Ấn tượng đọc “Đối thoại cùng người nổi tiếng” của nhà văn Nguyễn Hồng Thái, NXB Văn học, 2018

Viết bằng trải nghiệm văn hóa...

Thứ Sáu, 07/06/2019, 07:50
Viết bằng trải nghiệm sống (“sống đã rồi hãy viết”) thuộc về những cây bút già dặn trường đời. Nhưng viết bằng trải nghiệm văn hóa thì không phải người cầm bút nào cũng đạt tới trong nghiệp chữ.


Theo sát lộ trình viết của nhà văn Nguyễn Hồng Thái một phần tư thế kỷ qua, tôi nhận thấy anh là người không chỉ chỉn chu về chữ nghĩa, hơn thế cháy hết mình trong lao động nghệ thuật, luôn phấn đấu để ngòi bút “chạm” đến được những vỉa tầng sâu nhất của đời sống xã hội, con người...

Đối thoại với những người nổi tiếng để nhìn ở tầm... cao, xa

Trong số 30 bài in trong sách, có 4 bài viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh (“Bác Hồ qua lời kể của Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe về những câu chuyện ngày đầu thành lập nước”, “Bên mộ bà Hoàng Thị Loan, nghe chuyện về thân mẫu Bác Hồ”, “Chuyện nhà văn Sơn Tùng gặp người chị ruột Bác Hồ ở làng Sen”, “Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người anh ruột ở Hà Nội”). Hồ Chí Minh là vĩ nhân, danh nhân văn hóa, Anh hùng giải phóng dân tộc.

Ở đây, cách viết của Nguyễn Hồng Thái có ưu trội là tránh được cái nhìn “kính nhi viễn chi”, hay chiêm bái. Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc trong công trình “Bản sắc văn hóa Việt Nam” đã khẳng định, văn hóa Việt Nam kết tinh trong văn hóa Hồ Chí Minh. Nhà thơ Nga hiện đại O. Mandenstam thì ca tụng, Hồ Chí Minh là biểu tượng của văn hóa tương lai.

Tiếp cận lãnh tụ, nếu người viết chỉ huy động/dựa vào vốn sống trực tiếp, trong trường hợp này là thất bại hoàn toàn (vì lẽ anh ta chưa bao giờ được gần Bác Hồ trong không gian và thời gian). Như người ta nói, nhà văn cần cả vốn sống gián tiếp khi viết. Đọc 4 bài viết đầu sách, riêng tôi thấy, Nguyễn Hồng Thái đã tỏ ra “khôn ngoan” khi tựa vào nguồn tư liệu sống đáng tin cậy của những nhân vật là người trong cuộc (Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, nhà văn Sơn Tùng).

Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Hồng Thái.

Riêng tôi tâm đắc với ý tứ mà nhà văn “cài” vào được từng câu chữ, đó là tinh thần đoàn kết dân tộc, trọng dụng hiền tài để mưu cầu lợi ích chung (dĩ công vi thượng), do đó phát huy được nhân tài, vật lực cho cuộc đấu tranh cách mạng dài lâu và gian khổ vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Liên hệ tới tình hình đất nước hiện nay sẽ thấy những bài học để đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào (có khi “ngàn cân treo sợi tóc”), nếu chúng ta bị chia rẽ thì ắt chuốc lấy thất bại. Chỉ có “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

Đối thoại với những người nổi tiếng ở tầm...gần

Nhưng thế mạnh của Nguyễn Hồng Thái, theo tôi, ở 25 bài còn lại trong sách, là tiếp cận được những người nổi tiếng ở tầm ...gần. Nghề báo đã cho anh nhiều cơ hội được tiếp xúc với các tướng lĩnh, nhà khoa học, nghệ sỹ, lương y, nhà giáo.

Tôi nghĩ, có lẽ trước hết và sau cùng anh phải cảm ơn nghề báo (dẫu “làm báo để kiếm sống”, dẫu cho thiên hạ cho đó là “nghề nguy hiểm”, thậm chí là “quyền lực thứ tư”...). Nghề báo giúp anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều, biết nhiều. Nhưng từ biết đến hiểu là một khoảng cách rất xa.

