Người thơ sống với thơ

Thứ Ba, 02/05/2017, 07:43
Đọc “Thơ và mấy vấn đề văn học”, tiểu luận của Phạm Quốc Ca, NXB Hội Nhà văn, 2016.

Phạm Quốc Ca vốn là người lính, sau chiến tranh về học ngữ văn ở Đại học Văn khoa thành phố Hồ Chí Minh, rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường đi dạy học, làm quản lý một đơn vị đào tạo ở Đại học Đà Lạt, về hưu lại mang gánh nặng phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng.

Ngần ấy công việc đã kinh qua không che khuất con người thơ nơi Phạm Quốc Ca. Làm thơ từ trong quân ngũ, trong vòng 30 năm, ông cống hiến cho đời 5 tập thơ, chưa kể những bài thơ dịch từ tiếng Nga mà ông chuyển ngữ một cách nhuần nhị.

Là nhà giáo dạy văn, Phạm Quốc Ca còn kế thừa truyền thống bình thơ của tiền nhân và tìm cách đưa cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ đến với thế hệ trẻ. Làm văn nghệ ở một vùng đất đầy chất thơ, ông thu hút màu sắc thiên nhiên và hình ảnh con người không chỉ trong sáng tác mà cả trong phê bình văn học. Đòi hỏi của công việc nghiên cứu và giảng dạy cộng với niềm hứng thú khiến ông theo dõi khá kỹ, từ chỗ đứng của mình, hành trình của thơ ca Việt Nam đương đại. Sau cuốn sách “Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000”, vốn phát triển từ luận án tiến sĩ, tập tiểu luận phê bình “Thơ và mấy vấn đề văn học”, gồm những bài viết đã công bố rải rác hơn 20 năm nay, cho thấy sự quan tâm bền bỉ của tác giả.

Chủ đề thơ ca chiếm hầu hết số trang của cuốn sách. Khi bàn đến những vấn đề chung của văn học, tác giả có đề cập đến tiểu thuyết, nhưng thường hơn vẫn là liên hệ với thực tiễn sáng tác thơ ca. Điều này dễ hiểu, không hẳn vì tác giả là một nhà thơ am hiểu thể loại vi diệu này, mà còn vì thơ ca là sợi dây cảm ứng đo được những rung động của tâm hồn con người qua những biến thiên xã hội. Những trang viết về thơ lãng mạn, tượng trưng và siêu thực cho thấy Phạm Quốc Ca đồng điệu với những trang phê bình thơ của Chế Lan Viên, Lê Đình Kỵ…

Trong bài viết “Thơ hay cho hôm nay”, Phạm Quốc Ca trình bày rõ ràng ý kiến của mình: “Thơ là một hiện tượng nghệ thuật, mà đặc trưng của nghệ thuật là sự đa dạng, phong phú. Hãy cứ để cho mọi tài năng, mọi khuynh hướng được tự do nảy nở và phát triển. Đó mới là đổi mới thật sự”. Đây là ý kiến dễ tìm được sự chia sẻ, đồng cảm của cả đồng nghiệp lẫn bạn đọc, nhắc nhở chúng ta tìm cách ứng xử phù hợp với đời sống văn học, nói riêng trong lĩnh vực thi ca, vốn luôn đòi hỏi sự phân tích và lý giải tinh tế, cẩn trọng.

Khẳng định những tìm tòi, sáng tạo trong thơ Việt đương đại, đồng thời Phạm Quốc Ca tỏ ra điềm tĩnh và thận trọng trước những phá cách mà ông cho là “cực đoan”. Về quan niệm và thị hiếu, ông gần với Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Ý Nhi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo hơn là Lê Đạt, Hoàng Hưng, Bùi Chí Vinh…

Dù vậy, ông vẫn thừa nhận những đóng góp trong các tập thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt, “Người đi tìm mặt” của Hoàng Hưng, “Thơ tình” của Bùi Chí Vinh… Phạm Quốc Ca phê phán chủ nghĩa hình thức, nhưng tiếp thu hạt nhân hợp lý của nó và không dội nước lạnh vào những thể nghiệm hình thức. Ông không đồng ý với quan điểm xem vô thức như là nhân tố duy nhất để giải thích những bí ẩn của sáng tạo; nhưng cũng không tán thành những người khăng khăng gạt bỏ vai trò của vô thức và tiềm thức.

Hình như tư chất nhà giáo góp phần làm nên một nhà phê bình tỉnh táo của niềm say mê nơi nhà phê bình Phạm Quốc Ca. Theo thiển ý, phê bình văn học căn bản vẫn phải đề cao tính khoa học trước tính nghệ thuật. Và vì vậy, Phạm Quốc Ca có lý khi ông mạnh dạn trao đổi với đồng nghiệp, đồng thời mở ngỏ những cánh cửa cho sự đối thoại.

Hầu hết những bài tiểu luận trong tập này được viết trong giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới. Thực tiễn sáng tác và phê bình cho thấy ý thức xã hội và ý thức văn nghệ vẫn không ngừng vận động và phát triển. Ngòi bút phê bình của Phạm Quốc Ca chắc hẳn cũng không dừng lại mà sẽ tiếp tục chiêm nghiệm trên con đường đi tới của văn học.

Huỳnh Như Phương
.
.