Kỷ niệm ngày truyền thống bộ đội Biên Phòng 3 tháng 3

Người lính - tình yêu và hồn dân tộc

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:12
Nhân đọc trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh, NXB Lao Động, 2016.


Phạm Vân Anh xuất hiện trên văn đàn khá sớm, chị sinh năm 1980 và đến năm 2004 đã cho ra mắt tập thơ đầu tay có cái tên khá ấn tượng là “Tôi chào tôi”.

Với cảm nhận của riêng tôi, tập thơ đầu tay của Phạm Vân Anh cũng chỉ mới dừng lại ở một câu chào như những câu chào khác của những người khác, nó dễ lẫn vào bao câu chào của những người mới đến, nhưng đến năm 2006 chị tiếp tục cho ra mắt độc giả tập thơ thứ hai có tên gọi “Mùa tình” thì nhà thơ xe ôm Tạ Văn Sỹ ở tít tận trong Tây Nguyên đã phải viết trên tờ báo Văn nghệ trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam thế này: “Ở mỗi người thơ đều có một cõi tâm linh, cảm thức và phong cách riêng.

Thi nhân nào lúc khởi đầu tạo được một âm sắc riêng, một vùng – khí - hậu - thơ riêng… thì thường là những trí -lực - thơ, bản – lĩnh - thơ dễ khiến bạn đọc đặt niềm tin vào cuộc hành trình ở phía sau xa. Giữa trùng trùng vây bủa của thế hệ mình… Phạm Vân Anh cứ lặng lẽ quay về xới tìm trong mạch nguồn tâm thức ngàn đời của hồn dân tộc…”.

Và Tạ Văn Sỹ đã đúng, đến tập thơ thứ hai thì Phạm Vân Anh không còn bị lẫn vào những người khác, chị đã có con đường riêng của mình, đó là người lính, tình yêu và hồn dân tộc. Có phải vậy chăng mà Phạm Vân Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi chị còn khá trẻ, trẻ trong nhóm hội viên trẻ nhất lúc bấy giờ (năm 2009). Nhưng phải đến khi chị cho ra mắt tập trường ca mới nhất có tên “Sa mộc” do NXB Lao Động ấn hành năm 2016 thì con đường riêng của Phạm Vân Anh mới được thể hiện đầy đủ.

Thú thực khi cầm trên tay tập trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh, tôi sợ là đang chuẩn bị đọc một bài thơ dài lê thê được tác giả gắn cho nó cái tên khó nhằn, dài hơi là trường ca, nhưng may thay, điều lo sợ đó đã không đúng. “Sa mộc” đúng là trường ca với bảy chương hoàn chỉnh.

Với vốn sống của hơn mười năm gắn bó cùng Bộ đội Biên phòng, với những dải đất biên cương và đồng bào các dân tộc đang ngày đêm giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Chương một của trường ca “Sa mộc” đã dẫn chúng ta đi trong những huyền thoại của “Miền biên dã”, đây là những câu chuyện huyền thoại, dã sử, cổ sử… về những vị thần, những nhân vật kiến tạo nên vùng đất, con người, cảnh sắc… của miền biên viễn, như những cây sa mộc đã đứng đó cả ngàn năm, vạn năm. Sa mộc là người dân, người lính, vị thần, là đất đai, là hồn cốt của cha ông còn đọng lại giữ nhịp sinh sôi.

Ngay câu đầu, câu đề từ của trường ca, Phạm Vân Anh đã viết: “Ông Đếm cát, ông Tát bể, ông Kể sao, ông Đào sông, ông Xây rú...”/ Chuyện xửa xưa bà kể thắm môi trầu”. Khi đã đi qua miền dã sử: “Miền dã sử tôi qua/ Vùng Đất Tổ bao sắc dân thiểu số/ Vầng trán mẹ hoài chứa ngàn huyền thoại/ Chia vào tôi tình cảm mến thương”.

Đi qua những huyền thoại, đất đai thấm đẫm tình cảm mến thương của miền biên viễn, người đọc sẽ nhận được những lời “ký thác” trong từng con chữ của chương hai, đó là: “Máu của cây hay máu người yêu nước/ Ngàn năm giữ nước/ Dâu bể thăng trầm/ Chốn tiền đồn xanh rạng chiến công/ Đỏ âm thầm cương vực”.

Máu của cha ông đã thấm đỏ miền biên ải, máu và xương đã xây thành đồn lũy chống quân thù, người xưa và cả người nay, lớp cha trước lớp con sau, sẵn sàng lấy máu và xương của mình để giữ vẹn nguyên rừng và biển và đất đai tổ tiên ông bà. Đến chương ba có tên “Thang trời”: “Tuần hoàn đời cây/ Bước thế tục đời người canh biên ải”.

Nối tiếp mạch văn của chương hai, nhưng khắc họa sâu hơn, đẹp hơn những con người vùng biên viễn hôm nay khi được hấp thụ những tinh hoa của cha ông ngàn năm giữ nước. Vẻ đẹp của họ được thể hiện qua những mối tình quân dân một ý chí, vẻ đẹp qua những nhường áo sẻ cơm, vẻ đẹp qua cảm thức mọi người cùng chung một nhà, cùng từ một “bào” sinh ra và cốt lõi của chương này vẫn là ý chí quyết tâm nắm chặt tay nhau để giữ gìn miền biên ải.

