Không gian viết

Thứ Sáu, 02/10/2020, 16:16
Viết ở đâu có thể là câu hỏi khá quan trọng với nhiều người viết. Có những người ở bất cứ chỗ nào, không gian nào cũng có thể viết, người khác cần một bối cảnh phù hợp mới có thể viết được.


Có một điều rất ngạc nhiên là rất nhiều nhà văn không viết ở nhà. Nhà văn Orhan Parkmuk người Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả của “Tên tôi là đỏ” chỉ viết được ở nơi nào tách bạch hẳn với gia đình. Nhà văn người Ý, Baricco nổi tiếng với “Lụa” cũng không bao giờ viết ở nhà, còn Paul Auster, một tác giả danh người Mỹ thì viết ở… dưới hầm!

Tại sao rất nhiều người không thích viết ở nhà hoặc không thể viết ở nhà? Có thể ở nhà mình, người viết không cảm thấy thoái mái, không thấy sự tách bạch rõ ràng giữa sự viết và gia đình. Sáng tạo là một việc rất độc lập và mang tính cá nhân gần như tuyệt đối, có thể những nhà văn kể trên cảm thấy vướng víu khi ở trong bầu không khí hiện thực của chính mình trong lúc họ cần sự hư cấu và bay bổng. Đang viết nhưng vẫn nghe thấy tiếng con khóc, tiếng vợ cằn nhằn dù những người ấy không cố ý “gây sự” nhưng chỉ cần như thế đã có thể  phá hỏng “bầu khí quyển độc lập” đôi khi rất cần cho sự viết.

Cố nhà văn Nguyên Hồng.                                                Nhà văn Dương Hướng.

Tôi biết nhiều người thích viết ở quán cà phê và chính tôi cũng từng như vậy. Tại sao quán cà phê là một nơi khá ồn ào, đông người lại có thể là chỗ cho sự viết? Quán cà phê đông người và ồn ào nhưng nó khác biệt với gia đình bởi không ai biết người đang ngồi viết là ai và những câu chuyện của khách không phải người thân hay bạn bè của người viết. Câu chuyện của họ có thể ồn ào nhưng anh ta không quan tâm đến những chuyện ấy. 

Tất nhiên nếu ồn ào thái quá thì cũng không thể tập trung viết được. Chọn một quán cà phê rộng rãi, nhiều ánh sáng, không quá đông khách và ngồi một chỗ biệt lập là lựa chọn của nhiều người. Ở những quãng nghỉ ngơi, người viết nhâm nhi một ly cà phê và những câu chuyện lơ đãng ở xung quanh hoặc chính không gian quán cà phê có thể trở thành bối cảnh của câu chuyện. 

Tôi đã từng ngồi ở một quán cà phê trong một hẻm vắng và nhận ra rằng không gian của nó đa sắc, ánh sáng, trang trí khá khác thường và điều ấy rất kích thích sự viết. Nếu ngồi ở những chỗ tương tự, các ý tưởng sẽ trỗi dậy rất mạnh hoặc người viết được đắm chìm trong một không gian phù hợp cho sự sáng tạo và tưởng tượng.

Những người như Charles Dickens, Henry Miller hay Nguyễn Tuân là những mẫu nhà văn rất thích xê dịch để viết. Họ đi xa khỏi cái vòng quẩn quanh thường ngày của mình, rời bỏ những bối cảnh quen thuộc để tìm những miền đất mới, những con người mới để viết. 

Dịch chuyển luôn tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ và khi được ngồi trong một không gian khác lạ, bối cảnh mới, con người mới, sẽ tạo ra những chiều kích mới và nguồn cảm mạnh mẽ. Bởi nếu chỉ quanh quẩn một chỗ, sự việc hiện tượng dễ thành đơn điệu, nhàm chán, các ý  tưởng mới rất khó hình thành và sự viết sẽ bế tắc nếu cứ đi mãi theo một đường mòn. Những người ấy viết trên những hành trình xa nhà và mang đến những hương vị khác biệt.

Lại có những nhà văn có những thói quen khác thường. Họ thích viết ở những nơi thật đặc biệt gây cảm giác mạnh, ví dụ như Vladimir Nabokov tác giả của “Lolita” hay Gertrude Stein tác giả của “Ba cuộc đời” ưa thích viết trong ôtô. Tôi nghĩ đối với những nhà văn này, nếu ngồi ở một chỗ thông thường sẽ khó khiến họ “động não”. Cần một không gian “gây hấn”, thật chật chội hoặc khác thường thì có thể sự viết sẽ hứng khởi và dễ dàng hơn. 

Tôi cũng chắc rằng nhiều người sẽ mỉa mai những sở thích kì cục của những người kể trên nhưng thực tế cảm xúc của con người là những thứ đặc biệt. Đôi khi những thứ thông thường không còn đủ sức hấp dẫn người ta nữa. Ví dụ ngay trong đời sống hằng ngày, nhiều người thích những thứ kỳ quái, hoặc ăn thật đắng, uống thật cay mới thấy thú vị, hấp dẫn. Việc ngồi trong một chiếc ôtô chật chội để viết, thiết tưởng với những nhà văn giàu cá tính cũng không quá kì cục, lạ lẫm.

Tất nhiên ngồi viết ở nhà, ở cơ quan là sự chọn lựa của đa số người viết. Điều này không có nghĩa là nhà văn thiếu cá tính mà đôi khi anh ta không còn sự lựa chọn nào khác. Làm việc cả ngày ở cơ quan, buổi tối về nhà khó có thể lại ra quán cà phê để viết được nữa. 

