Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan : Vẫy vùng trong "dải hẹp của bầu trời"

Thứ Năm, 15/11/2018, 09:04
Được bạn bè quốc tế và các nhà phê bình đánh giá cao vì sự sáng tạo mới mẻ, hiện đại, nhưng ít ai biết, để làm nên thành công đó, Nguyễn Ngọc Đan từng một mình đối mặt với căn bệnh trầm cảm trong một thời gian rất dài. Từ năm 2011 đến năm 2014 là khoảng thời gian u tối nhất của chị...


Những chiếc lồng chim lơ lửng trên không trung, giăng mắc vào trời, hư hư thực thực. Những dải trời chật chội, băm vằm bởi muôn vàn bức tường, mái tôn chồng chéo lên nhau. Nhưng toàn bức tranh lại là gam màu rực rỡ, tươi vui. Để trong không gian tưởng như ngột ngạt ấy, con người vẫn thấy đáng sống, hướng lên mảnh trời nhỏ hẹp trước mắt mà vượt thoát lòng mình.

Được bạn bè quốc tế và các nhà phê bình đánh giá cao vì sự sáng tạo mới mẻ, hiện đại, nhưng ít ai biết, để làm nên thành công đó, Nguyễn Ngọc Đan từng một mình đối mặt với căn bệnh trầm cảm trong một thời gian rất dài. Từ năm 2011 đến năm 2014 là khoảng thời gian u tối nhất của chị.

9 năm sống tại xứ sở Bạch Dương, về lại quê hương, Đan như người bước hẫng. Chị xa lạ và căng thẳng với cuộc sống mới, loay hoay tìm cách hòa nhập trở lại với môi trường sống ở TP Hồ Chí Minh. Ba năm trời, chị nhốt mình trong nhà, không muốn đi đâu, tiếp xúc với ai.

Tháng ngày giam cầm trong căn phòng, chị giở lại mảnh canvas, cầm lại cây cọ để tự tình hỗn độn. Trên những gam màu lạnh, tối đến giá buốt, mịt mờ như xanh, xám, trắng…, một cô gái nhạt nhòa dung nhan, nhạt nhòa y phục ủ rũ nhốt mình trong bốn bức tường bức bối. Cô lạc lõng giữa tiện nghi đời sống hiện đại. Cô như khỏa thân, khỏa thân cả tâm hồn mình - một tâm hồn rỗng. Quanh cô, mọi thứ đảo lộn hoặc chết mòn sức sống.

Tác phẩm "Đợi chờ" là loạt dấu hỏi về ngày mai. "Lên và xuống" là là nỗi sợ hãi khi nhận thức những đổi thay của thời cuộc, của thế gian. Bức "Đường về" họa một cô gái đứng bên cây khô. Trước mắt cô, không gian mênh mông kia chẳng biết là dòng sông, là con đường hay đồng cỏ…Tất cả xa xăm, vô định như chính Đan lúc ấy.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan.

Thẳng thắn đối diện nội tâm mình trước màn toan, bao chất chứa, ẩn uất trong lòng chị dần được họa sắc làm vơi đi. Đan mở trung tâm giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi và tìm thấy niềm vui trong những ánh mắt bé thơ. Ý nghĩa sự sống nảy mầm trở lại.

Tranh Đan thoát ra khỏi không gian tĩnh mịch, bức bối để cho ra những bức vẽ trong veo, tươi sáng. Series tranh thứ hai mang tên "Sự sống mong manh" họa những bình thủy tinh cắm đóa hoa bốn mùa với cách tạo hình hiện đại. Này là thạch thảo, cúc, cát tường, này là cúc họa mi, đồng tiền… Đơn giản là tranh tĩnh vật nhưng nó gợi một vẻ đẹp như có như không, mong manh như phút hoa nở, như lọ thủy tinh trong suốt đón nắng mai. Hoa đứng chênh vênh trên bàn, bên bậu cửa sổ. Nếu chỉ lỡ tay chút thôi, lọ sẽ vỡ tan thành. Đời người có khác gì lọ hoa kia. Nhưng con người vẫn mạnh mẽ sống, vẫn kiêu hãnh bên vực chênh vênh mà khoe sức nhựa căng tràn, khe khẽ đón bình yên.

Xem loạt tranh này, nhà nghiên cứu hội họa Nguyễn Trọng Chức không tiếc lời khen ngợi: "Cái bảng màu ở các bức tĩnh vật của Nguyễn Ngọc Đan tôi chưa thấy ở đâu cả: những mảng màu riêng biệt và những hòa sắc nhuần nhị không cố tìm cách gây ấn tượng tức thì nơi người xem mà cứ thong thả chạm vào phần hồn của họ, tựa như những giai điệu một khúc nhạc nào đó thật thân quen chợt ngân lên rộn rã…

Tôi đã ở một mình trong phòng tranh ấy khá lâu, ngắm nhìn từng bức tranh rồi mới tìm thông tin về tác giả, để rồi hiểu được vì sao tranh của cô có được sự chắc tay về kỹ thuật và thủ pháp hội họa như vậy khi diễn đạt những cảm xúc sâu lắng qua tranh tĩnh vật".

