Người thầy kỳ lạ

Thứ Sáu, 18/01/2019, 13:31
Buổi sáng mùa xuân năm ấy, tôi đang ngồi trong quán café ở phố Thiền Quang thì thấy một cụ già chống chiếc ba toong, chậm rãi bước vào. Thầy Song! Tôi thầm thốt lên. Thầy Song là người đã dạy tôi học vẽ trong lớp hội họa do thầy tổ chức.  


Tôi vội chạy ra, đỡ thầy vào. Sau khi hỏi thăm sức khỏe của thầy, tôi hỏi tiếp:

- Thầy uống café để con gọi ạ?

- Không, anh cho tôi ly ca cao.

Tôi ngạc nhiên. Thầy Song là người nghiền café nặng lắm. Nghiền đến mức sáng nào thầy cũng phải làm một ly rồi mới bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Sau đó, thầy còn dùng tiếp tới hai ba lần café như thế nữa trong mỗi ngày mới đủ. Vậy mà hôm nay thầy lại không dùng café thì quả thật rất lạ.

- Sao hôm nay thầy không dùng café mà lại dùng ca cao ạ? - Tôi hỏi.

Thầy chậm rãi:

- Ừ, dạo này uống café không còn thấy ngon như trước nữa. Nhớ quán thì ra thôi…

Tôi thấy giọng nói của thầy có vẻ hơi nghẹn ngào. Tôi buột miệng:

- Thầy già rồi, uống nhiều café sẽ không tốt cho sức khỏe đâu thầy ạ.

Thầy chau mày, nện đế có bịt sắt của chiếc ba toong đang cầm trên tay xuống nền nhà đánh cốp, nói:

- Tôi thế này mà anh bảo tôi đã già à!

Tranh tự họa của thầy Phạm Viết Song.

Đối với thầy, một tâm hồn nghệ sĩ không bao giờ được phép già. Và thầy vẫn thường nói, nếu để cho tâm hồn già nua thì coi như đã tự gác bút, còn làm nghệ thuật sao được nữa. Vậy là tôi đã vô tình xúc phạm thầy rất nặng nề. Tôi hoảng quá, xin lỗi thầy rồi gọi chủ quán cho ly ca cao, mời thầy.

Thầy Phạm Viết Song sinh ngày 2-1-1917 tại Thanh Hóa. Thực ra, quê gốc của thầy ở thành phố Nam Định, nhưng do các cụ thân sinh lưu lạc trên đường đời tìm kế mưu sinh nên thầy đã được sinh ra ở xứ người.

Năm 1935, khi vừa tròn mười tám tuổi, thầy theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội, khóa học 1935 - 1939. Trước Cách mạng Tháng Tám, thầy tham gia hoạt động cách mạng tại Huế. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, thầy được tổ chức phân công làm công tác bảo tồn các di tích văn hóa ở Huế và thầy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trở lại với câu chuyện về sự nghiệp hội họa của thầy Phạm Viết Song. Có lẽ trong lịch sử ngành Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Phạm Viết Song là một con người rất đặc biệt. Không là giáo sư, nhưng thầy nổi tiếng không kém  bất cứ một giáo sư nào trong ngành hội họa. Không một họa sĩ nào trong làng Mỹ thuật Việt Nam là không biết đến tên tuổi của thầy. Không là Nhà giáo Nhân dân, nhưng thầy được nhiều thế hệ học trò tôn kính không kém gì những người được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. 

Và điều đặc biệt hơn cả, tuy thầy là thế hệ sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, lại có quá trình tham gia hoạt động Cách mạng từ trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vậy mà sau đó, kể từ ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc, thầy chỉ hoạt động tự do trong ngành Mỹ thuật, không là công chức, không biên chế, không hưởng lương trong bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào của nhà nước. 

Cuộc đời của thầy, sống, làm việc, và cống hiến cho nghệ thuật là ước mơ, là nỗi niềm khao khát cháy bỏng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội mở lớp đào tạo họa sĩ cho cán bộ công nhân viên chức hệ quần chúng tại phố Hàng Buồm, thầy được cử ra thành lập và sau đó là hiệu trưởng của trường. 

Vẫn không biên chế, không lương bổng. Thầy đã khước từ tất cả những danh lợi đáng lẽ đã thuộc về thầy. Vậy mà thầy đã làm bằng hết khả năng tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Theo thầy, đào tạo cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng tối thượng của những lớp người đi trước. Sau đó, lớp học này được nâng lên thành hệ trung cấp, rồi cao đẳng, đã đào tạo cho Thủ đô hàng ngàn họa sĩ phục vụ cho công tác tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Nhiều năm sau, do tình hình chiến sự ở Hà Nội ngày càng trở nên phức tạp, trường học này không thể đi sơ tán vì học sinh đều xuất thân từ các đơn vị, cơ quan đoàn thể của nhà nước đóng trên địa bàn Hà Nội, phải bám sát vị trí chiến đấu và sản xuất, nên đã phải đóng cửa. Với bản chất là một nhà giáo, lại rất yêu nghề “trồng người”, thầy Phạm Viết Song đã nhất quyết không chịu từ bỏ sự nghiệp. 

