Những bộ phim chuyển thể khác hẳn với nguyên tác

Chủ Nhật, 21/11/2021, 11:57

Ai cũng biết rằng khi chuyển thể tác phẩm văn học thành phim, đạo diễn không thể làm kiểu copy 1:1 được. Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc tính riêng của mình, buộc đạo diễn phải hiểu rõ sự khác biệt để truyền tải thành công các tư tưởng chủ đạo từ nguyên tác. Vậy nhưng có những đạo diễn tiến xa hơn thế, đến mức không thể nhận ra tác phẩm gốc trong bộ phim. Vậy điều gì đã dẫn đến sự kỳ cục này?!

Dune

Ngay từ khi ra rạp vào tháng 10 vừa qua, bộ phim “Dune” chuyển thể từ kiệt tác khoa học viễn tưởng cùng tên đã giành được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Giới phê bình lẫn người hâm mộ tiểu thuyết đều khen ngợi sự trung thành của bộ phim với tác phẩm gốc. “Dune” (và những tiểu thuyết khác) của cố nhà văn Mỹ Frank Herbert đều rất kén người đọc.

Nhân vật và sự kiện trong truyện của ông nhiều khi chỉ đóng vai trò phụ, còn tác phẩm trở thành “tấm vải” để nhà văn “vẽ” nên thế giới tưởng tượng siêu phàm ông nghĩ ra. Chỉ có một đạo diễn khéo léo như Denis Villeneuve mới đưa được nguyên vẹn trí tưởng tượng phong phú của Frank Herbert lên màn ảnh.

Thành công của “Dune” tuy thế làm người ta nhớ đến thất bại của bộ phim đầu tiên chuyển thể tiểu thuyết cũng mang tên “Dune”. Bộ phim ra rạp năm 1984 này được viết và đạo diễn bởi nhà làm phim gạo cội người Mỹ David Lynch. Lynch nay vẫn được biết đến như đạo diễn siêu thực hàng đầu Hollywood. Một tác phẩm kỳ dị và siêu phàm như “Dune” chắc chắn cần đến tài năng và tầm nhìn của Lynch để thành công.

Khi “Dune” ra rạp, báo chí nói nhiều về cái giá 40 triệu USD của bộ phim, nhưng ít khi nhắc đến chất lượng tác phẩm vì… họ không hiểu nội dung của nó. Nhà phê bình phim lừng danh Roger Ebert nhận xét: “Dune” không phải phim thể nghiệm, nhưng nó vẫn là bộ phim tối nghĩa nhất mà tôi từng xem. Dường như thời gian và quy luật nhân - quả mất hết ý nghĩa trong “Dune”. Ngạc nhiên hơn nữa là việc bộ phim dành đến ¾ thời gian cho các nhân vật đứng một chỗ hội thoại mà vẫn tối nghĩa như vậy!”.

David Lynch hiểu rằng muốn kéo khán giả đi xem thì phải có những cảnh hành động hoành tráng, nhưng trong tiểu thuyết gốc có rất ít trường đoạn như thế. Ông buộc phải nghĩ ra những yếu tố, chi tiết mới để thêm vào. Lynch đã làm hơi “quá tay”, khiến cho sáng tạo của mình áp đảo nguyên tác. Mặt khác, ông thêm nhiều quá đến mức bộ phim hoàn chỉnh kéo dài hơn bốn tiếng, nhưng dài thế thì không khán giả nào dám đến rạp xem phim cả. Nhà sản xuất buộc phải cắt phim xuống còn 137 phút. Có quá nhiều chi tiết quan trọng bị bỏ đi làm cho “Dune” trở nên khó hiểu đến thế.

Clueless

Nữ văn hào người Anh Jane Austen nằm trong số ít tiểu thuyết gia có tác phẩm được dịch ra hơn 50 thứ ngôn ngữ khác nhau. Độc giả ngày nay vