Hiến tiểu cầu cứu người - Những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng
Họ là những con người bình dị, từ chị công nhân, bạn sinh viên đến bộ đội nghỉ hưu nhưng đã miệt mài nhiều năm đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu. Có người nhà ở xa Hà Nội nhưng hàng tháng đều vượt vài chục cây số đi hiến tiểu cầu. Tấm lòng nhân văn ấy đã lan tỏa ra cộng đồng những giá trị tốt đẹp.
Hiến máu trở thành một phần trách nhiệm với xã hội
Sinh năm 1975, chị Trịnh Hồng Thu, ở Lương Sơn, Hòa Bình đã có thâm niên 22 năm hiến máu. Mặc dù đại dịch COVID-19 nhưng năm nay, ngoài các lần hiến máu tình nguyện, chị đã 12 lần hiến tiểu cầu.
Chia sẻ tại Lễ tôn vinh người hiến tiểu cầu vào ngày 15/1 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức, chị Thu chia sẻ, chị tham gia hiến máu từ năm 2000 nhưng hiến tiểu cầu mới 6 năm nay. Mỗi lần hiến tiểu cầu, chị đều đi 60km từ Lương Sơn về Hà Nội. Cứ khi nào đủ ngày, có sức khỏe, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần là chị lại về Viện Huyết học để hiến tiểu cầu. Vào thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, chị vẫn vượt đường xa về Viện Huyết học, phải trình giấy hiến máu thì mới được đi.
Theo tâm sự của chị Thu, mỗi khi đến ngày hiến tiểu cầu, trước đó chị đều dừng lại các buổi tiệc tùng để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất. “Còn rất nhiều người bệnh đang chờ mình nên mình dù bận thế nào mình cũng dành thời gian để đi hiến”.
Giống với chị Thu, anh Huỳnh Hiểu Bình (SN 1979, trú tại Đống Đa, Hà Nội) đã 23 năm tham gia hiến máu tình nguyện, chia sẻ: “Tôi đã có thâm niên 13 năm hiến tiểu cầu. Riêng năm 2021, tôi hiến 14 lần. Chị gái tôi tham gia hiến máu từ rất sớm, chị là người truyền cảm hứng cho tôi và những người thân trong gia đình, coi việc hiến máu như một phần trách nhiệm của mình với xã hội và với những người bệnh đang cần máu”.
Tại lễ tôn tinh, ông Trần Văn Toan (nguyên là bộ đội đóng quân ở Trường Sa đã nghỉ hưu) hiện trú tại huyện Mê Linh cho biết, tuy nhà cách Viện Huyết học 18km nhưng trung bình một tháng ông lại đến hiến tiểu cầu một lần. Đến nay, ông đã 17 lần hiến tiểu cầu. Đồng hành cùng ông còn có người vợ luôn gắn bó. “Vợ tôi cũng đã hiến tiểu cầu 13 lần. Khi trẻ thì bà ấy là hậu phương vững chắc cho tôi làm tốt nhiệm vụ, bây giờ lại tiếp tục đồng hành cùng tôi hiến máu và hiến tiểu cầu. Thấy sức khỏe của hai vợ chồng đều tốt, chúng tôi mừng lắm và ngày càng cống hiến chút sức lực nhỏ bé của mình cho người bệnh”, ông Toan vui vẻ cho biết.
Ngày càng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng
Tết là thời điểm thiếu máu và thiếu tiểu cầu trầm trọng, nhiều người bệnh vì không có tiểu cầu mà phải chờ đợi hoặc hoãn lịch truyền, nhưng cũng có những người bệnh không thể chờ đợi được. Những đơn vị tiểu cầu hiến tặng vô cùng quý giá với người bệnh. Hằng năm, cứ từ mùng 1 Tết Nguyên đán, cán bộ, nhân viên y tế của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào ngày đi trực lại tham gia hiến tiểu cầu và hiến máu để bù đắp phần nào lượng máu thiếu hụt đó.
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2021 dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hiến máu tình nguyện, nhiều lịch hiến máu đã phải hủy bỏ. Trong những lúc khó khăn và thiếu máu trầm trọng, Viện đã nhận nhiều sự chia sẻ của người dân, cán bộ chiến sĩ Công an hiến những giọt máu quý giá cho người bệnh, đặc biệt là những người hiến tiểu cầu. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 – 5 ngày). Vì vậy mỗi lần huy động, Viện đã nhận được sự hưởng ứng ngay, điều này rất đáng trân quý.
Theo chia sẻ của TS.BS Trần Ngọc Quế, phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, khác với các thành phần máu khác, tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng người bệnh.
Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 - 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, các trung tâm máu lớn đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2-3 tuần là có thể hiến nhắc lại.
Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến đã được triển khai từ năm 2000 với số lượng chỉ 10 đến vài chục đơn vị tiểu cầu tiếp nhận được mỗi năm. Trong giai đoạn 2000 - 2010, Viện chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị tiểu cầu gạn tách, con số này ở giai đoạn 2010 - 2020 là 222.187 đơn vị (tăng gấp 20 lần so với 10 năm trước đó).
Riêng năm 2021, Viện đã điều chế được 41.267 đơn vị tiểu cầu, được tiếp nhận từ 33.314 lượt người hiến. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và người hiến tiểu cầu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn. BS Quế cho biết, nhờ có lượng tiểu cầu hiến tự nguyện nên Viện Huyết học đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, TP khu vực phía Bắc.