Nhà thơ Phan Hoàng: Náu mình cho thi ca lên tiếng

Thứ Ba, 11/10/2016, 08:02
Cách nay chừng 4 năm, tôi gặp nhà thơ Phan Hoàng ở Hà Nội, trong một buổi ra mắt tập thơ “Chất vấn thói quen” rất gần gũi và thân mật do nhà thơ Nguyễn Quyến làm chủ sự. Một người khá đỏm dáng, có bộ ria, một mái tóc xoăn ấn tượng và có một giọng đọc thơ trầm ấm, nhiệt thành - đó là những gì thuộc về cảm giác tôi khi lần đầu… mục kích anh. Nhưng làm tôi nhớ hơn cả vẫn là thơ và tên gọi tập thơ của Phan Hoàng.


Đọc “Chất vấn thói quen”, tôi coi đây là một chỉ dấu cho một xuất phát mới trong thơ Phan Hoàng. Và tôi đã viết: “Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ. Và tôi tin, khi càng ngày càng lớn tuổi, cái phần quá khứ trong mỗi con người ta cũng ngày một nặng nề thêm. Rồi nó đeo bám chúng ta, không dễ dàng gì buông tha chúng ta. Rồi chúng ta sống với nó và trở thành “một phần nó” tự lúc nào không hay.

Khi ấy, có khi chính chúng ta bị nó điều khiển, trở thành “nạn nhân” của nó mà không chịu chấp nhận những gì mới mẻ, khác lạ. Trong “Chất vấn thói quen”, ban đầu, Phan Hoàng cũng vậy. Đó là thói quen sáng sáng “ngồi vào chiếc ghế ấy”, “nhâm nhi ly cà phê chồn” ấy, “đọc báo” ấy và “nhìn cô chủ quán nở nụ cười hàm tiếu” ấy.

Khi mọi thứ bị đảo lộn (cho dù không ảnh hưởng nhiều đến “tình hình thế giới“ lắm): “Chiếc ghế đã có người đến ngồi”, “mùi cà phê không chồn” nữa, “quán không tờ báo” nữa, “cô chủ quán kiêu kỳ miệng im như thóc”…

Và cách hành xử cuối cùng và quen thuộc của Phan Hoàng là “Tôi bối rối bỏ đi”, “Tôi uống qua loa bỏ đi”, “Tôi buồn buồn bỏ đi”, “Tôi bỏ đi bỏ đi bỏ đi”… Cả 6 khổ thơ đầu của Chất vấn thói quen, nội dung chỉ có vậy.

Nhưng chính 6 khổ thơ này lại là “chất dẫn” cần thiết để “bùng nổ” ở khổ thơ thứ 7, đồng thời cũng là khổ thơ kết, khổ thơ sống còn của một tứ thơ: Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi/ tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen/ không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

Chính sự “mắc cười” và tự chất vấn mình (cũng là chất vấn thói quen) đã giúp Phan Hoàng tìm cách học “con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước” mà giúp anh thay đổi và chuẩn bị cho mình một xuất phát mới. Rồi cũng từ xuất phát này mà anh thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy trong thơ”.

Nếu như ở “Chất vấn thói quen” (Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2012), thơ Phan Hoàng lúc nào cũng ngùn ngụt lửa và nói theo triết gia Đức Nietzsche thì đấy là sự “hủy diệt để sáng tạo”, thì đến “Bước gió truyền kỳ”, thơ Phan Hoàng vẫn có nét khác, lúc nào cũng bạt ngàn và ào ạt gió.

Hay nói một cách khác: Từ Chất vấn thói quen đến “Bước gió truyền kỳ” chính là bước chuyển từ lửa đến gió. Cho dù vẫn biết bản chất của gió là “sinh ra từ khoảng trống và chạy vào khoảng trống”, nhưng khi gặp “gió Phan Hoàng” hoặc “gió thổi ra từ những câu thơ của Phan Hoàng” từ “Bước gió truyền kỳ”, độc giả vẫn thấy chưa hết lạ.

