên việc tiếp rượu bạn nửa đêm là chuyện thường ngày. Lâm Huy Nhuận là tay thơ nổi tiếng, từ thời trẻ toanh. Rượu Nhuận cũng lừng danh. Lại giỏi bói toán, xem tướng số. Giỏi cả thuốc Nam thuốc Bắc nên tôi khá vị nể. Trúc Thông đưa cho Nhuận một cành lá, bảo Nhuận uống một ly rồi nói xem sao.

Nhà thơ Trúc Thông.

Nhuận cầm li rượu lên, nhìn tôi, nhìn Trúc Thông rồi nhìn chùm lá, phán:

- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ… Đêm nay quá tuyệt vời, ngay ngày mai mình xuất hành thì khỏi phải bàn…

Tôi chưa bao giờ xem bói lá, chưa kịp hiểu gì thì Trúc Thông tiếp:

- Mai hay bây giờ cũng được, tôi có sẵn sàng thế nên mới kéo cậu đến đây rủ Trung Trung Đỉnh cùng đi.

- Đi đâu? - Tôi hỏi.

- Đi Tây Nguyên - Trúc Thông nói dứt khoát.

- Không, tôi có chương trình khác rồi - Tôi nói.

- Không đi được thì ông viết thư cho bạn bè ông tiếp bọn tôi ở trong đó cũng được.

- Nhất trí - Tôi tiếp - Vinh dự tự hào cho cái thằng tôi và cho cả các bạn tôi quá.

Nói rồi tôi ngồi viết lá thư cho mấy người bạn thân, bảo là chúng mày sắp được vinh hạnh hầu rượu hai thi sĩ hàng đầu của Việt Nam. Đó là Trúc Thông và Lâm Huy Nhuận. Hãy lo chu đáo cho hai văn nhân kẻo xấu mặt tao!

Trúc Thông nheo nheo mắt đọc rồi nói:

- Được! Nhưng ông phải sửa cho tôi  một chữ.

- Chữ gì?

- Hai thi sĩ được rồi, không có hàng đầu hàng cuối gì hết.

Tôi nhất trí lấy tờ giấy khác viết lại theo ý anh. Đúng là Trúc Thông! Lúc chơi cũng nghiêm chỉnh. Tôi cứ nghĩ là vui rượu tào lao cho xôm trò, không ngờ tối hôm sau, tôi nhận được tin từ chị gái Trúc Thông, rằng hai cậu ấy khăn gói lên tàu đi rồi. Hồi ấy chưa có điện thoại di động, chứ như bây giờ chắc tôi thế nào cũng nhắn vài cái tin nhăng cuội trêu thi sĩ khi  hành phương Nam rồi.

Hồi ấy Trúc Thông chưa vợ. Mà tuổi cũng đã "đứng" rồi nên được bạn bè chiều chuộng. Nhiều người tế nhị hay né tránh hỏi anh về cái khoản yêu đương. Tôi thì khác. Tôi hay bỗ bã, nói toạc móng heo ra với Trúc Thông  rằng, hình như bác có "vấn đề" gì đó về giới tính. Thậm chí thỉnh thoảng đi uống bia, tôi hay gạ Trúc Thông cùng đi "làm thủy lợi", thực ra cũng là tranh thủ "ngó" xem ông anh cái khoản kia nó "ra răng" lớn hay bé sao sao thôi. Phàm ba cái anh cao cao tuổi chưa vợ hay có cái tính cảnh giác.

Trúc Thông không ngoại lệ. Anh không để cho người đời thọc mạch. Tôi không thọc mạch, nhưng vì thân nhau nên đôi khi quên cả ý tứ. Tôi cũng hay muốn giới thiệu cô này, o kia cho ông anh. Nhưng Trúc Thông chỉ cười cười, lạnh ngắt, chả thấy có tí phản ứng nào cho nó sinh động. Đành thôi.

