Họa sĩ Vi Kiến Thành: “Ôsin” của giới mỹ thuật Việt

Thứ Năm, 20/12/2018, 09:43
Một bất ngờ thú vị với giới mỹ thuật là vào những ngày đông lạnh cuối năm này, họa sĩ Vi Kiến Thành xuất hiện không phải ở cương vị nhà quản lý - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam với những vụ việc (thường là "nóng"), mà ở tư cách tác giả trong triển lãm có tên gọi nhiều phảng phất, dư ba: KHOẢNG LẶNG.


Họa sĩ Vi Kiến Thành sinh năm 1963 tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ thuật. Cha ông, họa sĩ Vi Kiến Minh từng là Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; sau làm Phó Giám đốc NXB Văn hóa.

Anh trai là đạo diễn Vi Kiến Hòa, chuyên về đề tài miền núi với các tác phẩm gây chú ý một thời, như phim tài liệu "Người Mông và cây súng kíp"; phim truyện "Thổ cẩm". Cháu gái là nhà thơ Vi Thùy Linh nổi tiếng cá tính, tài hoa…

Từ khi còn rất nhỏ (năm 1965), ông đã theo gia đình sơ tán lên Thái Nguyên. Mới học lớp 2, ông đã bắt đầu vẽ, vừa học phổ thông vừa theo học Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc nơi cha giảng dạy. Mãi đến khi hết cấp III, Vi Kiến Thành mới về Hà Nội học đại học.

Môi trường đậm chất văn nghệ nơi mảnh đất Thái Nguyên (sống ở khu tập thể Sở Văn hóa Việt Bắc cùng những nghệ sĩ tên tuổi một thời như cha con nhạc sĩ, họa sĩ Tuấn Long, Tuấn Vinh; họa sĩ Sĩ Tốt…) đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ và ảnh hưởng đậm nét đến sáng tác của ông, với đặc trưng nổi bật là mạnh về "bản năng màu", hòa sắc tốt; như một món quà mà thiên nhiên núi rừng Việt Bắc ban tặng.

Vi Kiến Thành theo học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (khoa Thiết kế mỹ thuật). Song, nhận thấy thiết kế sân khấu là công việc phải phụ thuộc nhiều vào tập thể, thiếu tính độc lập trong sáng tạo, sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục theo học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khoa Đồ họa), quyết tâm theo đuổi niềm đam mê hội họa.

Tốt nghiệp, ông được nhận về làm việc tại Cục MTNATL. Dường như với Vi Kiến Thành, con đường sự nghiệp luôn "trải thảm" nhẹ nhàng. Song không vì thế mà ông dễ dàng an phận, bằng lòng với những gì sẵn có. Bên cạnh công việc của một chuyên viên, ông chịu khó đi thực tế theo các trại sáng tác, xem triển lãm, viết bài… và không quên vẽ.

Những năm 90 của thế kỷ 20, ông vẽ nhiều và liên tục đoạt giải: Hai giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô các năm 1992, 1997; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995; Bằng danh dự Giải thưởng Mỹ thuật ASEAN năm 1998; Giải Nhì Triển lãm đề tài Dân tộc và miền núi năm 2000… Ông từng tổ chức triển lãm cá nhân năm 1995 tại Hà Nội; tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm chung trong và ngoài nước; có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 2000, bắt đầu làm công tác quản lý, ở cương vị Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, ông không có nhiều thời gian sáng tác như trước; cũng đồng thời "nói không" với các giải thưởng bởi phải thường xuyên ngồi ghế… Hội đồng nghệ thuật.

Đó là trách nhiệm, sự cống hiến cho ngành mỹ thuật; cũng là một thiệt thòi, "hy sinh" của người nghệ sĩ. Cũng bắt đầu từ đó, một "quan chức" văn nghệ với nhiều việc làm và ý tưởng đột phá đã góp phần đem đến những thay đổi tích cực cho mỹ thuật nước nhà. Nhưng, dẫu bận rộn nhiều khi đến ngộp thở vì công việc, ông vẫn không ngừng thầm lặng vẽ…

Vi Kiến Thành vẽ nhiều về đề tài miền núi. Cuộc sống, con người và cảnh sắc vùng cao trong tranh ông nguyên sơ, trong lành. Đó là hình ảnh hai vợ chồng líu ríu theo sau đuôi ngựa một buổi sớm mù sương trong "Quản Bạ, Hà Giang" (bột màu); những phụ nữ dân tộc quây quần ấm áp trong "Học thêu" (khắc gỗ, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)…

Đề tài Hà Nội cũng được ông yêu thích, với hình ảnh những chiếc xích lô xếp hàng "ngủ" trên con phố thanh tĩnh trong "Xích lô ngủ" (sơn dầu); khi lạnh buồn một chiều đông vắng vẻ với dáng ai bé nhỏ cô đơn trên phố dài trong "Phố" (sơn mài). Những loài vật, hoa lá hiền hòa dễ thương như mèo, hoa sen… cũng là hình ảnh thường gặp trong tranh ông, hàm chứa triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc, gửi gắm khát vọng về cái đẹp và hạnh phúc, bình yên.

Một đôi lần, trong những câu chuyện về triền miên công việc, về những vụ việc "nóng" buộc phải xuất hiện, lên tiếng trước dư luận, họa sĩ Vi Kiến Thành nửa vui, nửa buồn tự giễu: "Tôi chỉ là Ôsin của giới mỹ thuật mà thôi!". Điều đó cũng chẳng sai.

