Họa sĩ Nguyễn Trường Linh: Mải mê với một cây cầu

Thứ Năm, 10/01/2019, 09:03
Trên đường tìm đến nhà họa sĩ Nguyễn Trường Linh, bức tranh “Hà Nội có cầu Long Biên” của anh cứ chập chờn trước mặt tôi. Hình tượng cây cầu có bố cục mới lạ, qua những góc cạnh lập thể, với sắc xanh kỳ ảo được bừng lên trong luồng sáng mạnh ở giữa.


Có lần anh nói cây cầu Long Biên là cả một thế giới tuổi thơ của mình. Và, câu chuyện giữa chúng tôi tại xưởng vẽ của anh ở Tân Mai cũng bắt đầu về cây cầu cổ tích này.

Đập đi làm lại

Có thể nói, trong một thời gian khá dài, cây cầu Long Biên như một nỗi ám ảnh ngày đêm, tạo nên mạch nguồn sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Trường Linh. Bởi lẽ anh đã gắn bó với cây cầu này khi gia đình còn ở phố Cầu Gỗ. Học vẽ từ năm 7 tuổi, những nét chì đầu tiên hiện lên những gióng sắt như rồng bay trên cây cầu. Những màu sắc sơ khai là màu nâu xám, vương chút rỉ vàng, dưới vòm cầu vút cao thành mái nhà cổ kính huyền diệu.

Nguyễn Trường Linh lớn lên trong ký ức đó. Theo đuổi 10 năm học vẽ ở Cung Văn hóa Thiếu nhi, rồi lại tiếp tục gần 10 năm theo học Cao đẳng và Đại học Mỹ thuật (tốt nghiệp năm 1997). Sau đó họa sĩ Nguyễn Trường Linh được phân về dạy ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Suốt những năm tháng “dùi mài luyện bút” ấy, âm thanh của những nhịp cầu Long Biên cùng tiếng đoàn tàu rầm rập đi qua luôn vang lên trong ký ức anh.

Từ đó, Nguyễn Trường Linh bắt đầu lang thang tìm đến những thân phận dưới gầm cầu, để hiểu có một đời sống khác dưới cây cầu bên sông Hồng. Những vòm cầu vút lên trời cao kia đã ẩn giấu biết bao những sắc màu thâm trầm phía dưới. Sống và hòa mình vào cát bụi dưới gầm cầu, Nguyễn Trường Linh bắt đầu sáng tác. Đó là những con phố Hà Nội và những cây cầu hiện lên trong một thế giới khác, nhân ái và sẻ chia.

Anh chợt nhớ đến chuyện đã xảy ra khi vẽ bức “Phố gầm cầu”, với những nỗi niềm khắc khoải nhất, bởi nó kéo dài ba tháng mới xong. Vậy mà khi nhờ thầy giáo Đoàn Văn Nguyên, người đã dạy mình trong trường Mỹ thuật xem và góp ý kiến, ngỡ như sẽ là một lời khen hay hưởng ứng tâm đắc, không ngờ Nguyễn Trường Linh đã bị dội gáo nước lạnh khi thầy giáo hỏi, có dám phá nó đi và làm lại từ đầu không. Nói đến phá một bức tranh sơn mài tựa như phá một ngôi nhà vậy, biết bao công sức mài vẽ trong gần một trăm ngày qua. Vậy mà phải phá nó đi ư?

Thầy nói cần phải đơn giản hơn, trầm lắng hơn chứ không xô bồ, rối mắt. Đẹp đấy nhưng tức tưởi với sắc màu, rối loạn trong cảm xúc, cần phải lắng đọng hơn. Nửa tháng sau, Nguyễn Trường Linh vẫn giữ những chỗ mình thích thú, chỉ phá những chỗ khác trong bức tranh. Lại đem đến nhờ thầy nhận xét. Lần này ông thầy còn quát lên: “Đồ hèn, cần phải xóa đi làm lại từ đầu. Một ngôi nhà đã nát thì chắp vá kiểu gì rồi cũng sập đổ. Hãy dũng cảm làm lại từ đầu”.