Tôi chơi với Trúc Thông khá lâu rồi. Từ ngày tôi ở trong Nam chuyển ra, được Thanh Thảo giới thiệu. Anh ở với mẹ và bà chị gái. Nhà phố cổ. Người cũng cổ. Công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam hồi ấy tôi thấy cũng cổ cổ. Bạn bè của Trúc Thông tôi gặp hầu hết ở nhà anh, cũng đều cổ quái, khác thường. Bạn nam thì ngất ngưởng như lúc nào cũng rượu rượu say say, trẻ có, già có, nhưng xem ra rất ít người bình thường. Ai cũng có vẻ khang khác.

Ví dụ như nhà lý luận phê bình Đào Thái Tôn. Mỗi lần anh Tôn đến là một lần tôi thấy không khí trong nhà bớt lạnh. Không phải anh nóng, mà từ anh ấy toát lên cái sự rộn ràng, anh chào bà cụ (mẹ Trúc Thông) rất kính cẩn, nhưng sao vẫn thấy buồn cười! Khi nào đến anh cũng có chút xíu gì đó làm quà, khi thì mấy quả cau nho nhỏ, lá trầu xinh, khi thì ít cái hương vòng.

Anh ngồi co chân lên ghế, đọc mấy chữ nho trên hoành phi câu đối vanh vách, rồi diễn giải ý nghĩa ngọn nguồn, khiến tôi cảm phục vô cùng. Rồi ai nữa? Rất nhiều: Hữu Thỉnh khi nào đến cũng có hương hoa, sau khi chào mẹ chào chị Trí rất lễ phép chu đáo xong thì thắp hương khấn vái xì xụp một lúc lâu rồi mới ngồi trò chuyện.

Có lẽ người lịch thiệp nhẹ nhàng nhất, ấy là họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Lọt thỏm trong mớ bạn "hầm hố" của Trúc Thông chính là họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Lương Xuân Đoàn và Trúc Thông mà bàn về thơ và về hội họa thì tôi thấy hợp nhau vô cùng. Một người luôn luôn nghiêm trọng, căng thẳng (ấy là Trúc Thông). Còn một người dịu dàng, khiêm tốn (đó là Lương Xuân Đoàn). Đúng là "dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi".

Nhưng thấy cũng có hôm chả biết hai bác bàn luận cái gì mà cũng có vẻ quyết liệt tâm đắc vượt "chỉ tiêu", thấy sau đó hai người ngồi lù lù uống nước trà nhăm nhắp không ai buồn nói với ai, có vẻ không khoan nhượng. Kinh. Tôi thì chỉ là "quan sát viên" chuyên ăn theo, nói không leo, mỗi khi các bác bàn luận về nghệ thuật thì "bố cháu" ngồi im re cho lành!

Nhờ thơ Trúc Thông (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng các bạn thơ tại buổi tọa đàm về thơ ông.

Bà mẹ Trúc Thông thì quanh năm tôi thấy cụ quanh quẩn ở nhà, lúc nào cũng mặc tạp dề, khi xuống bếp phía sau nhà lo nấu nước cho con giai tiếp khách. Anh nào thân thiết lắm thì bà ngồi nói dăm câu ba chuyện rồi quay ra với công việc làm mấy chõ giá đỗ và xách xô đi xin nước gạo của hàng xóm về nuôi lợn và nuôi thi sĩ. Sau này cụ mất, Trúc thông có bài thơ "Bờ sông vẫn gió" viết về mẹ rất hay. Nếu mà chỉ nói là rất hay thì tôi e chưa đủ. Trúc Thông không hề nghiêm trọng về cấu tứ về đề tài ở bài thơ này. Bài thơ được viết ra dễ dàng, đơn giản như là khi nhớ mẹ mà thốt lên thôi. Vì thế nó nhập vào người đọc cũng rất nhẹ nhàng đơn giản. Đọc xong cái, nó ngưng đọng lại sâu lắng như tình mẹ con của chúng ta rất chi thường ngày vậy:

"Lá ngô lay ở bờ song
"Bờ  sông vẫn gió
người không thấy về"...

Tôi không muốn tán, không muốn khen bài thơ này hay. Nhưng tôi muốn nói đến phẩm chất đặc biệt của thơ Trúc Thông. Ấy là phẩm chất thi sĩ. Nó tự nhiên như bản thân sự việc hẳn nhiên là như vậy. Cái chất thi sĩ hồn nhiên tự nó xúc tác vào từng con chữ. Nó gợi tình, gợi ý mà không hiển lộ như Nguyễn Bính, Hoàng Cầm. Nó nép sau cánh cửa khép hờ của thi tứ của đề tài.

