Đôi nét thơ buồn gửi gió mưa...

Thứ Bảy, 22/04/2017, 08:00
Đọc “Hoa táo vườn xưa”, tập thơ của Nguyễn Khắc Xương, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ, 2016.


“Hoa táo vườn xưa” là tập thơ tình duy nhất của nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương – con trai thi sĩ Tản Đà (tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu). 102 bài thơ được ông sáng tác từ thuở còn là một chàng trai tuổi 30 cho tới khi đã ở tuổi xế chiều là những kỷ niệm đẹp và buồn về tình yêu với nhiều cung bậc tình cảm đầy bâng khuâng, tiếc nuối.

Như núi Tản, sông Đà – quê cha, thơ ông có chút gì đó bồng bềnh như sương khói, óng ả và nuột nà như tơ lụa. Lâu nay bạn đọc mới chỉ biết đến ông với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng ở Phú Thọ, đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Thêm một “Hoa táo vườn xưa” nữa, càng chứng tỏ Nguyễn Khắc Xương là người đàn ông đa tài, đa tình.

Ông đa tình, đa tài như thế nào xin các bạn cùng tôi xem vào những câu thơ như thế này của ông: “Có ai nhặt hộ mùa hương cũ/ Ai nhặt giùm cho chút nắng xưa?/ Và ai viết hộ trên tờ lá/ Đôi nét thơ buồn gửi gió mưa”.

Bìa cuốn “Hoa táo vườn xưa”.

Chỉ là gửi gió mưa thôi ư, thi sĩ Nguyễn Khắc Xương? Đọc những câu thơ viết từ thời trai trẻ của ông tôi bỗng thèm được run rẩy như ông trong một đêm trăng nào đó ở giữa vườn hoa táo với người đẹp. Và người đẹp của ông, giờ ở phương nào, đôi lần gặng hỏi, chỉ thấy ông mỉm cười: “Trăng lên chiều vẫn chưa tàn/ Nắng còn lưu luyến núi ngàn chưa đi”.

Nâng cánh hoa lên, ngắm nhìn và bâng khuâng sau rất nhiều, tự hỏi, tôi đoán ông cũng đã loạn nhịp trái tim trước đôi mắt, đôi môi của người đẹp: “Em hiện trong trăng như ảo ảnh/ Của trăng tràn ngập khắp không gian/ Là trăng, tất cả là trăng cả/ Trong ánh trăng ngời em biến tan”. Tất cả cũng chỉ là ảo ảnh chăng? Em biến tan hay cả Nguyễn Khắc Xương, cả tôi nữa cũng đang biến tan trong đêm trăng vườn táo chỉ có hai người…

Và cũng chỉ cần hai người thôi là đủ, bởi thêm một nữa là sẽ phiền lắm thay, thêm một nữa là có khi sẽ mất cả vườn táo? Còn vắng một người mà cả trái đất như hoang mạc, thì đúng là đã yêu thật rồi, yêu rất thủy chung.

Với tâm trạng của người đang yêu, Nguyễn Khắc Xương thảng thốt: “Bài thơ về chiếc giường không/ Là bài thơ không chăn chiếu…/ Bài thơ về chiếc giường không/ có bộ khung màn chết đứng…/ Và đâu chiếc khăn của anh/ Em vẫn chải trên mặt gối…”.

Có gì đó như hẫng hụt, như đang tiếc nuối, như đang nhắn gửi, như đang giận hờn, trách móc. Nhưng biết làm sao được khi mà hoa táo vẫn cứ rơi dù trời không có gió, dù đêm trăng vẫn sáng và người vẫn cứ đợi… Đợi nhưng chắc gì đã đến bởi biết đâu đấy, ở một vườn táo khác trăng và hoa quyến rũ hơn, mê đắm hơn.

Đừng bắt Nguyễn Khắc Xương trả lời, bởi ngày ấy đã thuộc về muôn năm cũ. Tất cả chỉ còn là những kỷ niệm buồn và đẹp. Giờ nhắc lại cũng chỉ mong nó mãi đẹp và buồn hơn trong nỗi buồn thánh thiện: “Hiu hiu gió tự xa về/ Rừng nghe lành lạnh chiều nghe buồn buồn/ Nắng về đỉnh núi cô đơn/ Thung sâu nắng nhạt đường son mờ dần”.

Những nét chấm phá và những đường viền trong những bức tranh quê chúng ta gặp ở đâu đó hiện lên như hoa táo đầu mùa khi đọc Nguyễn Khắc Xương. Ông thật giống cha mình ở cái sự tài hoa trong quan sát, ở cái chất lãng tử và cả sự “ngông” nữa.

 Nhưng khác với cha mình, Nguyễn Khắc Xương là người nhiều cam chịu hơn. Hình như cả trong thơ, ông cũng tỏ ra rất khiêm nhường khi ở bên người đẹp. Người đẹp trong thơ ông là khách đa tình, và cũng vì đa tình mà có thơ cho người đẹp, người đẹp được vào thơ. Thơ cũng là cái duyên để Nguyễn Khắc Xương còn mãi trong lòng chúng ta như là một Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu đa tình và đa tài vậy: “Nắng lạnh thu về xao xác lá/Bồng bềnh mây trắng đỉnh Thiên thai/ Nhớ về Lưu Nguyễn bâng khuâng quá/ Chân núi quay đầu chẳng thấy ai”.

Nguyễn Hưng Hải
.
.