Quả đó cần tới một bản lĩnh. Sơn mài là một hành trình “khổ sai”. Lại những đêm mài, đắp sơn vẽ lại bằng mồ hôi và nước mắt. Nguyễn Trường Linh trưởng thành từ đó. Thật linh nghiệm, sau này tác phẩm “Phố gầm cầu” của anh đã đoạt giải Nhất (2009) về đề tài kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Có thể nói, hiện chưa ai vẽ cầu Long Biên được nhiều như họa sĩ Nguyễn Trường Linh. Anh có tới 30 tác phẩm cả sơn mài lẫn sơn dầu về cây cầu này. Họa sĩ đã miệt mài theo dõi cuộc sống của cây cầu và vẽ nó trong suốt hàng chục năm qua. Đến nỗi, nói đến anh là ai cũng nghĩ tới cầu Long Biên, với những con phố và thân phận của những con người sống dưới gầm cầu.

Đặc biệt tác phẩm “Hà Nội có cầu Long Biên” đoạt Huy chương Vàng Triển lãm toàn quốc 5 năm (2005-2010), được coi là đỉnh cao trong nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Trường Linh. Tác phẩm đã được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc về sử dụng chất liệu và ngôn ngữ trừu tượng trong tranh sơn mài. Vậy mà họa sĩ đã phải bán nó đi để lấy tiền cưới vợ (2011). Bán đi dù có tiếc mấy nhưng bức tranh đã đem lại hạnh phúc cho anh. Đồng thời tác phẩm đã đem lại sự kích thích sáng tạo mới trong sự nghiệp hội họa của Nguyễn Trường Linh. 

Những thân phận người

Đó là cuộc sống được mô tả phía sau những mảng đề tài mà Nguyễn Trường Linh quan tâm đến. Phía dưới cây cầu là những thân phận con người. Những người phụ nữ lao động vất vả bến sông, kẻ chợ. Đó là những em bé đánh giày cùng với bà bán nước chè chén. Hoặc đó còn là những thợ thuyền lênh đênh sông nước…

Nguyễn Trường Linh đã xúc động với những con người cần lao và đó chính là một góc Hà Nội trong anh. Nồng ấm và sẻ chia. Đặc biệt với hình ảnh người phụ nữ Hà Nội, bao giờ họ cũng hiện diện gắn với ý tưởng sáng tạo trong tranh Nguyễn Trường Linh.

Anh luôn luôn khám phá phía sau nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ là cõi tâm trạng của số phận. Đây đó người phụ nữ lại hiện về trong tranh như trong câu chuyện cổ “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, “Chiếc bóng oan khiên”, “Giấc mơ nàng Kiều” (I, II, III), “Vọng phu”… Họ còn là mẫu hình, trong cả những đề tài lịch sử   mà Nguyễn Trường Linh luôn luôn gửi gắm. Ta có thể thấy bóng dáng người con gái mạnh mẽ, gợi cảm trong “Trần gian”, “Đẻ đất đẻ nước”, “Đêm hội Long Trì”, “Thăng Long”…

Tranh sơn mài “Hà Nội có Cầu Long Biên” của Nguyễn Trường Linh.

Đặc biệt, trong những đề tài mang yếu tố tâm linh, người phụ nữ lại càng huyền ảo hơn, nặng trĩu tâm tư như “Thập diện”, “Địa ngục không có quỷ dữ”, “Vũ điệu lên đồng”, “Thiện - Ác”… Ở đây hình ảnh người phụ nữ được coi là trung tâm, thả hồn trong bức tranh, tạo nên màu sắc ấm áp. Đó cũng là cái khó thể hiện trong nghệ thuật tranh sơn mài.