Thi nhân là vậy. Cái khác của thi nhân này với thi nhân kia cũng là vậy. Chính sự khác biệt của cá tính của từng người mà tạo ra cá tính của ngòi bút của mỗi người. Rồi từ sự khác biệt của cá tính của ngòi bút mà dẫn đến sự khác biệt của tác phẩm. Và theo tôi, trong trường hợp của “Bước gió truyền kỳ”, Phan Hoàng đã không chỉ hướng ra ngoài, mà đã hướng vào trong (lòng mình) mà viết. Đấy cũng là cõi riêng và thói quen không lặp lại theo kiểu vòng xoáy trôn ốc của Phan Hoàng.

Trong “Bước gió truyền kỳ”, một lần nữa, Phan Hoàng định nghĩa lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm thật cụ thể: Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/ mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương. Như thế, biên cương dù trên đất liền hay trên sông, trên biển… bao giờ cũng là điểm đối đầu, điểm nóng để thể hiện lòng yêu nước.

Xét về mặt nội dung, trường ca “Bước gió truyền kỳ” thực chất là một tráng ca. Còn xét về mặt hình thức, trường ca “Bước gió truyền kỳ” rất mở. Mỗi khúc, mỗi đoạn của nó có thể đứng độc lập, nhưng một khi được kết nối, nó tạo ra sự gắn kết, sự tiếp nối. Theo tôi, đây chính là đóng góp của Phan Hoàng về mặt thi pháp cho thơ nói chung và thể loại trường ca nói riêng trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Trong mảng thơ trữ tình, Phan Hoàng có một số bài thơ viết về đề tài tình yêu cũng rất độc đáo, trong đó có bài “Chợt nghĩ về hoa”: Chiếm được trái tim một phụ nữ/ như sở hữu một bông hoa/ có loài hoa đẹp và hiền/ có loài hoa đẹp và độc/ Trái đất không bao giờ đủ hoa/ cho đàn ông hái/ trái đất không bao giờ đủ đàn ông/ cho hoa toả hương/ Tôi lướt qua trái đất này/ như một ngọn gió nhẹ đầy sinh lực/ ngưỡng mộ các loài hoa/ chạm vào đâu cũng hiền cũng độc/ Hoa độc hoa hiền/ hoa nào cũng quyến rũ/ hoa nào cũng có khả năng làm thuốc/ hoa nào cũng thổi bùng lửa xuân/ hoa nào cũng bao phủ mùa đông băng giá/ Trái đất như viên bi vô tri rơi tự do về đâu/ nếu một ngày lỡ vắng hương sắc loài hoa/ ngọn gió tôi lưu lạc về đâu/ nếu một ngày người phụ nữ mình yêu nổi hứng nói lời từ biệt…

Khi bình bài thơ này, tôi viết: “Nói đến “Chiếm được trái tim một phụ nữ/ như sở hữu một bông hoa” là đã bao hàm sự sở hữu mong manh của tình yêu trong ấy rồi. Còn chia ra hoa lành, hoa độc là có sự phân biệt của tình yêu trong ấy rồi.

Khi đọc đến: “Trái đất không bao giờ đủ hoa/ cho đàn ông hái/ trái đất không bao giờ đủ đàn ông/ cho hoa tỏa hương” thì tôi tự hỏi: Sao Phan Hoàng không viết: “Trái đất không đủ đàn ông cho đàn bà hái?” Ngẫm mới thấy Phan Hoàng thật tỉnh táo và biết “thoát hiểm” đúng lúc. Rồi Phan Hoàng chỉ ra: Đàn ông vốn tham, đàn bà lại vốn quyến rũ, hấp dẫn; đàn ông vốn có bản chất chinh phục, đàn bà vốn có bản chất hái lượm.

Đi xa hơn, Phan Hoàng lại luôn “ngưỡng mộ các loài hoa” và anh cảm thấy từ trực giác: “Chạm vào đâu cũng hiền cũng độc”.

