Cai nghiện thuốc lá bằng châm cứu, bấm huyệt và thuốc Nam

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:38
Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu cai nghiện thuốc lá. Y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá như sử dụng nhĩ châm, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập luyện dưỡng sinh, thuốc ngậm y học cổ truyền…

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ và khoa học về tác dụng hỗ trợ cai nghiện thuốc lá của phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt.

Năm 2016, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tiến hành triển khai đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phác đồ tư vấn cai nghiện thuốc lá không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…) của y học cổ truyền hỗ trợ cho bệnh nhân cai nghiện thuốc lá” trên cỡ mẫu cho 50 bệnh nhân. Phương pháp này áp dụng công thức huyệt: Thần môn, thận, phế, tâm, tỳ, miệng, dưới vỏ, giao cảm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân đạt loại tốt là 63,4%, loại khá là 16,6% ...

Châm cứu hỗ trợ cai nghiện thuốc lá ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Với kết quả nghiên cứu khả quan, năm  2017, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tiến thêm một bước tiến mới trong nghiên cứu, mở rộng cỡ mẫu lên 180 bệnh nhân tiếp tục phát triển nghiên cứu chuyên sâu kết hợp thêm xoa bóp bấm huyệt cùng với dán nhĩ áp loa tai để đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Đề tài bước đầu đánh giá tác dụng của phương pháp nhĩ châm trong hỗ trợ tư vấn và điều trị cai thuốc lá đã được nhóm nghiên cứu trình bày một cách súc tích ngắn gọn và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của Hội đồng chuyên môn.

Từ năm 1950 đến nay, châm cứu phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trong quá trình chữa bệnh, trên cơ sở thừa kế phương pháp châm cứu kinh điển, các nhà thực hành châm cứu đã dựa vào các bộ vị của cơ thể mà sáng tạo ra nhiều phương pháp mới, tìm ra nhiều huyệt mới, dùng kim châm vào đó để điều trị có hiệu quả nhiều chứng bệnh khiến cho phương pháp châm cứu ngày càng có thêm nhiều nội dung phong phú. Châm loa tai (nhĩ châm) là một trong các phương pháp nghiên cứu mới tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, bệnh tật phát sinh là do mất cân bằng âm dương trong cơ thể, muốn điều trị bệnh thì phải lập lại cân bằng âm dương. Nghiện thuốc lá cũng là một trạng thái mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Khi âm dương mất cân bằng, khí huyết mất điều hòa thì bệnh tật sẽ phát sinh. Và cơ chế tác dụng của nhĩ châm chính là điều hòa lại khí huyết, điều hòa sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra.

Còn xoa bóp bấm huyệt cai nghiện thuốc lá được thực hiện trên vùng lưng với tác dụng điều hòa khí huyết, điều hòa tạng phủ, kết hợp bấm một số huyệt toàn thân hỗ trợ nhĩ châm tăng cường tác dụng điều trị của thuốc lá. Mới chỉ là bước đầu đánh giá nhưng đề tài đã chứng minh thuyết phục những tác dụng vượt trội hơn nữa trong nghiên cứu tư vấn điều trị và cai nghiện thuốc lá. Đây sẽ là làn gió mạnh hơn đẩy những làn khói thuốc mù mịt ra khỏi đời sống của chúng ta.

Ngoài phương pháp châm cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương còn nghiên cứu đánh giá tác dụng của viên ngậm CTL kết hợp tư vấn trong điều trị cai nghiện thuốc lá. Chất liệu nghiên cứu bao gồm các vị thuốc Nam rẻ tiền, thông dụng như: Bạc hà, Cam thảo, Gừng được chế thành viên ngậm tại khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Thành phần 1 viên ngậm chứa hoạt chất tương đương 1g bạc hà, 0,5g cam thảo và 1,2g gừng tươi. Liều dùng 8 viên/ngày trong 7 ngày cho bệnh nhân nghiện thuốc lá ngậm hàng ngày.

Đối tượng nghiên cứu: 180 bệnh nhân được chẩn đoán nghiện thuốc lá theo tiêu chuẩn chấn đoán DSM-IV và có ý chí quyết tâm cai nghiện thuốc lá từ > 7 điểm Q-Mat. Cận lâm sàng: bệnh nhân được đo nồng độ CO trong hơi thở. Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm thống kê sinh học SPSS 23.0.

Bước đầu nghiên cứu cho thấy bài thuốc Nam có tác dụng tốt khi kết hợp với tư vấn trong hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá. Bài thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng: thèm thuốc, lo lắng, căng thẳng, cáu gắt, chán nản, giảm tập trung, mất ngủ, ho, ngứa họng, đồng thời cải thiện triệu chứng đau đầu theo thang điểm VAS.

Ngoài ra, bài thuốc còn cải thiện về biểu hiện nghiện thuốc lá và làm giảm hàm lượng CO máu của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu.

Hút thuốc lá từ lâu đã được cảnh báo sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh tật nguy hiểm khác nhau. Nhưng bỏ ngoài tai những cảnh báo này, khoảng 15 triệu người Việt Nam hàng ngày vẫn vô tư hút thuốc lá như một thứ không thể thiếu. Thuốc lá gây các bệnh nguy hiểm đối với sức khoẻ con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sử dụng thuốc lá gây ra.

Điều này cho thấy nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức. Nhằm tăng cường công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ thành lập nhiều trung tâm cai nghiện thuốc lá, trong đó có Phòng tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại Bệnh Viện Y học cổ truyền Trung ương.

Minh Phương
.
.