Đâu là "chìa khoá vàng" để phát hiện sớm căn bệnh ung thư?

Chủ Nhật, 11/05/2025, 11:54

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, xét nghiệm máu không giúp sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng, mà gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

Chia sẻ tại buổi Toạ đàm “Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam” do Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức vào sáng 11/5, PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên - Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, cho biết, ung thư đại trực tràng đang là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

Theo thống kê GLOBOCAN năm 2022, nước ta ghi nhận hơn 16.000 ca mắc ung thư đại trực tràng mới và trên 8.400 ca tử vong do căn bệnh này – xếp thứ 4 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Tỷ lệ ung thư sớm ở người trẻ tuổi càng gia tăng. Không chỉ người cao tuổi, mà cả những người trẻ ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, cũng có thể mắc bệnh. 

30% người bệnh đến viện ở giai đoạn muộn 

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương di căn chiếm đến 30% trong tổng số người bệnh đến khám tại Trung tâm. Gần đây, mặc dù đã có những cập nhật về kiến thức và khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ, nhưng cũng có không ít người bệnh chỉ đến khám khi đã có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người đến khám vì triệu chứng tắc ruột, khối u đã phát triển lớn khiến người bệnh không thể đi ngoài được. 

PGS.TS Phạm Cẩm Phương đang chia sẻ tại Toạ đàm.

BS Phương nhấn mạnh, bệnh ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu như được chẩn đoán sớm để hoàn toàn cắt bỏ khối u qua nội soi. Tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm nếu phát hiện sớm khá cao. Còn khi khối u đã xâm lấn lớn cũng như đã có biểu hiện tổn thương di căn thì các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị trước và sau phẫu thuẫn để hạn chế tình trạng tái phát hoặc di căn.

Về tiên lượng của căn bệnh này, theo Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, cách đây khoảng 10 năm, những bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn di căn thường chỉ sống thêm 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, gần đây, những tiến bộ trong liệu pháp điều trị, cá thể hóa cho đối tượng từng người bệnh đã được cập nhật, giúp làm tăng tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm lên đến 30-40%. 

BS Phương cũng cho biết, trong quá trình thăm khám, có nhiều người bị đa polyp (hàng chục, hàng trăm polyp trong lòng đại trực tràng), hoặc gặp nhiều trường hợp trong một gia đình có nhiều người cùng mắc ung thư đại trực tràng. Vì thế, các bác sĩ thường khuyên mọi người nên động viên người thân đi tầm soát sớm để hạn chế nguy cơ ung thư trực tràng.

Ung thư đại trực tràng thường bắt đầu từ những tổn thương rất nhỏ, như polyp – những “hạt giống” tưởng chừng vô hại nhưng có thể âm thầm tiến triển thành ung thư qua nhiều năm. 

"Phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn polyp hoặc ung thư giai đoạn đầu, có thể tăng tỷ lệ sống sót lên đến 93%. Việc tầm soát sớm sẽ giúp xác định nguy cơ của người bệnh, từ đó giúp chẩn đoán sớm, chính xác và kịp thời", Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu nhấn mạnh. 

Vị chuyên gia cũng cho biết, một thực tế gây khó khăn lớn nhất cho việc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng ở nước ta là nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Nhiều bệnh nhân đến khám khi bệnh đã tiến triển, do chưa có thói quen tầm soát định kỳ hoặc lo ngại về chi phí, hay sợ phải thực hiện nội soi, gây mê...

Theo PGS.TS Vũ Văn Khiêm, hầu hết các loại ung thư thường không có các triệu chứng cụ thể, nên việc chủ động tầm soát để phát hiện sớm bệnh là "chìa khoá vàng" trong dự phòng ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng.  

Có một số triệu chứng gợi ý mang tính cảnh báo sớm ung thư đại trực tràng để bệnh nhân đi khám như đi ngoài phân có máu, tần số đi ngoài thất thường, đau bụng một cách mơ hồ, sụt cân nhẹ… 

Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Khiêm cho hay, thời gian chính là yếu tố sống còn trong điều trị ung thư.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết, đợi khi có các triệu chứng, biểu hiện mới đi khám thì bệnh đã không còn ở giai đoạn sớm. Nên việc chủ động tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng. 

