Đọc tập thơ “Giấc mơ cây” của Trần Vũ Long, NXB Hội Nhà văn, 2018

Có một nỗi buồn vừa đi qua phố

Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:00
“Đời thì đau nhiều mà thơ mãi không hay lên được”. Câu đầu tiên ở lời tựa trong “Giấc Mơ Cây” của Trần Vũ Long là vậy.


Một than thở hay một tỏ bày, một bộc bạch về chính mình. Anh tự viết lời tựa cho tập thơ, khác kiểu nhiều tập thơ nhờ một nhà thơ, nhà phê bình nào đó có danh tiếng viết. Anh viết như tóm gọn đời mình, tâm trạng mình khi làm thơ “một quãng thời gian nhiều yêu thương, nhiều mất mát, nhiều đau đớn, nhiều cô đơn, nhiều hoang hoải… và cả nhiều sự điên rồ”.

Tôi tìm một sự sắp xếp nào đó trong tập thơ này, song hình như không có hoặc có thể tôi không nắm bắt được. Mở ra là “Buổi chiều ngồi nghĩ về ngôi đền cổ”, một bức tranh về “ngôi đền buồn như quá khứ” và cả anh nữa “kẻ tha phương lạc bước”, “thành kính và ước ao”, “linh cảm và sám hối”. Rồi ở “Người rừng”, anh từ góc nhìn của họ để viết về người văn minh.

bị tống tiễn vào thế giới văn minh
đâu biết không còn ngày trở lại
hơn 40 năm
nay mới biết
lo lắng
sợ hãi
và…
biết cả nỗi cô đơn.

Bìa tập thơ “Giấc mơ cây” của Trần Vũ Long.

Anh viết về nhiều lắm những kỷ niệm, những ấn tượng về con người và cảnh vật đều theo phong cách của riêng anh. Không tả, không đơn thuần ca ngợi hay thương cảm mà gửi gắm vào đó cái nhìn, cái nghĩ của anh về người đó, về sự việc đó. Với Tướng Giáp - không là lời ca ngợi như quen dùng mà ngẫm ngợi tới “suốt một đời cần mẫn”, “nhẫn một đời thanh sạch” của một người “danh tướng và thường dân/ mình ông”. Anh không bước vào lối mòn của những lời ca ngợi ồn ào.

Nào “Với Trịnh Sơn”, với Đoàn, với Lan, với Minh, với Phương, với Hưng, “Với Thành Chương chiều cuối năm”… bên những tình cảm gắn bó vẫn xoáy vào những suy tư nào đó liên tưởng ở đời. Rượu uống với bạn - “nâng chén tao với mày cùng cạn”. Rượu uống một mình – “rượu đầy từng chén đắng cay/ tự mình rót đến cuối ngày ngọt lự”. Không nhiều câu lắm cụ thể về rượu đâu mà cứ cảm thấy hơi rượu phả lên câu chữ. Nó “Hoang rồi chén nữa thì xong nỗi gì”.

Nó “Vỡ điên cuồng nghiêng chén chẳng còn say”. Ừ mà cũng khó “hay lên được” giữa thơ hôm nay khi cần phải cụ thể lời ca ngợi, cụ thể thân phận buồn. Trần Vũ Long ngẫm ngợi buồn, chạnh lòng về nhân thế và say. Thế thôi cứ là mình, cần gì hay lên như vậy. Cứ ào ào nghe lại ào ào quên. Đọc thơ hãy để lắng vào thơ.

Nghĩ về mẹ và ý nghĩ ấy rải trong tập mà ta đi tìm để gom lại. Ví von thế này đây - “thơ như là rượu đấy thôi/ rượu như là mẹ một đời đắng cay/ đắng cay vỡ chén rượu đầy/đi chưa trọn đã lỡ say một đời”. Lại rượu. Nghĩ về bố -

chén đã cạn mà rượu vẫn tăm
đời cứ vơi sao buồn chưa lắng
nhị vẫn hương khi hoa đã tàn
thời gian từng giọt thấm tràn

Sao thơ buồn thế. Có nhiều loại thơ mà. Viết về mẹ và bố ra đi khi ta còn trẻ sao lại không buồn:

tuổi bốn mươi con chẳng biết thuộc về đâu
khi thảng thốt biết mình thêm mồ côi lần nữa

Gặp Trần Vũ Long ngoài đời chỉ thấy chẳng giống ai. Từ dáng cao to, từ trang phục… liên tưởng sao sang thơ buồn vậy. Anh cùng cha “mấy mươi năm hai nỗi cô đơn cứ song hành”. Và khi chỉ còn một mình - ta buồn như núi/ ta buồn như sông/ ta buồn mây chết/… Cứ vậy, cứ so sánh kể ra 4 chữ một ở bài “Ta buồn” cứ bời bời, cứ lai nhai lúc nhà thơ “đang đi bằng kí ức” lại kết bằng một câu lục bát như lúc dừng, như lắng, như trấn tĩnh lại

ta đau như chén rượu buồn
ta vui như kẻ bán buôn phận mình

Trong tập thơ, có lẽ chỉ “Nói với con” là nhẹ nhàng nhất, “là bao la cuộc đời”, còn lại suy ngẫm nhiều, là say nhiều. Dồn về cuối tập là thơ về cái chết. Cái chết đẹp như giấc mơ là:

“ôi cái chết ngàn lần ta ao ước”
“ừ cái chết hơn một lần ta nghĩ tới”.

(Và ta chết)

Thì cứ chết kiểu trong thơ đi, có sao đâu. Bao người làm thơ đã viết chết trong thơ mà.

Tìm đến “Giấc mơ cây” để hiểu sao anh chọn nhan đề này. Trong giấc mơ đêm qua anh thấy mình là thân cây:

“từ thân thể anh em chồi lên thành chiếc lá duy nhất”.

Và thế rồi: “trong giấc mơ đêm qua chiếc lá đã rụng/ thiếu sự sống thân cây đã chết”. Những ý nghĩ về sự sống, cái chết và sự vĩnh hằng của tình yêu đã chuyển hóa vào giấc mơ cây. Cái chết trong giấc mơ cây thanh thoát và lãng mạn thế. Trần Vũ Long cứ say, cứ viết “để tôi biết mình đang sống và có “Giấc mơ cây” bé nhỏ này.

Bùi Kim Anh
.
.