Kết thúc, Phan Hoàng sợ: “Biết đâu ngọn gió tôi lưu lạc về đâu/ nếu một ngày người phụ nữ mình yêu nổi hứng nói lời từ biệt”.

Bìa trường ca “Bước gió truyền kỳ” của Phan Hoàng.

Sao không giận dỗi, bực bội, khó chịu… mà là “nổi hứng” nói lời từ biệt? Đây là cách nói, cách sử dụng từ ngữ tạo nên cái thật riêng của Phan Hoàng đặng tạo ra một sắc thái tình cảm kiểu Phan Hoàng”.

*

Phan Hoàng tên thật là Phan Tấn Hùng, tuổi Đinh Mùi (sinh năm 1967) tại bán đảo Đông Tác, cuối dòng sông Đà Rằng (hạ nguồn sông Ba) thuộc thành phố Tuy Hòa; tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, từng làm phóng viên - biên tập viên Tạp chí Kiến thức ngày nay, chủ biên tờ Đương thời và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khoá VII (2015-2020), Chủ biên website nhavantphcm.com.vn. Từ đầu năm 2015, nhà thơ Phan Hoàng còn là Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam của Báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Thơ Phan Hoàng xuất hiện lần đầu tiên trên Tạp chí Kiến thức ngày nay và Báo Thanh niên vào những năm 90 của thế kỷ trước, ngay khi anh còn là sinh viên.  Anh là nhà thơ cùng lứa với những Hữu Việt, Nguyễn Bảo Chân, Đỗ Thị Tấc, Lương Ngọc An, Trần Kim Hoa, Nguyễn Bình Phương... Tính đến nay, anh đã xuất bản 9 đầu sách.

Ngoài 4 tập thơ: Tượng tình, Hộp đen báo bão, Chất vấn thói quen, Bước gió truyền kỳ, anh còn có đến nhiều cuốn sách độc đáo khác: Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam (3 tập, tái bản 4 lần), Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập), Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập, tái bản 2 lần)… Trong đó, anh là người đi đầu và có công sớm gặp gỡ, phỏng vấn, thể hiện chân dung các nhân vật tướng lĩnh rất có hệ thống, tạo nguồn cảm hứng cho nhiều bộ hồi ký của các tướng lĩnh ra đời.

Trong làng báo, 3 tập “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam” của Phan Hoàng gây được tiếng vang đáng kể. Từ lâu trong làng báo anh được đặt các biệt danh “vua phỏng vấn”, “chuyên gia phỏng vấn”… Quan niệm về văn học nói chung và về thi ca nói riêng của Phan Hoàng cũng khác biệt: “Thi ca đối với tôi là một không gian thẩm mỹ riêng, một thế giới thiêng liêng để tôi được đắm chìm vào đó, tìm thấy vẻ đẹp của con người quá khứ lẫn hiện tại, tự phát hiện bản thể chính mình. Nhà thơ phải biết náu mình để cho cái đẹp thi ca lên tiếng”.

 Ngoài ra, trong Phan Hoàng còn có một con người từ thiện lặng lẽ. Đã nhiều năm nay, anh để lại dấu ấn này qua nhiều hoạt động xã hội với sự nhiệt thành, hào hứng, vô tư tại nhiều địa phương, trong đó có Xứ Nẫu (Phú Yên), quê hương anh.

Tôi cũng đi trên con đường bê tông dài hơn một cây số dẫn vào ngôi chùa cổ linh thiêng Long Tường ở vùng bán sơn địa mà Phan Hoàng cùng bạn bè khởi sự phục dựng. Từ ngôi chùa cổ hoang phế và hoang vắng bây giờ đã được xây dựng uy nghi, thu hút đông đảo khách thập phương.

Và đặc biệt, con đường được người dân ở đây gọi là “đường Phan Hoàng”. Giới văn nghệ Phú Yên và Sài Gòn đùa vui: Có lẽ Phan Hoàng là một trong những người hiếm hoi khi còn sống đã được… “đặt” tên đường.

Đặng Huy Giang
.
.