Trả giá đắt vì dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bỏng

Thứ Hai, 23/09/2019, 08:23
Bị bỏng nhưng không tới bệnh viện điều trị, nhiều người đi đắp lá, chữa thuốc nam không rõ nguồn gốc dẫn tới vết bỏng không những không khỏi, còn bị nhiễm trùng, hoại tử, sốt, tới viện cấp cứu phải điều trị dài ngày, tốn kém, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Chữa bỏng bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc bị nhiễm trùng đã được các bác sĩ cảnh báo nhiều, song liên tiếp vẫn có người lặp lại sai lầm này.

Cảnh báo nhiều nhưng vẫn không sợ

Trong tháng 9-2019, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang tiếp nhận 3 trường hợp bỏng trong sinh hoạt nhưng không tới viện điều trị mà đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc, hậu quả đều bị nhiễm trùng nặng, có trường hợp bị hoại tử, phải ghép da.

Nam bệnh nhân 34 tuổi Nguyễn Văn T.(trú tại Đội Cấn, TP Tuyên Quang), nhập viện ngày 15-9 trong tình trạng cẳng chân 2 bên sưng tấy, phỏng nước, có phần trợt da, có phần hoạt tử đen kèm theo chảy mủ hôi… Anh T.được chẩn đoán bỏng độ II, III (diện tích khoảng 16%), một số vị trí bỏng độ IV (diện tích 3%).

Theo gia đình bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện 4 ngày, anh T.đang sử dụng bếp gas công nghiệp, bất ngờ dây gas tuột bắn ra khỏi bếp, bén lửa và gây bỏng nặng. Gia đình nghe người quen giới thiệu nên đã đi lấy “thuốc nam” của một “bà lang” về để đắp cho anh. Vết bỏng không những không đỡ mà ngày càng sưng to và đau rát, gia đình vội vã đưa anh vào bệnh viện.

Nam bệnh nhân 34 tuổi bị biến chứng do điều trị bỏng bằng thuốc nam đang được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang chăm sóc.

Lúc này vết bỏng của anh đã bị nhiễm trùng, đau đớn, các bác sỹ, điều dưỡng Khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH) của bệnh viện đã phải truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, thay băng và theo dõi đánh giá tổn thương bỏng hằng ngày.

Tiếp đó, ngày 16 và 17-9, bệnh viện tiếp nhận thêm 2 trường hợp bệnh nhi là Nguyễn Bảo T.(8 tuổi) và Lý Thị H.(5 tuổi), đều trú tại huyện Yên Sơn và cùng bị bỏng nước sôi độ II và độ III. Cả hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng.

Các bệnh nhi này sau khi bị bỏng, gia đình cũng đến “thầy lang” lấy thuốc nam về đắp cho trẻ. Một ngày sau, vị trí bỏng không đỡ mà sưng tấy đỏ, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện để khám bệnh. Hiện hai bé đang được điều trị tích cực tại Khoa CTCH.

Theo BS CKII. Ngọc Đại Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, Trưởng khoa CTCH cho biết: “Thời gian qua, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí”.

Bị bỏng, phải đến cơ sở y tế điều trị

Có nhiều nguyên nhân gây ra bỏng trong sinh hoạt như do dầu mỡ sôi, bỏng lửa hoặc điện, hóa chất…, nhưng thường gặp nhất là bỏng do nước sôi. Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.

Theo BS Ngọc Đại Cương, các ca bỏng Khoa CTCH Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang tiếp nhận và điều trị chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động và chưa ý thức được nguy hiểm, nếu bị bỏng ở vị trí vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ.

Còn tại Viện Bỏng quốc gia thường tiếp nhận trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng nhưng tự điều trị tại nhà hoặc chữa ở “thầy lang”, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Có trường hợp bị bỏng sâu nhưng đến chữa tại cơ sở y tế tư nhân, do không chẩn đoán được hết độ sâu của bỏng, cơ sở này đã giữ người bệnh lại điều trị.

Hậu quả là bỏng không khỏi, còn biến chứng phải vào viện điều trị thời gian dài, tốn kém, để lại di chứng, nguy hiểm tới tính mạng. Các trường hợp này đã được bệnh viện cảnh báo nhiều, song nhiều người vẫn mắc phải.

Điển hình là trường hợp cháu bé Hà Gia Bảo (3 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) bị ngã vào nồi canh vừa bắc từ bếp xuống. Trong lúc hoảng hốt, gia đình đưa cháu tới “thầy lang” ở gần nhà chữa bỏng mà không tới viện. Sau 3 ngày đắp thuốc nam, cháu bị co giật, sốc, gia đình đưa cháu tới bệnh viện cấp cứu.

May mắn, sau 2 tháng nỗ lực cứu chữa, trải qua nhiều lần phẫu thuật cấy ghép da…, bé Hà Gia Bảo đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Hiện bé đang điều trị phục hồi chức năng, nhưng do da bị co kéo nên cử động vẫn rất khó khăn, bé lại hay ốm và rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay, có thể tránh các biến chứng nguy hiểm. Những trường hợp không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng tại vị trí bỏng, dễ nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bệnh nhân bị bỏng, việc đầu tiên là xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh), việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.

Nếu có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị.

Trần Hằng
.
.