Thơ Trúc Thông nói chung thì rất cầu kỳ chắt lọc. Nhưng ở bài thơ này nó vượt ra khỏi tính cầu toàn chắt lọc kỹ lưỡng của nhà thơ. Nó vượt ra khỏi khuôn khổ, tính toán của người làm thơ. Và nó thành công ngoài ý muốn của cả người thơ lẫn người bàn luận.

Thơ Trúc Thông nói chung kỹ lưỡng, cầu kỳ, tính toán chi li tới từng con chữ. Nhưng nhờ đức tính không bình thường của sự bản năng dịu dàng ẩn kín nơi sâu thẳm của tâm hồn, ấm áp của tình người, tình đời, quyết liệt của ý chí mà nó được người đời chấp nhận. Mỗi bài thơ của Trúc Thông là một khoảnh khắc đời người đã được chiêm nghiệm và chắt lọc khiến ta không thể dễ dàng lạnh lùng bỏ qua.

Đọc thơ Trúc Thông buộc ta phải nghĩ ngợi suy tư. Thực ra ông là thi sĩ của dịu dàng, khẽ khàng, tinh tế, sâu lắng, thâm trầm và tươi trẻ. Tôi đặc biệt mê phần thơ thiếu nhi của Trúc Thông. Nó vừa hồn hậu, trong sáng, vừa tự nhiên như trẻ thơ vậy. 

Các cụ ta xưa có câu: "Ở hiền gặp lành". Câu này vận vào Trúc Thông hồi trẻ thì có khi sai. Sai vì tôi thấy Trúc Thông xưa nay vẫn giữ nguyên truyền thống ở hiền hiền mà chả thấy gặp lành mấy. Lấy vợ thì mãi năm 48 cái xuân xanh mới "bắt" được nàng. Mà lấy vợ muộn thì cái lẽ đương nhiên là có con muộn. Nếu theo cách nhìn thiển cận của một vài người, thấy Trúc Thông đẻ được hai "ả Tố Nga" thì bảo là hai "thị mẹt"!

May mà bây giờ quan niệm người ta đã khác: Gái hay trai chỉ hai là được. Bây giờ hai "ả Tố Nga" của Trúc Thông đã ra ràng, một con bay sang bên Nhật học hành. Một con nhào sang bên Hàn làm cái thạc sĩ hoàn toàn do tiền hai nước bạn cấp cho học bổng. Về nhà hai "ả" lại cũng phải tự lo công ăn việc làm, không phải lo chạy. Thế là Trúc Thông thi sĩ sau cơn tai biến, trả nàng thơ về trời, chỉ còn mỗi việc ngồi một chỗ lo làm "lãnh đạo".

Các "nhân viên" của Trúc Thông gồm có bà vợ tre trẻ, hai o con gái xinh xắn giỏi giang, nói tiếng Tàu tiếng Tây veo véo. Trúc Thông về hưu, bạn hữu vẫn đông, đặc biệt các nhà thơ, lớp sồn sồn có Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Quốc Thực - ba nhà thơ nổi tiếng đã mất. Hồi còn sống họ suốt ngày quẩn quanh bên Trúc Thông. Chỉ vì thơ.

Sau nữa là Lương Xuân Đoàn, Trần Anh Thái. Lớp trẻ một tí như Phan Huyền Thư thân với Trúc Thông còn hơn cả tôi, lối thân thiết của các thi sĩ cũng khác người. Họ làm lơ, bơ cái chuyện thơ phú văn chương sang một bên. Họ quan tâm tới nhau thiết thực và cụ thể hơn người đời nhiều. Họ chơi với nhau gắn bó khiến cho người đời phải vị nể. Hóa ra hậu vận Trúc Thông về già khớ. Thật đáng khen cho cái số may lúc này có vợ hiền con khôn, nhẹ gánh thi nhân, nhẹ gánh đường đời. Mong chàng một đôi khi quay lại với nàng thơ cho cuộc sống thêm thi vị.

Trung Trung Đỉnh
.
.