Cũng như từ hiểu đến cảm xúc cao độ để huy động con chữ có hồn, tạo tác thành văn chương lại là chuyện khác. Văn chương từ xưa tới nay chọn người (“chọn mặt gửi vàng”), chứ người không chọn được văn chương. Không có chuyện cố gắng hay quyết tâm để trở thành nhà văn. Tôi thích nhất bài “Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 50 năm giải phóng Điện Biên”.

Tôi không bình luận sâu về bài viết xét theo lượng thông tin có tính truyền thông chính thống. Nói tôi riêng thích bài viết này còn có lý do chủ quan. Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức cho các cựu chiến binh một chuyến đi về nguồn. Tôi không phải là cựu chiến binh nhưng may mắn được “ăn theo” đoàn. Đến Thành phố Điện Biên Phủ đúng dịp lễ lớn, cảnh sắc thật huy hoàng, không khí thật hân hoan.

Năm đó Đại tướng lên Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa. Quân và dân Điện Biên Phủ đón Đại tướng như người ruột thịt từ lâu, từ xa, nay cố hương. Điện Biên Phủ là một “danh từ Việt Nam” trong tâm cảm bạn bè quốc tế, như Hồ Chí Minh gắn với Việt Nam.

Tinh thần chủ động sáng tạo là phẩm chất tuyệt vời của Đại tướng: “Ngày 1/1/1954, trước khi ra mặt trận, tôi lên chào Bác, Bác dặn: “Trận đánh này rất quan trọng, phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Chú ra mặt trận giao cho chú được toàn quyền quyết định”.

Câu chuyện “đánh nhanh thắng nhanh” được Đại tướng chia sẻ: “Tôi thấy đánh nhanh thắng nhanh lúc này là không được”. Giả sử hồi đó ta đánh theo phương châm/ phương án thứ nhất thì chắc chắn xương máu của đồng bào, chiến sỹ sẽ đổ rất nhiều, và đó không phải là “một trận đánh đẹp”. Ai là người hôm qua biết tiếc thương, gìn giữ máu xương đồng bào, đồng chí như Đại tướng? Ai là người biết sinh mệnh là điều quý giá nhất đối với con người như Đại tướng? Nhân Dân anh minh bất diệt có câu trả lời chính xác!

Đọc bài này tôi thích cách tiếp cận thật gần Đại tướng của Nguyễn Hồng Thái: “Tôi tò mò và ngưỡng mộ nhìn đôi bàn tay ông lúc để trên bàn, lúc giơ lên vẽ những đường huyền ảo minh họa thêm cho lời kể của mình mà không phát hiện thấy một điều gì khác biệt nổi trội ở vị Tổng Tư lệnh từng chỉ huy giành thắng lợi của trận Điện Biên Phủ năm xưa, khiến cả thế giới cảm phục. Vẫn là đôi bàn tay mười ngón, gân xanh tuổi già đã hiện lên sau làn da trắng nhạt, mười ngón tay đều và thon, mềm mại mà tôi tin bất cứ nhà chiêm tinh, tướng số nào thuộc loại bậc nhất hành tinh này nhìn và đoán ngay rằng, bàn tay của Võ Nguyên Giáp sinh ra chỉ để cầm bút”.

Đại tướng xứng danh bậc hào kiệt trong thiên hạ, văn võ song toàn. Nhưng hào kiệt hiếm hoi như lá mùa thu, như sao giữa ban ngày hôm nay. Phải rất gần Đại tướng không phải là khoảng cách vật lý mà là sự tri nhận của cả lý trí sắc bén và sự run bật cảm xúc cao độ khi viết, cũng như cách nhà thơ Tố Hữu viết về bàn tay của Bác Hồ cầm ngọn bút chì đỏ “vạch đường đi từng bước từng giờ” cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ.