Nhìn lại, thấy ông có một bề dày đáng kể trong hoạt động quản lý ngành mỹ thuật, khi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam 3 khóa (2004-2019), Phó Chủ tịch Hội hai khóa (2009-2019); từng có thời gian làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Gần 20 năm trong vai trò quản lý, đặc biệt ở cương vị Cục trưởng Cục MTNATL (từ năm 2010 đến nay), ông để lại dấu ấn đậm nét, góp phần tạo những bước chuyển, thay đổi tích cực cho mỹ thuật nước nhà.

Có thể thấy, gần 10 năm ông làm Cục trưởng là giai đoạn Cục MTNATL xây dựng được nhiều văn bản quản lý nhà nước quan trọng: 3 Nghị định được Chính phủ ban hành về các lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Năm 2013, hoàn thành "Quy hoạch xây dựng và phát triển Mỹ thuật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Nhiều Festival, triển lãm chuyên đề được Cục đứng ra tổ chức, đưa vào nề nếp như Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc; Triển lãm tranh đồ họa ASEAN; Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ… Đặc biệt, năm 2016, Triển lãm "Mở cửa" như một công trình tổng kết mỹ thuật Việt Nam 30 năm đổi mới (1986-2016) được dư luận chú ý.

Năm 2016, Vi Kiến Thành là người trực tiếp xây dựng và viết dự thảo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL góp phần dấy lên phong trào loại bỏ linh vật ngoại lai khỏi di tích, đình chùa; sử dụng linh vật thuần Việt bảo đảm thuần phong mỹ tục. 10 năm qua cũng là giai đoạn hoạt động xây dựng các công trình tượng đài dần đi vào nề nếp, được xiết chặt về số lượng, nâng cao về chất lượng…

Một số tác phẩm tại triển lãm hội họa  "Khoảng lặng" của 3 họa sĩ Phạm Luận, Vi Kiến Thành và Hoàng Phượng Vỹ.

Năm 2018 này là một năm nhiều dấu ấn đáng nhớ, khi lần đầu tiên Triển lãm ảnh nude nghệ thuật ra mắt công chúng, là sự cởi bỏ một nút thắt trong hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh; Triển lãm tranh biếm họa "Phòng, chống tham nhũng" nhận được sự đánh giá tích cực từ dư luận. Và tháng 12, tháng cuối cùng của năm, liên tiếp những niềm vui không nhỏ: Quốc hội nhất trí ban hành Nghị định Triển lãm; chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đi vào hoạt động với sự tham gia, hỗ trợ của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

Và một niềm vui bình dị nữa, với riêng người họa sĩ… là KHOẢNG LẶNG. Triển lãm chung của Vi Kiến Thành với Phạm Luận và Hoàng Phượng Vỹ. Ở đó, 12 tác phẩm sơn mài ông âm thầm gọt giũa như chắt chiu những tâm tư, xúc cảm dồn nén về cuộc sống và cái đẹp. Phong cách ấn tượng - biểu hiện cùng khám phá về hòa sắc đem đến cho những bức tranh vẻ đẹp quen thuộc mà độc đáo.

Bên cạnh "Học thêu" (được làm lại bằng chất liệu sơn mài), các tác phẩm "Phố", "Hoa sen và Mèo", "Cầu Thê Húc"… thực sự gây ấn tượng về bố cục và màu sắc. Sơn mài của ông, như họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận diện, "đang khẽ khàng gọi ra một thổ ngữ riêng, ấm áp và lay động những khát khao đi tìm Đẹp của bất kỳ ai ở mọi miền đất nước".

*

Vẫn thấy Vi Kiến Thành mỗi sớm, chiều lặng lẽ từng vòng xe đạp trên con đường từ nhà đến cơ quan, bất kể trời mưa, nắng. Thấy ông lành hiền mà không kém rộn ràng cùng bạn bè nghệ sĩ bên chén rượu, trong những cuộc vui. Lại mạnh mẽ và tận cùng mọi nhẽ trên "ghế nóng" báo chí, truyền hình về những vụ việc: tranh giả tranh nhái, tượng đài gãy đổ, linh vật ngoại lai…

Ở ông, dường như có nhiều con người trong một con người để đảm đương những "gánh cực" của ngành mỹ thuật. Và sau những tất bật tròn vai Ôsin, lại lắng đọng vẹn nguyên một tâm hồn nghệ sĩ cùng KHOẢNG LẶNG riêng mình.

Từ ngày 23 đến 29-12, Triển lãm KHOẢNG LẶNG diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm mỹ thuật 29 Hàng Bài, Hà Nội, là cuộc hội ngộ thú vị của ba gương mặt họa sĩ tên tuổi: Phạm Luận, Vi Kiến Thành, Hoàng Phượng Vỹ. Một Phạm Luận của những bức sơn dầu về phố Hà Nội sáng bừng nắng gió; một Vi Kiến Thành điềm đạm trong hòa sắc sơn mài mới lạ, dồn nén xúc cảm và tinh tế biểu đạt; một Hoàng Phượng Vỹ điêu luyện với bảng màu sơn dầu trong trẻo theo trường phái ngây thơ. "Ba ông Tam đa đương đại tam tấu trong những KHOẢNG LẶNG của tâm hồn nhau" (theo Lương Xuân Đoàn), góp phần đem đến một không gian độc đáo nhiều dẫn dụ cho cả những "thực khách" lâu nay đã từng thưởng quá nhiều "đại tiệc" nghệ thuật…
Phương Phương
.
.