Người viết những ca khúc hay nhất về Đảng
- Nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc: Trọn một vòng nhân thế
- Những kỷ niệm khó quên với nhạc sỹ Lê Lôi
- Nhạc sỹ Ngọc Thịnh: Câu thương, câu đợi câu chờ
- Cuộc đời ngắn ngủi, cao đẹp của một nhạc sỹ - anh hùng
Bài hát quá nổi tiếng, là Đảng ca, đã như thâu tóm được hết tình cảm của nhiều người dân Việt Nam dành cho Đảng – tổ chức thiêng liêng đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Giai điệu trầm hùng, tha thiết, vừa đĩnh đạc, trang nghiêm, lại vừa giản dị, gần gũi với tất cả mọi người khiến ai nghe cũng rất dễ nhập tâm.
Bài hát được viết ở thể 1 đoạn với bố cục gọn ghẽ, khúc chiết cùng lời ca giàu hình tượng văn học: “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên. Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới. Ngàn triệu dân xiết tay nhau súng búa liềm trên đường tranh đấu. Khối kết đoàn công nông bền vững…”. Đây là một trong những bài hát quen thuộc, gần gũi nhất đối với mọi người Việt Nam. Nhưng tác giả thì ngay cả những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở thế hệ sau này cũng không mấy ai biết.
Cố nhạc sỹ Đỗ Minh. |
Ông có tên khai sinh là Đỗ Minh Ý, sinh ngày 16/12/1926 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong một gia đình Công giáo toàn tòng. Yêu thích và có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, Đỗ Minh học nhiều nhạc cụ, đặc biệt là kèn clarinette và nhanh chóng được thổi kèn này trong dàn Thánh ca của nhà thờ.
Chàng thanh niên lớn lên, chứng kiến cuộc sống lam lũ, khổ cực, bị áp bức bóc lột của người dân vùng quê mình nên sớm giác ngộ cách mạng. Trong cao trào cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa của ta vào đầu năm 1945, chưa đến 19 tuổi, Đỗ Minh tham gia hoạt động trong Hội Thanh niên Cứu quốc, rồi xung vào đội du kích vũ trang, làm liên lạc, đưa thư cho các tổ chức cách mạng từ Nam Định đến Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội.
Sau đó, được bổ sung vào đơn vị bộ đội địa phương, làm công tác tuyên truyền văn nghệ. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Đỗ Minh chuyển sang bộ đội chủ lực, đóng quân ở Thái Nguyên.
Ngày 3/3/1951, Đại hội lần thứ 2 của Đảng ta diễn ra, đổi tên từ Đảng Cộng sản thành Đảng Lao động. Lúc này, Đỗ Minh đang cùng đơn vị của mình đóng ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), đã viết nên bài ca bất hủ, mang tên “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam”.
Viết xong, ông hát cho anh em bộ đội trong đơn vị nghe. Ai cũng khen hay và yêu cầu tác giả dạy cho họ hát. Có một chuyện thú vị: Sau khi hát cho đồng đội nghe, rất cầu thị, Đỗ Minh đề nghị mọi người góp ý để sửa lại cho hoàn chỉnh. Đồng đội yêu cầu tác giả hát đi hát lại nhiều lần nên mọi người thuộc rất nhanh.
Nhưng có một người góp là cần thay chữ “đứng” bằng chữ “xúm” trong câu: “Ngàn triệu dân sát vai nhau đứng quanh Đảng Lao động Việt Nam”. Đỗ Minh lắng nghe, không phản đối. Ông hỏi ý mọi người về sự thay đổi này. Có vẻ như dùng từ nào cũng được nên mọi người im lặng một lát, rồi có một chiến sỹ cất lời:
- Không ổn. “Xúm quanh” không ổn mà phải “đứng quanh” như tác giả đã viết vì theo tôi, “xúm” có vẻ túm tụm lại một cách vô ý thức. Đây là ngàn triệu dân, cả dân tộc ta có ý thức về việc đi theo Đảng, được Đảng lãnh đạo, đưa đường chỉ lối. Vậy nên phải là “đứng” chứ không thể “xúm”.
Mọi người vỗ tay, đồng ý, tán thưởng với ý kiến của chiến sỹ vừa rồi. Đỗ Minh lúc này mới nói: “Cảm ơn anh em đã đồng cảm với tôi”. Về cái tên bài hát, lúc đầu ông đặt là “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam”. Sau đó, một đồng chí chỉ huy cấp trên góp ý: “Cậu nên sửa lại là “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam” vì để gắn với sự kiện lịch sử Đảng đổi tên, lại không cần nói là “ca ngợi” bởi nghe toàn bài, ai cũng thấy rõ là tác giả ca ngợi rồi…”. Đồng chí thủ trưởng chính trị thì nói: “Vả lại, Đảng cũng không cần ai phải ca ngợi mình, bởi hữu xạ sẽ tự nhiên hương”. Nghe lời vị chỉ huy góp ý, Đỗ Minh đã sửa lại là “Chào mừng…”.
Sau đó chỉ một thời gian ngắn, bài hát đã lan truyền rộng rãi trong nhiều đơn vị bộ đội rồi lan ra dân công và nhân dân khắp các vùng kháng chiến. Trước hiệu quả rất đặc biệt này, cấp trên chỉ thị cần in ấn, phổ biến rộng rãi và hát trong các hội nghị, các cuộc sinh hoạt văn nghệ. Thế là rất tự nhiên, sáng tác này đã trở thành bài hát chính thức của Đảng ta, tức “Đảng ca”.
