Hạt giống “Mùi của ký ức”

Thứ Bảy, 20/05/2017, 08:09
Đọc “Mùi của ký ức” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, NXB Trẻ, 2017.


Lần gần đây nhất, bạn - người đàn ông trong gia đình nấu cho người thân của mình ăn là khi nào? Hẳn đây không phải là một câu khó trả lời nhưng có thể khiến người được hỏi không mấy cảm thấy hạnh phúc, rất có thể trong số đó có cả những người làm phu chữ nghĩa. Nhưng có một nhà thơ, nếu được hỏi, tôi tin ông sẽ không ngần ngại trả lời rành rẽ nhất về mùi vị của các món ăn đã ngấm vào hồn mình, tay mình từ bé đến tận lúc về già. Một người biết gọi ký ức bằng mùi vị, “Mùi của ký ức”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo bên bờ sông Đáy, Nguyễn Quang Thiều đã nói nhiều về làng Chùa quê mình trong những trang văn. Nhiều đến mức, nhắc đến Nguyễn Quang Thiều, người ta nhớ ngay đến làng Chùa, dù có thể chưa từng gặp nhà thơ hoặc chưa từng đến làng của ông bao giờ. Văn học có cách đi thật đặc biệt, cho người ta hình dung những điều chưa từng thấy và tin những điều chưa từng trải qua. Văn học có cách gói mở nguyên một thứ xúc cảm từ trái tim để đưa đến những trái tim khác.

“Mùi của ký ức” là mùi của không gian thơm. Thơm của ao sen, rau khúc, của rơm rạ tháng mười, cơm mới, của dòng sông, cải hoa và rau dại, của rám nắng, bết mưa, của ngô khoai và tro nấu bếp. May mắn của một con người là được lớn lên từ một ngôi nhà, một chái bếp, một làng quê, từ những gì thân thuộc, giản đơn, ấm áp và khiêm nhường nhất. Hạnh phúc của một con người, là được bọc trong tình yêu thương của gia đình, của bà, của mẹ; được ăn một món ngon, uống dòng nước mát…; được bay bổng và tưởng tượng, được trải nghiệm đủ nhiều để cuối cùng được trở về hồi niệm nhớ.

Có thể nói Nguyễn Quang Thiều là một người có nhiều ký ức hạnh phúc. Dù thật khó cắt nghĩa  ký ức về “màu trắng mơ hồ như sương” khi mỗi mùa rau khúc nở và màu trắng vỏ bánh khúc làm bằng những hạt xôi nếp, với tác giả, màu nào no ấm hơn. Khó cắt nghĩa vẻ đẹp rực vàng hoa cải và màu xanh bát canh cua nấu cải, màu nào tươi mát hơn.

Cũng như, khó cắt nghĩa vị ngon của những tay măng tre ngâm trong nước tương hay vị của những quả trứng vịt đẻ lang được lũ trẻ bọc đất nướng dưới lửa củi và lá khô, vị nào hấp dẫn hơn. Bởi vì món đó, ký ức đó, là nó mà không phải chỉ riêng nó. Nó là thời gian từ quá khứ đến hiện tại, của cả người sống và người đã khuất kết lại mà thành. Nó là sự dịch chuyển nâng đỡ, thiên nhiên nâng đỡ lấy con người, cho con người nguồn sống, để con người thương yêu, bao bọc nhau. Nó là không gian thơm thảo đúng nghĩa.

Nhưng Nguyễn Quang Thiều có cách dẫn mùi thơm như dẫn ánh sáng đi qua những đám mây để chúng không trở nên mơ hồ. Ông nói món ăn để quay trở về làng nơi có bãi bồi dâu, cải, có dòng sông, bến đò xưa cũ; nơi có bà, có mẹ, có cha, có anh em, hàng xóm của mình - những người từng nấu cho ông ăn.

