Nhiều trẻ em tắm suối bị đỉa chui vào đường thở
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ em bị đỉa chui vào và ký sinh trong tai, mũi, họng, sau đó xuống đường thở do đi tắm suối, một số trẻ đến viện trong tình trạng ho ra máu tươi, có cảm giác như có con gì bò trong họng.
Theo Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cháu bé nhập viện mới nhất do dị vật sống nguy hiểm trong đường thở là Sồng A.L (3 tuổi, ở Phù Yên, Sơn La). Cách ngày vào viện khoảng 2 tuần, cháu đi tắm suối cùng anh trai, sau đó vài ngày xuất hiện cơn ho từng đợt, khạc ra máu tươi, thỉnh thoảng khản tiếng kèm thở khò khè và có cảm giác như có con gì bò trong họng.
Gia đình đã đưa cháu đến cơ sở y tế địa phương, các bác sĩ nghi ngờ trẻ có dị vật khí quản và chuyển tuyến lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp tục thăm khám, điều trị.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Huệ – Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh nhi được xác định có dị vật là một con đỉa còn sống đang bám vào khí quản.
Các bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi khí quản ống cứng lấy dị vật cho cháu bé. Dị vật gắp ra là một con tắc te (đỉa suối) còn sống dài khoảng 5cm. "Dị vật đỉa suối sống hút máu gây tổn thương đường hô hấp, kích thích xuất tiết dịch đường hô hấp, gây nhiều vi khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Dị vật đỉa suối nếu di chuyển sâu xuống phổi có thể gây xẹp phổi, viêm phổi tái phát,… nếu di chuyển lên mũi có thể gây chảy máu mũi từng đợt", BS Huệ cho biết.
Trường hợp khác là cháu Triệu A.C (12 tuổi, ở Văn Chấn, Yên Bái) nhập viện trong tình trạng ho khạc đờm có lẫn máu tái diễn nhiều lần. Trước đó 1 tháng cháu cũng tắm và uống nước suối. Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán bệnh nhi có dị vật đỉa suối và sau đó tiến hành nội soi thanh khí quản gắp dị vật.

ThS.BS Đỗ Văn Tâm - người trực tiếp điều trị cho cháu bé chia sẻ: Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt dị vật “sống” có thể phát triển kích thước lớn gây bít tắc đường thở. Con đỉa khi mới chui vào cơ thể qua miệng (đường uống) thường có kích thước nhỏ, nhưng khi ký sinh trong cơ thể một thời gian ngắn sẽ phát triển nhanh. Kích thước con đỉa ngày càng lớn có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến ngạt thở và tử vong.
Để không mắc phải dị vật nguy hiểm nêu trên, BS Tâm khuyến cáo cha mẹ tránh cho con tắm khe, ao, hồ, sông, suối và đặc biệt là không uống nước khe, suối khi chưa được đun sôi. Nếu cho trẻ đi bơi nên đi đến hồ bơi có nước đã qua xử lý và cần có người lớn giám sát. Khi có các dấu hiệu chảy máu mũi, khóc khàn, nói khàn, khò khè, khó thở, có cảm giác con gì bò trong mũi, họng,… nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám, xử trí kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc sau này.