Thầy về nhà, mở lớp tiếp tục dạy. Ngôi biệt thự của gia đình thầy ở số 13 phố Thiền Quang đã trở thành một trung tâm đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ học trò. Trong quá trình đào tạo các thế hệ học sinh, thầy luôn là một người hết lòng hết dạ yêu thương học trò và hết sức tận tụy đối với công việc giảng dạy của mình. Có rất nhiều học sinh nghèo khó, nhưng đam mê hội họa, thầy đã động viên cố gắng và không thu tiền học phí của những đối tượng này. Cho đến nay, nhiều học trò của thầy đã thành danh trong lĩnh vực hội họa, thậm chí còn hết sức nổi tiếng trong ngành Mỹ thuật Việt Nam.

Trong những ngày tôi theo học lớp của thầy, tôi nhớ mãi một câu thầy luôn căn dặn mọi thế hệ học sinh: “Các anh, các chị, đừng bao giờ ngồi đợi cảm xúc đến, cứ làm việc, rồi cảm xúc ắt sẽ đến!”. Sau này, tôi mới thấy rất thấm thía câu nói ấy của thầy. Có không ít lần, trước khi chuẩn bị làm việc, tôi đã bị cơn lười biếng lấn lướt. Nhưng nhớ lại câu nói của thầy dạo ấy, tôi lại quyết tâm cầm cọ, vẽ, và quả nhiên cảm xúc đã đến không biết từ lúc nào khiến tôi say mê đến nỗi quên cả giờ giấc, thậm chí quên cả bữa ăn...

Cũng trong thời gian theo học, tôi còn nhớ, có một lần, thầy Phạm Viết Song cho cả lớp chuẩn bị đi vẽ trực họa. Vẽ trực họa là công việc đi vẽ thực tế phong cảnh bên ngoài của các họa sĩ. Thầy giao cho tôi nhiệm vụ đi tìm nơi phù hợp để vẽ. Tôi rất thích công viên hồ Ba mẫu nằm trên đường Lê Duẩn. Ở đó, nước hồ luôn biếc xanh, lại có nhiều cây cối. Cây cối ở công viên hồ Ba Mẫu đẹp lạ thường, lá cây xanh thẫm một màu đã gợi nên cho tôi rất nhiều cảm xúc, rất muốn vẽ thành một bức tranh thật đẹp…

Tác phẩm “Bà Má Núi Thành” của họa sĩ Phạm Viết Song.

Tôi ra công viên hồ Ba mẫu ngắm nghía hồi lâu rồi về thưa với Thầy. Ở Hà nội thì có chỗ nào là Thầy không biết chứ nói gì đến công viên hồ Ba mẫu, cách nhà thầy chỉ chưa đầy một cây số. Thầy gật đầu, bảo:

- Tôi muốn xem thử chỗ ấy có vẽ được không, đỡ mất công mang đồ đi rồi lại về không.

Sau này, tôi mới hiểu ra rằng, thầy biết ở công viên hồ Ba mẫu chẳng có gì để vẽ cả. Nhưng đó là một cơ hội rất tốt để thầy chỉ bảo cho tôi biết phương pháp chọn một cảnh để vẽ cần phải như thế nào. Tôi thuê một chiếc xe con đưa thầy đến. Thầy nhìn lướt qua rồi lắc đầu, quay lại nói với tôi:

- Như thế này thì vẽ vời gì.

Rồi thầy bắt đầu giảng cho tôi rất chi tiết cách tìm phong cảnh để vẽ trực họa. Muốn có một không gian để vẽ trực họa tốt, cần có mấy yếu tố căn bản: Cảnh trí, màu sắc. Cảnh trí phải có tầng, có lớp, có xa có gần. Màu sắc phải phong phú, có hương có nhụy…

Tôi cảm ơn thầy rồi hai thầy trò lên xe về nhà. Ngay sau đó, tôi lại xin phép thầy đi tìm nơi khác. Sáng hôm sau, tôi đến sớm đón thầy và cả lớp đưa đến địa điểm đã tìm được. Thầy rất ưng ý. Đó là lần đầu tiên tôi đi vẽ trực họa. Và cũng lần đầu tiên, tôi đã hoàn thành một bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, được thầy cho tám điểm với một lời phê rất ngắn gọn: Tốt!

Hết năm học, tôi xin phép thầy cho nghỉ. Thầy trầm ngâm một lát rồi gật đầu. Hôm chia tay với tôi, thầy đã ân cần căn dặn tôi rất nhiều điều. Nhưng có một câu nói đã khiến tôi luôn ghi lòng tạc dạ, đó là: “Người nghệ sĩ phải hết sức trung thực với chính bản thân mình trong cảm xúc!”. Sau này, khi đã trở thành một người nghệ sĩ, tôi mới hiểu hết được hàm ý câu nói của thầy. Nếu người nghệ sĩ để cảm xúc lừa phỉnh chính bản thân mình thì mọi tác phẩm của anh sẽ không bao giờ trong sáng được!

Trở về nhà, tôi tiếp tục miệt mài với công việc màu sắc, cọ vẽ và bảng pha màu. Những câu nói bất hủ học được từ thầy đã giúp tôi rất nhiều điều. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc rèn luyện ý chí của mình trong lao động và từng bước đi trên đường đời. Tôi trở thành họa sĩ, và sau này còn thành danh tiếp trên con đường văn chương. Nhưng ở môi trường nào cũng vậy, tôi vẫn mãi mãi không bao giờ quên được ký ức về một người thầy, một tấm gương sáng chói, một mùa xuân vĩnh cửu, một họa sĩ tài ba đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật hội họa: Thầy Phạm Viết Song!

Thế Đức
.
.