Từ âm hưởng sử thi đến anh hùng ca và khi đọc đến chương bốn, người đọc như thấy mình vừa đi qua một cánh rừng với nhiều huyền thoại, huyền sử, huyền tích… và giờ đây trước mắt đã trải rộng man mác biển trời. Biên cương không chỉ có rừng mà còn có biển và có cả trời.

Chương bốn có tên “Mưa giêng hai” như một khúc trầm qua câu chuyện tình của những người đã khuất, họ ngã xuống cho đất đai xứ sở, những người lính hôm nay vẫn phải: “Lũ chúng con/ Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/ Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/ Lớn vội lớn vàng cho thanh tân Tổ quốc”. Chính những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà họ dám hi sinh cả tuổi xuân mình để cho Tổ quốc mãi mãi được “thanh tân”.

Có sự hi sinh nào lớn lao hơn là hi sinh tuổi trẻ, hi sinh mạng sống, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự vẹn nguyên và trường tồn của dân tộc!?

Nhưng như đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Họ ngã xuống nhưng linh hồn họ mãi gắn bó với rừng, với biển, với non sông đất nước này. Sống là người giữ biên cương thì chết đi cũng làm linh hồn trấn giữ biên cương.

Và mùa đông về: “Mẹ nhìn trời biết nơi con trở rét/ Nén hương xa…/ Không ấm kịp lạnh gần/ Chim Khảm Khá mổ hạt cườm lích chích/ Đậu rồi bay trên sương tuyết chốn con nằm”.

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ mất con? Nhưng sẽ có nhiều người mẹ đau hơn, nhiều gia đình li tán, nhiều nhân phẩm bị chà đạp, nhiều giá trị bị đổi thay khi mất đi Tổ quốc. Vì: “Đất nơi này không thể mất/ Cho kẻ giành sông giật núi đã quen”. Vì sự trường tồn của Tổ quốc mà mẹ nhận nỗi đau riêng mình.

Giống như chương ba là sự nối dài của chương hai thì chương năm là sự nối dài của chương bốn nhưng được đẩy lên cao trào những chiến công và những mất mát hy sinh, những chia ly, lỡ nhịp tình yêu. Những linh hồn, những người lính mãi trẻ “gối đầu lên ban mai”, lên tuổi trẻ của chính mình để mà kê cao thềm Tổ quốc, dù có phải “tàn giấc mơ yêu lỡ mùa”.

Trong chương này thỉnh thoảng người đọc bắt gặp những câu lục bát ngắt nhịp có nghề và có duyên:“Rừng đi lá lạnh tàn sương/ Cho trăng tàn cốm/ Cho tường xanh rêu/ Ngày đi bóng đổ tàn chiều/ Để ta tàn giấc mơ yêu lỡ mùa/ Người đi trong nỗi bơ vơ/ Câu hời của mẹ đang chờ cuối song/ Cáy cua tấp tểnh bên lòng…/ Trôi theo thác lá/ Xoay vòng nhân gian”.

Qua những mất mát, đau thương, những chiến công, những tàn phá thì nay rừng xanh đã lành lặn vết thương, và trai gái lại cùng nhau say rượu, say tình, say thuốc, say điệu kèn, câu hát trong những ngày lễ hội. Để cho biên cương không còn xa xôi, biên cương ấm tình quân dân.

Họ dặn nhau bằng những triết lý rất riêng trong mùa lễ hội: “Tổ tiên đã bao đời vịn đá/ Mất biên giới, mất quê hương ta thành người hành khất/ Minh triết núi rừng giản dị có vậy thôi” –  “Vút vói thanh điệu/ Trai gái hòa tiếng rừng trong nhịp đấm/ Chiêng ông bà dặn Tổ quốc là gốc/ Chiêng bố mẹ khuyên quê hương là nền/ Chiêng cháu con say bước chân mở đất”.

Từ yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ phát triển của đất nước mà người lính Biên phòng khi thuộc sự quản lý của Bộ Công an và khi lại dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng, nhưng dù dưới sự quản lý của cơ quan chủ quản nào thì những người lính Biên phòng vẫn là những người lính mà cuộc sống của họ luôn gắn liền với những vùng đất, vùng biển xa xôi nhất của Tổ quốc.

Dù biên cương nay vẫn còn nhiều thiếu thốn khó khăn, nhưng ở đó, những lính Biên phòng, những người dân miền biên viễn vẫn đang ngày đêm canh giấc cho Tổ quốc được bình yên, họ thức để cho Tổ quốc không bị bất ngờ. “Lang thang miền dã sử/ Gọi ngàn năm mây bay/ Sa mộc đêm chốt lạnh/ Thức cùng non sông này”. Chương cuối Phạm Vân Anh muốn nói lên điều đó.

Với gần 1.000 câu thơ, Phạm Vân Anh đã phác họa nên được một bức tranh khá đủ đầy về cả một quá trình dài của những con dân đất Việt – Những người đã gắn bó với biên cương từ thời kỳ dựng nước đến thời kỳ giữ nước, từ trong chiến tranh cho đến ngày hòa bình... 

Nguyễn Thế Hùng
.
.