“Qua đèo lau trắng” với những ký ức mộng du

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:02
Nhân đọc “Qua đèo lau trắng”, tập ký - tạp văn của Trần Hoài, NXB Văn học, 2017.


Cuốn sách gồm 47 bài, chủ yếu ở dạng tạp văn, nhưng đều ẩn chứa những sự kiện có thật. Cùng với đó, tác giả còn có nét sáng tạo khi đẩy những hiện thực, theo một chiều hướng lãng mạn siêu thực, để bày tỏ được cảm xúc biến động của mình.

Những chi tiết có tính ảo giác theo suốt cuộc đời nhân vật Hoàng. Đó là sự vận động tâm lý qua các giai đoạn khắc khoải nhất, khi Hoàng nhớ lại những câu chuyện về quê hương và cả những rung động về tình yêu, gia đình. Bút pháp của Trần Hoài có những chuyển động khác lạ, cho dù vẫn bám vào sự kiện có thật của nhân vật.

Ở những bài viết về quê hương qua hình ảnh sóng gió biển khơi, tác giả  tạo nên cảm xúc dạt dào, day dứt, bởi những nỗi buồn, ám ảnh về con người làng quê. Ta có thể đọc và chia sẻ cùng tác giả qua những bài viết như: “Chỉ còn biển thôi”, “Tạ ơn biển cả”, “Tản mạn ở biển” và “Nhớ biển”; mặc dù quê hương anh còn có cát và những hố bom của tuổi thơ.

Phải nói, những bài viết về ký ức tuổi thiếu niên trong chiến tranh của tác giả có sức hấp dẫn nhất, với chùm bài: “Kẹo của Bác Hồ”, “Ký ức bom đạn”, “Em lễ chùa này”, “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn”, “Để cho anh khóc”, hoặc “Trung thu xưa”, “Tôi chợt nhìn ra tôi”…

Hình ảnh cậu bé Hoàng trốn mẹ, trượt xuống hố bom rất sâu để tập hát bài ca về mùa xuân và tình yêu trong bài “Cảm ơn nhạc sĩ Thanh Tùng” thực sự lôi cuốn người đọc. Qua những ký ức tuổi thơ, tác giả luôn biết gợi tới những câu chuyện về chiến tranh và sự sống. Ở đó, người đọc có thể liên hệ tới vấn đề nhân sinh và kiếp người. Nhiều câu chuyện mang sắc thái huyền ảo. Đó là một điểm mạnh của nghệ thuật viết của Trần Hoài.

 Cách viết này còn gây ấn tượng với người đọc qua những câu chuyện ngỡ như trần trụi của người lính, khi nhân vật Hoàng đã khoác ba lô nhập ngũ và trở thành nhà báo chiến sĩ. Câu chuyện được kể trong “Chiếc vòng mầu nhiệm” đẹp tựa bài thơ về mối tình đầu của chiến sĩ Hoàng. Nhưng ngay sau đó lại là nỗi buồn của sự chia ly, khi Hoàng lấy chiếc vòng chốt an toàn quả lựu đạn MK3 tặng cho người mình yêu.

Cuộc tình tan vỡ. Ngỡ như Hoàng có thể quên bẵng đi mối tình đầu ấy, vậy mà hàng chục năm sau, chính con gái của Hoàng lại bắt được chiếc vòng như thế trên bãi biển. Hoàng muốn ném nó xuống biển Cửa Tùng như hồi nào, nhưng con gái khăng khăng giữ lấy để tặng bạn.

Ký ức cất lên như một giai điệu buồn, nhưng Hoàng vẫn cầu mong chiếc vòng ấy sẽ mầu nhiệm thật sự, một kết thúc có hậu, đầy tình yêu thương cho cô con gái bé bỏng. Cùng với đó, những câu chuyện về tình yêu của Hoàng cũng được tác giả viết lên với nhiều cung bậc mộng mị và có phần liêu trai.

Tập truyện ký và tạp văn “Qua đèo lau trắng” còn nổi bật ở những trang tự sự lãng mạn của những người lính đứng trên tuyến đầu Tổ quốc. Những hiện thực chân chất nhưng đậm chất thơ. Đó là những góc khuất trong tâm hồn người chiến sĩ, lãng mạn và đáng yêu.

Người đọc hẳn sẽ thích thú khi nhận biết được những rung động thẳm sâu trong trái tim người chiến sĩ, hay của chính tác giả qua những bài viết: “Tổ quốc”, “Qua đèo lau trắng”, “Tháng Tư”; “Đất”, “Một chuyện ở đảo Tiên nữ”, “Khóc mưa”…

Đáng chú ý, trong bài “Qua đèo lau trắng”, tác giả đã khắc họa hình ảnh nữ ca sĩ quân đội bị mù trở lại đèo lau trắng (đèo Ngang), chắp tay cầu nguyện cho linh hồn người lính đã nằm lại nơi đây. Biết bao ký ức tràn về, bởi cũng tại đỉnh đèo lau trắng này, bà đã từng đứng bên miệng hố bom hát cho chiến sĩ nghe. Những nén hương của đoàn hành lễ cầu nguyện làm xúc động lòng người, với những ký ức hào hùng một thuở.

Tập truyện ký và tạp văn “Qua đèo lau trắng” hấp dẫn bạn đọc với giọng văn trữ tình khúc chiết và sự phong phú về ngôn ngữ thể hiện. Đó cũng chính là thành công của tác giả, nhà báo Trần Hoài. 

Vương Tâm
.
.