Đọc tập thơ “Xanh mãi” của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, NXB Văn học, 2019

Tiếng thơ chân tình, ân nghĩa!

Thứ Sáu, 03/05/2019, 07:58
Tôi đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh đã lâu, từ những bài in trên báo, rồi được chọn in thành tập với những tên giản dị mà gợi, như “Từ những nẻo đường” (2010), “Thao thức dòng đời” (2010), “Nhịp điệu thời gian” (2013)… Hôm nay lại được đọc và ngẫm về “Xanh mãi”, tập thơ vừa xuất bản của anh. 


Tám tập thơ đã xuất bản, đa dạng về đề tài, phong phú về bút pháp, chặt chẽ về cấu tứ, có tính triết lý, lắng đọng…, nhưng vẫn có được cái giọng riêng khó lẫn - đó là giọng chân tình, ân nghĩa. Nó như cái mạch chìm thao thiết ngầm chảy trong hồn thơ nên dù có nói về đề tài nào thì người đọc vẫn nhận ra nét đặc trưng đó. Không biết thế đã đủ khái quát thành phong cách chưa, nhưng có lẽ nói cái riêng của thơ Nguyễn Hồng Vinh thì đấy là điều cần nhấn.

Giọng điệu, nhất là giọng điệu trong thơ được các nhà lý luận văn chương coi đó như yếu tố nền tảng tạo thành tác phẩm. Thiếu giọng hoặc chưa đủ giọng thì chưa thể có thơ hay. Tôi hiểu giọng là của riêng nhà thơ, không phải trời cho cũng chẳng phải đời cho, mà tự anh ta sống với đời thế nào thì có cái giọng thế. Sự trải nghiệm văn hoá (vốn đời, chất đời, tình đời…) nồng nàn như men rượu chưng cất thành thơ. Mỗi loại rượu lại có hương vị riêng. Thơ cũng vậy, hương vị riêng là chất giọng.

Tôi nghiệm ra trong sáng tạo thơ có hai loại tác giả: Có tác giả chủ ý làm thơ, người làm thơ gọi thơ về. Loại thơ này có kỹ thuật, có hệ thống thi pháp hẳn hoi, thi tứ, thi liệu, thi ảnh lớp lang kỳ công, chặt chẽ, có khi điêu luyện. Có tác giả không cố ý làm mà thơ tự đến.

Bìa tập thơ “Xanh mãi” của tác giả Nguyễn Hồng Vinh.

Người ta cứ nói quá lên là thơ “trời cho”, thực ra là do tác giả giàu có vốn sống, đọc nhiều mà có vốn ngôn ngữ dồi dào, cảm hứng thơ chợt đến, thế là cầm bút ghi lại thành thơ. Dĩ nhiên cách phân loại này chỉ là tương đối.

Tôi xếp Nguyễn Hồng Vinh vào loại sau vì thấy anh làm thơ tự nhiên, không tỏ ra kỳ khu sắp xếp câu chữ; vần điệu, giọng điệu cũng tự nhiên, nhưng không hề dễ dãi vì anh làm chủ được cảm xúc, tiết chế được thi liệu, câu chữ để hướng nó thành… thơ. Anh làm thơ bằng cái tâm hơn là sự công phu gọt giũa ngôn từ, nhưng vẫn biểu hiện được tiếng nói trung thành của cảm xúc, những rung động, những nghĩ suy thẩm mỹ…

Thơ Nguyễn Hồng Vinh ân tình với những người thân, bạn bè, anh em, đồng chí… Bài mở đầu tập thơ thành kính tưởng nhớ và tri ân người Cha đã đi xa 35 năm: “Một thời nước trắng đồng chiêm/ Bóng Cha ngả bóng con thuyền nghiêng chao/ Gió đông dồn tụ khóm bèo/ Áo sờn một tấm tong teo thân già/ Chang chang nắng lửa đồng xa/ Oằn lưng cha đẩy, ướt nhoà mồ hôi…” (Cha vẫn còn đây).

Hình ảnh một người cha cùng con thuyền nhỏ như cái bản lề khép mở hai khoảng không gian, thời gian: mùa đông thì “Gió đông dồn tụ khóm bèo”, tức gió mùa đông bắc đang cữ mạnh, mạnh mới dồn được bèo thành khóm, gây trở ngại cho con thuyền chuyển động. Tất nhiên là rét, rét thế mà áo chỉ có “một tấm”. Mùa hạ thì “Chang chang nắng lửa”…

Cách dùng từ thật gợi: “tong teo” (tính từ), “oằn lưng” (động từ) làm bật lên đặc trưng hình tượng: cái tần tảo vất vả lam lũ ăn sâu vào người cha - một nông dân vùng chiêm trũng, từ dáng người đến hoạt động, hành vi. Phải có sự quan sát kỹ và tinh. Nhưng còn cần cái hồn, cái tình, và đây mới là cái chủ yếu. Đó là cái tình thương thẳm sâu đắng đót có phần ân hận của người con!

Thơ hay tạo ra sự ám ảnh không chỉ ở câu chữ, mà chủ yếu ở cái tình! Bài “Xanh mãi” làm tên cho cả tập càng rõ cái giọng ân tình: “Lối nhỏ năm nào/ Đá lao xao/ Cây xoè tán/ Mát ghế công viên/ In hình bóng Em - Anh/ Thời gian như bóng câu/ Đầu cả hai điểm bạc/ Lời ước nguyện năm nào/ Tim vẫn xanh sắc thắm!”. Vừa là kể, vừa là tâm tình, vừa là tái hiện, vừa là tri ân…

Tình yêu giữa họ bắc cầu qua năm tháng, từ “lối nhỏ năm nào” đến nay “Đầu cả hai điểm bạc”. Tri ân kỷ niệm, tri ân thời gian và tri ân “em” đã cùng nhau vượt qua năm tháng với bao khó khăn, gian nan để vun trồng cây tình yêu cho trái ngọt…

Thơ Nguyễn Hồng Vinh hay nói về người lao động bình thường. Anh trân trọng người con gái trồng hoa có “tiếng cười sáng cả chiều đông” (Cúc hoạ mi), một cô gái bán đào “giữa nắng đông phơ phất/ Cô bán đào cười duyên/ Người đẹp, đào càng đẹp/ Sao không mua một cành!?” (Đào Tam Điệp).

Nhà thơ ghi nhận công lao những người lính giữ gìn hoà bình cho đất nước, thẳm sâu bên trong lời thơ là giọng tri ân những người “đứng đầu ngọn sóng”: “Sắc xuân trải rộng/ Đất nước yên bình/ Chủ quyền giữ vững/ Sông núi trường tồn/ Có các anh đầu sóng!” (Giao ban xuân). Anh có chùm bài tri âm đồng cảm cùng các nhà thơ Bằng Việt, Hà Minh Đức, Lê Thành Nghị, Đỗ Phú Nhuận, Hà Cừ, Trần Thế Tuyển… Có thể gọi đây là lối bình “thơ cảm thơ” của những người “cùng một lứa bên trời…”, “đồng thanh tương khí”, đồng ý, đồng chí, đồng tình. Cảm hứng bao trùm là trân trọng giá trị lao động nghệ thuật của các nhà thơ.

Anh nhận thấy Bằng Việt “Vật vã làm mới thơ mình” để có những dòng thơ “Cuộc đời này bao nghĩa nặng, tình sâu/ Như nước sông bồi phù sa bờ bãi/ Thơ anh mượt xanh và rực vàng hoa trái/ Tặng hậu thế này, còn mãi muôn sau” (Say ngắm hoa tường vi).