Đan yêu phong cách biểu hiện, phong cách giúp chị bung tỏa cảm xúc của qua hình khối, sắc màu mà không giấu giếm. Hồi vẽ những bức tranh trong cơn trầm cảm, chị chọn trường phái ấy để giải thoát mình. Nhưng chị biết cách để từng bước chậm rãi trải cảm xúc trên tranh, lắng lại để ngẫm, để ngợi. "Trước đó, tôi cũng vẽ phong cảnh theo bút pháp hiện thực. Nhưng rồi tôi thấy mình hợp với biểu hiện, bởi ở đó tôi mới thật sự vẽ cái mình cảm chứ không phải cái mình thấy" - Đan cho hay.

Và năm 2017, khi vẽ tiếp series "Dải hẹp của bầu trời", Đan để cho khát vọng tự do mà mình kìm nén bao lâu nay được sổ lồng. Biểu tượng của loạt tranh này là chiếc lồng chim và khoảng trời chật hẹp. Những chiếc lồng sặc sỡ, có cái nhốt chim, có cái rỗng không.

Những chiếc lồng hiện hữu giữa khoảnh trời, góc tường hoặc khoảng sân rực sáng được sắp xếp và họa sắc phi thực. 12 bức là 12 không gian khác nhau nhưng tựu chung đó là cảnh phố phường, một phố phường vắng bóng con người mà chỉ có khóm cây, bức tường, lồng chim, chú mèo và bầu trời...

Bằng những hình mảng chắt lọc, bút pháp biến hóa, kết hợp cọ, bay với chất sơn chỗ dày đặc, chỗ mềm mịn, cùng những mảng màu trong veo đặc trưng, họa sĩ  gợi những suy tưởng và ẩn dụ về cuộc sống con người.

Một số tác phẩm trong series "Dải hẹp của bầu trời" của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan.

Ngày mới về Việt Nam, chị choáng ngợp trước góc phố đông đúc, người xe nườm nượp và lô xô mái nhà, dây điện chằng chịt. Bầu trời trở nên bé xíu, nát vụn. hắt chút ánh sáng yếu ớt vào bờ tường. Ai đó ví von, sống ở thành phố, con người ta chỉ đơn giản là di chuyển từ cái hộp này sang cái hộp khác. Với Đan, cái hộp ấy khác nào lồng chim.Vẽ những chiếc lồng không có con chim nào, chị ví đó là tự do.

Trong một vài bức, có hình những chú chim đang bay lượn trên bầu trời, đậu trên chiếc lồng mà vui hát đời tung cánh. Chị ước ao thế. Nhưng Đan tự nhận mình vẫn đang vẫy vùng giữa đời sống chật chội hỗn độn này, vẫn đang tìm cách thoát ra khỏi chiếc lồng vô hình để tung cánh trên bầu trời vời vợi. Bầu trời khi ấy dẫu chỉ là một dải hẹp nhưng cũng đủ để chú chim vốn thuộc về tự do tìm lại chính mình. Những gam màu nóng được Đan đặt cạnh nhau nhưng sắp xếp đậm nhạt tinh tế để không gây nhức nhối.

Tất cả bức tranh như lời tự sự của chị trong 7 năm trời được tập hợp tại triển lãm "Dải hẹp của bầu trời" diễn ra đầu tháng 11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Họa sĩ Ngô Đồng cho rằng xem tranh Nguyễn Ngọc Đan chẳng thể đứng quá gần, giống như chúng ta không thể đứng quá gần để nhìn ngắm một cái gì quá rộng. Đơn giản vì tranh Đan là thế, mênh mông.

"Dường như cô gái năng động này chỉ có thể tìm thấy mình ở những không gian rộng lớn, phảng phất ưu tư nhưng chứa đựng nhiều ước vọng cao xa, bạn ấy chắc sẽ thấy khổ sở lắm nếu chẳng may lạc vào các chi tiết li ti chật chội. Đan hay vẽ lồng chim và cửa sổ. Những chiếc lồng treo, nhưng treo là treo vào khoảng không vô định có có không không, lồng nhưng là thứ để chia sẻ với tự do, để nhắc nhở người ta tự do sung sướng quý giá đến chừng nào, thậm chí còn là nơi ấm áp đi về vui vẻ, hơn là sự giam nhốt mà người ta thường mặc định cho chúng.

Cửa sổ thì hẳn hoi như thể để nhìn mà cũng như để khi cần, khép lại, với bên trong nhiều thứ vẫn đang muốn giãi bày. Tất cả tạo nên trong thế giới tranh Đan vẻ bí ẩn siêu thực rất lạ" - họa sĩ Ngô Đồng nhận xét.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan thuộc thế hệ 8X, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc Học viện hàn lâm Quốc gia Mỹ thuật Surikov, Nga năm 2005. Chị có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều năm qua, chị được giới họa sĩ trẻ TP Hồ Chí Minh xem như thủ lĩnh đưa tranh Việt ra thế giới bởi những hoạt động không ngừng nghỉ khi tổ chức, kết nối đưa các đoàn họa sĩ trẻ đi triển lãm tranh, trại sáng tác tranh ở nhiều nước, bao gồm: Yogyakarta - Saigon (TP Hồ Chí Minh, 2015), Jogja - Saigon (Indonesia, 2015), hội chợ nghệ thuật "Art Mart Khajuraho International 2016" (Ấn Độ, 2016), Đối thoại đương đại (Hà Nội, 2016), Doyenne (Ấn Độ, 2017), Indonesia Vietnam 2nd Fine Art Exhibition (Indonesia, 2017), Hội tụ Hội An (Hội An, Đà Nẵng, 2017), Abstract Party (Indonesia, 2018)…
Mai Quỳnh Nga
.
.