Đến Đại hội lần thứ 4 sau ngày đất nước thống nhất (1976), Đảng ta đổi trở lại tên cũ là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhạc sỹ Đỗ Minh cũng sửa lại lời ca như hiện nay chúng ta vẫn hát. Đến những ngày cuối đời, mỗi khi nhớ lại sự việc sáng tác bài hát này, ông vẫn nói: “Năm 1951, tôi 25 tuổi, chưa là đảng viên, không ai yêu cầu hoặc gợi ý gì, từ lòng yêu và biết ơn Đảng mà tôi viết nên bài hát. Tôi sáng tác cho chính mình, để nói với bản thân mình”.
Và đến năm 1967, Đỗ Minh mới trở thành đảng viên. Để đánh dấu sự kiện đáng nhớ này trong đời, ông sáng tác bài “Dưới cờ Đảng ta vững bước”. Tuy nhiên, Đỗ Minh cũng tự công nhận là ở bài sau, ông vận dụng lý trí nhiều hơn nên hiệu quả tác phẩm đã không được như bài trước. Nhưng khi không sử dụng hình thức chính ca mà tìm đến ca khúc trữ tình và viết cho đơn ca thì ông lại rất thành ông.
Đó là trường hợp bài “Đảng – người mẹ quang vinh”, ông biểu hiện tâm sự, tình cảm của bà con các dân tộc ít người dành cho Đảng: “Rừng núi biển xanh bao la đồng lúa lặng nghe tiếng lòng ta gợn xao xuyến. Đời gian khó Đảng dắt dìu không mỏi. Bản Mường xa in dấu chân Người, vạch tương lai dẫn đường chỉ lối…”. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, bài hát này rất phổ biến trên các sân khấu hội diễn ca múa nhạc ở cả hai khu vực chuyên và không chuyên nghiệp trên miền Bắc.
Cũng như nhiều nhạc sỹ khác, sau hòa bình lập lại (năm 1954), Đỗ Minh theo học âm nhạc chuyên nghiệp rồi ra công tác ở các đoàn văn công, đơn vị nghệ thuật. Trước khi nghỉ hưu, ông công tác ở Đoàn Văn công và giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Việt Bắc đóng tại Thái Nguyên.
Ngoài hai ca khúc nổi tiếng nói trên, ông còn có một số bài khác: “Buổi sáng lên nương”, “Những bàn chân không mỏi”, “Chiều biên giới”… Ông cũng sáng tác nhạc múa, kịch. Một đóng góp rất đáng kể khác nữa của Đỗ Minh là ở lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm dân ca các dân tộc ít người vùng núi Việt Bắc. Với những đóng góp rất đáng kể, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Bài hát “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” của cố nhạc sĩ Đỗ Minh. |
Đỗ Minh có dáng dấp và tính cách gần với nhà quản lý, cán bộ lãnh đạo hơn là một nghệ sỹ. Nhiều người vẫn nói trêu ông là vì sáng tác nhiều và quá hay về Đảng nên mới trở nên con người mực thước, nghiêm túc. Ông luôn kiệm lời và không thích nói nhiều về mình. Lúc ông còn sống, mỗi lần có dịp lên đất trà nổi tiếng là tôi lại tìm đến thăm ông ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên.
Con người ông mới nhìn thì thấy mô phạm nhưng tiếp xúc lâu, nhất là khi đã quen thân thì cởi mở, chân tình và giàu cảm xúc. Ông có vẻ như không mấy mặn mà với việc được báo chí để ý. Một lần tôi đang chơi nhà ông thì có phóng viên một tờ báo ở Trung ương nhân chuyến công tác tại Thái Nguyên đến gặp ông để thực hiện một bài phỏng vấn xung quanh việc ra đời bài “Đảng ca”. Ông tiếp đón lịch sự, pha trà Tân Cương thơm phức đãi khách, nhưng chỉ nói:
- Bài hát chẳng có gì đáng nói. Tôi viết năm 1951 nhân sự kiện Đại hội Đảng. Viết theo sự thôi thúc tự nhiên của trái tim, cho chính bản thân mình. Thế thôi.
Cảm thấy có vẻ như nhà báo có chút mất hứng do không khai thác được gì nhiều, nhạc sỹ nói tiếp:
- Vì nhà báo hỏi nên tôi trả lời vậy, chứ không có gì để viết đâu.
Người phóng viên quay sang hỏi thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động và sáng tác của Đỗ Minh. Ông lại nói:
- Cũng chẳng có gì đặc biệt. Như mọi cán bộ khác thôi. Khác chăng là tôi có thêm hoạt động sáng tác. Nhưng cũng không đáng kể gì, thua xa các nhạc sỹ khác vì họ có tới dăm ba trăm tác phẩm. Tôi chỉ có dăm ba bài, không thể so.
Chứng kiến cuộc tiếp xúc của Đỗ Minh với nhà báo, tôi mới hiểu vì sao hầu như ông không xuất hiện trên báo chí bao giờ, kể cả ở báo Thái Nguyên là nơi rất gần gũi với ông, phóng viên có thể gặp ông bất cứ lúc nào.
“Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” của Đỗ Minh là bài hát ra đời sớm nhất viết về Đảng, cho đến nay vẫn chưa có bài nào vượt được qua dù đã có tới hàng trăm bài có giá trị khác viết về cùng một đề tài. Bài hát cùng một lúc đạt được giá trị cao ở cả ba ý nghĩa: Lịch sử, tư tưởng và nghệ thuật.