Vậy, tầm soát ung thư đại trực tràng bằng các phương pháp nào? Theo PGS Khiêm, thông thường, các tổ chức y tế khuyến nghị những người từ 45 tuổi trở lên nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ. Với những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người mắc bệnh viêm ruột mãn tính hoặc béo phì, gia đình có người mắc căn bệnh này, đa polyp, có thể cân nhắc sàng lọc sớm hơn.

Theo Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, hiện nay, trên thế giới có các phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng phổ biến như: Nội soi đại tràng (phương pháp tiêu chuẩn, có độ chính xác cao); xét nghiệm máu ẩn trong phân (độ chính xác không tối ưu); nội soi ảo đại tràng (sử dụng chụp cắt lớp CT để tạo hình ảnh 3D của đại tràng, nhưng vẫn cần nội soi nếu có nghi ngờ); xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân.

"Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia lớn ứng dụng xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân, cho thấy độ nhạy và đặc hiệu trên 90%. Mỹ còn khuyến cáo người dân nên làm xét nghiệm này 1-3 năm/lần. Vì vậy, một trong những biện pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng tốt nhất là xét nghiệm phân trong cộng đồng. Khi phát hiện dương tính, chúng ta sẽ khuyến cáo bệnh nhân nội soi đại trực tràng để phát hiện xem có những viêm, loét, tổn thương hay không", PGS Khiêm nói.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai chưa triển khai phương pháp xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân, nhưng thời gian tới sẽ cập nhật các tiến bộ xét nghiệm để sớm chẩn đoán bệnh ung thư đại trực tràng.

Tiến tới sàng lọc miễn phí cho người dân

Tại buổi Toạ đàm, PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc hiện nay đã thực hiện nhiều chẩn đoán sớm trong các lĩnh vực ung thư, nhờ đó, tỷ lệ người bệnh mắc ung thư đã giảm đi nhiều.

"Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với ngành y tế rất nhiều nội dung, trong đó có một vấn đề mà Tổng Bí thư nhắc tới là mỗi người dân Việt Nam cần được khám định kỳ sức khỏe miễn phí mỗi năm một lần. Đây cũng là vấn đề dự phòng mà ngành y tế cần phải quan tâm. Bởi vì, chi một đồng cho dự phòng bằng 100 đồng cho điều trị", BS Hoàng nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng hy vọng, các nhà y học dự phòng sẽ phối hợp với các nhà y học lâm sàng để đưa ra phác đồ chẩn đoán phù hợp với bệnh ung thư đại trực tràng.

Ông cũng cho biết, hiện nay, các chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng đã được triển khai rộng rãi ở cấp quốc gia. Việc tổ chức sàng lọc định kỳ cho người trưởng thành từ độ tuổi 45–50 trở lên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm tăng cao, đồng thời tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư đại trực tràng giảm mạnh.

Ông lấy ví dụ, tại Mỹ, sau khi tăng cường độ bao phủ sàng lọc trên toàn quốc, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm hơn 50% trong vòng ba thập kỷ (theo CDC). Ở Anh, chương trình sàng lọc quốc gia giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn sớm lên gấp 4 lần so trước, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong đáng kể...

Những kết quả này nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sàng lọc trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát ung thư đại trực tràng tại cộng đồng. Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho rằng, chiến lược sàng lọc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam nên được định hướng theo 3 trụ cột: Thứ nhất, tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe, giúp cộng đồng hiểu được mình nên tầm soát từ tuổi 45 như các khuyến cáo đề cập. Đồng thời, tự soi chiếu lại các tiền sử bản thân và gia đình để tự đánh giá được nguy cơ ung thư đại trực tràng của mình và tìm gặp các cán bộ y tế khi cần thiết.

Thứ hai, đưa hoạt động sàng lọc lồng ghép vào khám sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế. Cuối cùng là ưu tiên ứng dụng các phương pháp sàng lọc không xâm lấn, dễ triển khai, chi phí hợp lý. Đây là phương pháp hoàn toàn có thể tích hợp vào chương trình sàng lọc cộng đồng quy mô lớn mà không gây áp lực cho hệ thống y tế.

Trần Hằng
.
.