Có những điều kiện người viết và anh ta buộc phải thích nghi, nhất là khi viết văn là một công việc tốn nhiều thời gian nhưng giá trị vật chất mang đến thường thấp. Trong khi nghề nghiệp chưa thể mang lại những giá trị lớn về vật chất thì rất khó đòi hỏi những điều kiện lí tưởng cho nó được như một căn phòng riêng, yên tĩnh, không bị vợ la, con khóc. 

Rất nhiều nhà văn Việt đã phải tác nghiệp trong những cảnh như thế này: một căn phòng chật chội, bề bộn và xung quanh anh ta những người thân cười nói ồn ào. Nếu không thích nghi để viết trong những môi trường như thế thì có lẽ sẽ không bao giờ viết được. Ở trong một môi trường không thuận tiện, dễ gây mất tập trung mà người viết vẫn bình thản triển khai được những ý tưởng của mình thì mới là điều đáng nể.

Rất nhiều nhà văn tranh thủ không gian ở nơi làm việc để viết. Viết được ở nơi này cũng là một việc đầy thách thức vì chốc chốc lại có chuông điện thoại, khách ra vào. Sự tập trung cao độ là rất khó nhưng tôi thấy vẫn có thể xoay xở được. Một cách thông thường là khoá trái cửa phòng, tắt chuông điện thoại và tạm thời lãng quên thế giới bên ngoài. Nhưng điều này cũng khó làm triệt để và theo đúng ý của mình. Tôi đã có những trải nghiệm khá thú vị về sự viết ở những không gian kiểu này. 

Ví dụ đang định viết về một cảnh rất tâm đắc thì bỗng có một ông khách vào chơi và huyên thuyên cả tiếng đồng hồ, khi ông khách bước ra khỏi cửa thì đồng thời ý tưởng ban nãy đã hoàn toàn biến mất hoặc mờ nhạt hẳn đi. Nhưng rất may mắn lúc đó thường một ý tưởng mới xuất hiện và tôi buộc phải viết theo hướng mới. Sự gián đoạn và pha loãng này rõ ràng không phù hợp cho việc viết nhưng đôi khi nó lại tạo ra những sự lựa chọn mới mà chưa chắc sự lựa chọn ban đầu đã khả dĩ hơn.

Có những người thích chọn hẳn một nơi biệt lập, đến một vùng thật xa, ít người, thuê ở một khách sạn vắng vẻ để viết. Nhà văn Dương Hướng đã kể với tôi rằng, ông đã từng xin nghỉ việc ở cơ quan mấy tháng liền, đến ở một khách sạn vùng cao để viết. Ở những môi trường độc lập, yên tĩnh như thế rõ ràng là phù hợp với đa số người viết nhưng cũng có người thích ưa thích một sự giãn cách vừa phải. Nơi viết cần  yên tĩnh, vắng lặng nhưng lúc sinh hoạt  họ vẫn thích sự ồn ã, vui vẻ. 

Không gian của các trại viết, trại sáng tác thường có mô hình như vậy, không gian viết riêng tư, độc lập nhưng sự trao đổi, sinh hoạt giữa các bạn văn lại cởi mở và vui vẻ, thậm chí những bạn viết có thể trao đổi ý tưởng với nhau hằng ngày để có thêm cảm xúc hoặc lắng nghe các ý kiến của đồng nghiệp.

Tất nhiên sẽ rất khó có một môi trường hoàn toàn lí tưởng cho người viết. Người viết đôi khi phải chấp nhận những hoàn cảnh của mình, thích nghi và thực hiện nó. Tôi rất thấm thía cái bối cảnh khi Nguyên Hồng ngồi viết tác phẩm “Bỉ Vỏ” khi ông ở Hải Phòng. 

Ông ngồi trên một cái ghế gỗ xiêu vẹo trong gian nhà chật chội, u tối, một cái bàn trông ra cửa sổ nơi có một cái chuồng lợn ngập ngụa phân gio và xung quanh là những rãnh nước bẩn thỉu, rất nhiều ruồi muỗi vo ve. Một không gian không hề phù hợp với sự viết và sáng tạo nghệ thuật nhưng “Bỉ Vỏ” vẫn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyên Hồng và nó được đánh giá cao từ khi ra đời khi đoạt giải của Tự lực văn đoàn. 

Sau này trong những không gian thuận lợi và tốt hơn nhiều chưa chắc nhà văn đã viết được những tác phẩm hay hơn cái hồi ngồi viết giữa một bầy ruồi muỗi vây quanh. Sự so sánh chỉ là tương đối để biết rằng, không gian viết chỉ là nơi ưa thích hoặc buộc phải chọn lựa chứ nó sẽ không làm cho tác phẩm hay hơn hoặc dở hơn. Cũng như nhiều ví dụ thấy rằng có những nhà văn khi khốn khó thì viết hay, lúc sung sướng lại viết dở...

Đương nhiên có một không gian ưa thích để viết là ước mơ của nhiều người.  Sự ưa thích này là sự phù hợp chứ không nhất thiết là các điều kiện đủ đầy hoặc sang trọng. Ngồi ở một căn phòng quá xa hoa chưa chắc đã viết hay hơn ngồi ở quán cà phê bụi bặm. Tôi đã từng viết được khá nhiều trong những đêm gác doanh trại đầy muỗi cắn và vẫn bế tắc khi ở những căn phòng rất sang trọng.

Nói cho cùng, không gian viết chỉ là một điều kiện cần thiết chứ không  phải yếu tố căn bản để tác phẩm có hình thù hoặc chất lượng thế nào. Nếu quá câu nệ và quan trọng hoá điều ấy thì chúng ta sẽ cứ loay hoay tìm mãi một nơi thật ưa thích để viết mà cuối cùng có thể vẫn không có chữ nào cả!

Uông Triều
.
.