Anh nhìn thấy vẻ khác lạ của thơ Hà Minh Đức: “Trăng ùa vào thơ anh đắm đuối/ Trăng tròn và trăng khuyết/ Trăng tắt lức nửa đêm/ Rồi lại sáng ban ngày…” (Những trang thơ ngời ngợi ánh trăng)… Nhưng hay, cảm động, mang tính khái quát cao là bài anh viết về nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang. Anh khẳng định, phải có một quá trình lao động miệt mài, bền bỉ, say mê đích thực mới có thể tạo nên thành quả nghệ thuật: “Trước mặt tôi/ Hàng ngàn trang sách/ Chắt ra từ vạn vạn trang đời…”.

Hiểu theo nghĩa này thì chữ “chắt” là rất đắc địa. Còn với riêng Phan Quang đã có: “Những trang phóng sự/ Thổi mát lòng người/ Sinh nở mùa vàng tươi mới”. Bài thơ khép lại bằng những lời thơ nghĩa tình thay lời cảm ơn, biết ơn một nhà văn hoá, một nhân cách (và cả những ai như vậy): “Vượt xa “cổ lai hy”/ Cửu thập niên trường/ Trí tuệ dồi dào/ Tuôn trào bút lực/ Tằm nhả tơ/ Sáng óng từng con chữ/ Ấm nóng/ Tình đời, tình bạn…” (Còn ắp sức xuân).

Nguyễn Hồng Vinh dành nhiều tấm lòng ân nghĩa với các miền quê. Anh thưởng thức vẻ đẹp Hà Nội bằng sự huy động các giác quan cảm nhận cái “chớm thu”: “Đàn sâm cầm Hồ Tây chao nghiêng mỗi sớm (thị giác)/ Đường Bà Triệu sấu rơi (thính giác)/ Cốm làng Vòng toả hương xóm, phố (khứu giác)” (Chớm thu). Anh lên Vị Xuyên để nhớ về ngày đuổi giặc: “Quên sao những ngày nối đêm/ Ù tai đạn cày, pháo dập/ Hang đá như lò vôi nóng/ Đồng đội bao người hy sinh” (Thiêng liêng hoà bình).

Anh đưa bạn đọc trở về ngày bao cấp khó khăn mà ân nghĩa: “Gần 40 năm về trước/ Khu tập thể Nam Đồng/ Xếp hàng lấy nước thâu đêm/ Bữa bữa cơm mỳ cõng gạo/ Mà tiếng cười vẫn trong trẻo vang vang”. Anh ân tình với “Khúc ruột miền Trung” (tên bài thơ) gian khó trăm bề: “Quơ tay là vốc nắng/ Rát bỏng cả thịt da/ Gió Lào nung đất nóng/ Tung cát bụi khắp nhà”.

Ân tình nhớ về ân tình. Miền Trung hôm nay vượt qua cái khắc nghiệt của thiên nhiên để giàu có hơn, và luôn nhớ về những miền quê khác từng chia sẻ: “Nay lúa ngô ngút ngàn/ Kết mồ hôi, sức óc/ Những sẻ chia tình nghĩa/ Từ mọi vùng xa xăm”…

Cái ân tình, ân nghĩa thể hiện đằm sâu trong chùm bài “về nguồn”, anh viết tri ân mảnh đất nơi anh cùng bạn bè đồng nghiệp học tập khi sơ tán thời chiến tranh: “Nhớ bao cái tên thân thương/ Đầm Sủi, Tràng Dương, Trại Chuối/ Lớp học chìm sâu lòng đất/ Đèn dầu thao thức canh khuya”. Thay mặt bạn bè, anh ghi ơn, nhớ ơn nơi nuôi các anh học tập: “Thấm thoắt hơn năm thập niên/ Mái đầu bao người sương tuyết/ Đâu quên một thời oanh liệt/ Giúp ta khôn lớn nên NGƯỜI!”…

Sâu sắc trong ân tình mà nhà thơ bật ra những triết lý đáng ngẫm. Khi qua cầu Long Biên, anh nhớ về cây cầu treo hàng vạn chiếc khoá tình yêu trên sông Đanuýp. Hàng vạn cặp yêu nhau lên cầu khoá vào đó một chiếc khoá biểu trưng cho sự “vĩnh viễn thuộc về nhau”. Nhưng khoá vẫn chỉ là khoá. Liệu có “khoá” được nhau nếu thiếu lòng tin yêu?