Dung hòa, nhuần nhuyễn giữa lý trí và cảm xúc khi viết là ưu điểm trong các bài viết “Chuyện nước, chuyện nhà của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình”, “Người thư ký suốt đời bên cạnh Bác Hồ”, “Nhà văn Sơn Tùng, vài điều tôi cảm nhận”, “Nhà thơ Việt Phương - Sống là dâng hiến”, “Nhà thơ Phạm Tiến Duật - ngọn gió ngàn đã lặng,...”.

Nói Nguyễn Hồng Thái viết có lý có tình (tình vẫn ưu trội hơn) còn ở chỗ có những người thật sự không nổi tiếng, nhưng dẫu cho họ lặng lẽ, âm thầm kiến tạo văn chương nước nhà bằng tác phẩm thì chính anh có công phát hiện và dựng bia, dẫu chỉ một lần. Đó là trường hợp “Nhà văn Đào Xuân Tùng - lặng lẽ lưu danh”. Đào Xuân Tùng là đồng tác giả (với Trần Thanh) thiên tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” (xuất bản năm 1960), một cuốn sách hiếm hoi có thể đọc lại hơn một lần vì chiều sâu nhân văn và giá trị nghệ thuật của nó (từ đó đến nay trên văn đàn xuất hiện hàng vạn tiểu thuyết, nhưng số phận của chúng thật bi đát, đa số lập tức bị lãng quên sau khi ra mắt).

Ở đây, ngoài sự công bằng trong đánh giá văn chương, còn là thái độ trân trọng quá khứ, trân trọng đóng góp thầm lặng của những văn nhân chân chính. Tôi gọi đó là phương pháp “khảo cổ học văn chương”. Khảo cổ và chiêu tuyết. Từ Đổi mới (1986) đến nay, chúng ta đang hành động theo phương châm tích cực này trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có văn chương - nghệ thuật ngôn từ.

Viết bằng trải nghiệm văn hóa

Một nền văn chương lớn phải có căn đế văn hóa. Một nhà văn tài năng phải được “cân đo” bằng các giá trị/phẩm tính văn hóa. Văn hoá nhà văn bao gồm nhiều thành tố. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là ứng xử với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Đang có phong trào nhập cảng, sử dụng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Cũng đúng trong một thế giới phẳng, khi trái đất là ngôi nhà chung của thế giới. Nhưng trong lĩnh vực văn chương thì vấn đề không đơn giản.

Nhà văn viết, tôi nghĩ, trước hết là cho gần 100 triệu người Việt Nam đọc. Vì thế anh phải làm chủ và sáng tạo tiếng Việt. Tác phẩm văn chương cung cấp cho công chúng nghệ thuật những thông tin thẩm mỹ.

Nhà văn với trọng trách là những kỹ sư tâm hồn. Tôi muốn nói đến năng lượng mỹ cảm và hàm lượng văn hóa của câu chữ trong văn Nguyễn Hồng Thái, nhà báo không lấn át nhà văn ở Nguyễn Hồng Thái. Tác phẩm của anh rất nhiều thông tin thẩm mỹ (bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một ví dụ). Nói cho cùng cũng có cái căn nguyên của nó. Anh vốn là học sinh chuyên Văn Phan Bội Châu (Nghệ An).

Vào đại học lại học chuyên ngành Ngôn ngữ (khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 23). Tất nhiên anh làm chủ ngôn ngữ về lý thuyết. Nhưng “lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Tôi thấy anh luôn bấu chặt đời sống, viết theo nguyên tắc “nhúng bút vào sự thật”, vì ý thức được sâu sắc sức mạnh của cái đúng.

Phải nói công bằng, “Đối thoại cùng người nổi tiếng” chưa phải đã toàn bích. Tất nhiên. Cổ nhân nói: “Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Đọc xong, ngẫm ngợi, tỉnh trí ra thấy “Đối thoại cùng người nổi tiếng” có cả hoa, có cả nụ đấy chứ.

Hà Nội, tháng 6 – 2019

Bùi Việt Thắng
.
.