Hình tượng trong sự hòa sắc của tranh trừu tượng vốn đã nằm sẵn trong nghệ thuật sơn mài, đem lại cảm xúc yên bình và lắng đọng trong tâm cảm người xem. Ngỡ như khó nhận biết nhưng lại thấy thân quen. Tưởng như khuất lấp mà lại hiển hiện trước mắt.

Chính vì thế có người nói, khi xem tranh của Nguyễn Trường Linh, hãy cứ hồn nhiên như trẻ thơ, không cần phải nghĩ ngợi gì. Còn lại là sự lắng đọng của sắc màu, sự mờ ảo của bóng dáng, và nhịp điệu tâm hồn tác giả đem lại cho người xem. Ta có thể nhận ra hơi thở sắc màu nồng nàn qua các tác phẩm “Những cô nàng”, “Bướm đêm”, “Khúc lãng du”, “Mùa thu cho em”… đặc biệt là “Thiên Thai”. Đó chính là giai điệu màu xanh huyền ảo, thấm đẫm phong cách nghệ thuật sơn mài Nguyễn Trường Linh. Với sắc xanh tím trong tranh tạo nên ảo giác trong nhịp điệu dịu dàng và mơ mộng. Nghệ thuật “chơi” màu “LAM” của anh còn được thể hiện ở các sắc độ khác nhau trong các bức “Thời gian”, “Lối nhỏ trên đại ngàn”, “Chuyện tình Cổ Loa” hay “Thiện - Ác”, “Thung lũng mây”, “Hà Nội có cầu Long Biên”… Bởi ai cũng biết, trong tranh sơn mài, các màu như xanh lam, xanh chàm, xanh tím là rất khó vẽ.

Và, bức “Thiên Thai” đã làm nên hiệu ứng xanh đầy bí ẩn đối với người xem. Giai điệu “Thiên thai” của cố nhạc sĩ Văn Cao như hòa điệu trong bức tranh, với “Ánh trăng xanh mơ tàn thành suối trần gian…”. Những vòm cây lay động với vũ điệu “người” trong tâm cảm về một cõi mơ một cuộc tình. Sắc xanh tím đó là tâm cảm mộng mị thầm kín làm day dứt trái tim của người nghệ sĩ. Xem tranh của Nguyễn Trường Linh mà thấy chất thơ lay động lòng người.

Mãi mãi tuổi thơ tôi - Hà Nội

Đến nay, họa sĩ Nguyễn Trường Linh đã trải qua hơn 20 năm dấn thân vào dòng tranh sơn mài, đoạt 13 giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Tranh của anh đã được vang danh ở nước ngoài, nhất là thị trường Đài Loan. Ở đó tranh sơn mài của anh có sức hút mạnh mẽ. Sắp tới anh còn được mời sang giảng dạy hội họa và tranh sơn mài.

Bốn năm qua ở trong nước, họa sĩ Nguyễn Trường Linh đã tham gia giảng dạy cho hàng trăm trẻ em nghèo tại các địa phương như Hà Giang, Quảng Ninh, một số tỉnh Tây Nguyên… theo dự án từ thiện MSC, Muantian Star.

Đến với các em, anh như được sống lại với chính tuổi thơ của mình, cùng góc phố cây cầu, con sông trên mảnh đất Thủ đô. Anh bộc bạch, con đường sáng tạo trong tương lai, Hà Nội vẫn còn nhiều ấp ủ trong tâm hồn mình.

Với mảnh đất ngàn năm văn hiến, Nguyễn Trường Linh coi như hành trình mới bắt đầu, bởi trong anh vẫn còn đó một Hà Nội đầy khát khao sáng tạo. Những bản hòa tấu “Khúc lãng du”, hay “Mùa thu cho em” và “Phố gầm cầu” mới vẫn đang chờ đợi phía trước, với cảm xúc không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn anh.

Bội Kỳ
.
.