Nhắc nhớ bà nội, khi còn là một cậu bé, vào độ giêng hai mưa xuân, buổi sớm ông theo chân bà ra cánh đồng hái rau khúc, rồi “ngồi bên bếp lửa cùng bà đồ bánh”, hít hà ngào ngạt mùi thơm, để được ăn chiếc bánh “nóng hổi vừa dỡ từ chõ ra”. Là nhớ lại những lần đi chợ Tía, bà dẫn vào ngồi ăn bánh đúc riêu cua hay lần theo bà đi bộ hai mươi cây số ăn giỗ ở Khê Tang (Thanh Oai) với bị khoai đốm quấn; là khi tận mắt xem bà muối cà, làm tương, muối giềng. Ông nhớ mẹ mình, bà thường “don ốc” trong vại để dành làm món ốc nhồi nấu chuối rằm tháng bảy; nhớ món canh lá dâu nấu hến mùa hè ngon mát bà làm, những niêu cá kho, những mẻ bánh sắn, bánh khoai, bánh mật qua tay. Ông kể chuyện mâm cỗ cá đủ món ngày thường của cha khi nhà có khách, món gỏi cua “độc nhất vô nhị” cha ông làm thết bạn…   

Như một món ăn đủ hương vị vừa hoàn thành, cuốn sách có thể làm vừa lòng nhiều người thưởng thức. Đọc sách có thể biết ẩm thực của một làng quê Bắc Bộ, đọc sách để được chỉ dẫn nấu ngon món ăn lạ. Đọc để hình dung đời sống hoang dã của những cậu bé nông thôn, nay đã ở tuổi trên dưới 60. Đọc sách, cũng là một cách để  hiểu thêm tâm hồn của một nhà thơ đã được nuôi dưỡng thế nào, ngoài thơ hay tiểu thuyết, hay truyện ngắn đã in của tác giả.

Không ai bắt một thi sĩ phải nhớ lại mọi “sự kiện tâm hồn” của mình, càng không bắt họ phải nhớ lại tường tận các món đã từng ăn. Nguyễn Quang Thiều kể chuyện các món ăn, tự nhiên như kể lại “sự kiện tâm hồn” mình. Người đọc không trầm trồ những tinh tế, kỹ lưỡng của người đứng ngoài quan sát rồi ghi chép lại, mà vị nể tác giả của những trang viết ấy là người có thể nấu các món ăn ngon bằng tất cả cảm hứng của mình. Thứ cảm hứng tỏa ra từ bà, từ mẹ, từ cha, từ không gian ẩm thực làng quê, từ trải nghiệm ngay từ tấm bé.

Không nấu được từng ấy món ăn, không ăn từng ấy món ăn (như cuốn sách đề cập) thêm một lần nào nữa, sẽ có những món ăn khác giúp duy trì phần xác nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tồn tại. Nhưng nấu được từng ấy món ăn, bằng cả vật chất và tinh thần, cả ký ức lẫn hồi niệm thì tâm hồn nhà thơ được sống lại, không phải ông lão 60 mà là một cậu bé đang ở đâu đó trên cánh đồng mùa màng trải đầy hạnh phúc. Dù rằng không phải mọi điều nhớ lại đều làm nhà thơ vui, có khi chúng vọng lên những câu hỏi mà hiện tại đã không đủ sức trả lời như những năm tháng quá khứ đã trả lời.

Nhưng “những hạt rau khúc nhỏ li ti như những hạt bụi”. “Làm thế nào mà những cây rau khúc bé bỏng lại có thể giữ được sự sống của chúng trong đất suốt một năm trời qua mưa bão, nắng gió và đến một ngày lại thức dậy tràn đầy sự sống như thế?”. “Mẹ chàng đã mất nhiều năm nay và không còn ai trồng cải trong vườn để cải ra hoa và gọi chàng về nữa. Chàng đứng đó im lặng cho tới khi bóng tối phủ kín khu vườn. Một vài vạt hoa cải để làm giống cho mùa sau không làm thay đổi đời sống vật chất của chàng. Nhưng màu vàng của nó đã nuôi lớn một phần tâm hồn chàng”. “Chàng đứng trong vườn, lòng xao động lạ thường. Một cảm giác không cầm lòng được tràn ngập trong chàng. Và chàng đã viết một câu thơ "Hoa cải rơi không thể cầm lòng” như gieo một hạt giống trong lòng mình”.

Khi trở lại từ quá khứ, chúng ta biết, nhà thơ đã mang cho chúng ta quà tặng là những hạt giống diệu kỳ. “Chỉ cần cúi xuống”, vỡ những luống đất trong tâm hồn, thì chúng ta và những hạt giống ấy, sẽ được gieo trồng. Và ký ức sẽ được tiếp nối.  

Hải An
.
.