Anh đưa ra một cái nhìn mới: “Ngẫm ra thì hạnh phúc/ Khởi nguồn từ tin yêu/ Giữ lửa lòng ấm mãi/ Đâu cần khoá Trái tim?!” (Ngẫu hứng qua cầu). Đúng vậy! Anh triết lý về mỹ học cái riêng trong nghệ thuật: “Sinh thành con chữ, hồn văn/ Nhưng khác biệt không thể là dị biệt” (Suy tư và hiện hữu).

Cũng rất đúng! Nhưng có triết lý mang tính chân lý lịch sử thì không dành cho riêng ai, bởi nó mang tính phổ quát: “Lịch sử bao phen sống chết/ Ba lần đánh thắng Nguyên Mông/ Ba lần Chiêm Thành uy hiếp/ Thành – bại từ người đứng đầu/ Lòng Dân – trường thành vững chắc!” (Đỉnh cao và vực thẳm).

Như là hệ quả của giọng ân tình, chân tình mà ta thấy có một tiếng thơ đầy sự day dứt, trắc ẩn của một người hay nghĩ ngợi, hay âu lo trong thơ Nguyễn Hồng Vinh. Tâm trạng ấy lan sang, gieo vào người đọc một chút băn khoăn, một chút xốn xang khắc khoải: “Đi dọc miền Trung/ Giữa mùa mưa thiếu nước/ Nắng thiêu đốt/ Cả đồi sim héo cành/ Hồ chứa nước Mỹ Xuyên, Khe Ngang, Hoà Mỹ…

Nước cạn dần xót đau!” (Đau đáu miền Trung). Có lẽ ai cũng quý trọng cái trăn trở của một thái độ có trách nhiệm với cuộc đời này: “Cuối năm bão vẫn về/ Nước triều cường rút chậm/ Bờ sông thêm đoạn sạt/ Ngôi nhà đâu bình yên?!” (Ra giêng).

Nhà thơ day dứt khi đọc thơ một người bạn: “Những câu thơ buốt nhói lòng tôi/ Hồn quê mất dần theo thị trường chao đảo/ Tình người đưa lên bàn cân đong khảo/ Đồng tiền thay đạo lý nhân văn! Thiện - ác, chính - tà” (Giữ đẹp tình người). Những câu như thế như đánh thức, như nhắc ta đối diện với sự thật, mà muốn vậy ta phải sống thật với mình trước…

Một nét thi pháp thơ Hồng Vinh là chan hoà màu sắc, với màu xanh da bưởi, màu đỏ hồng chôm chôm, màu đỏ hoa đào, màu vàng hoa cúc… và nồng nàn hương vị, với hương bưởi, hương cốm, hương lúa, hương rừng, hương mật, và có cả hương… môi. Ngoài nghĩa cụ thể, còn nghĩa tượng trưng, màu xanh hy vọng, màu xanh hoà bình… Hương vị tình yêu, hương vị cuộc đời…

Hương vị và màu sắc ấy góp thêm phần làm xôn xao cái không gian nghệ thuật đáng yêu đầy sinh sắc, vẫn có cả nỗi buồn nhưng tràn trề bao hy vọng: “Những nỗi buồn nhân thế/ Còn hiện hữu đời nay/ Song tình người khắp nẻo/ Đang đầy thêm tháng ngày…” (Hối hả xuân). 
Nguyên Thanh
.
.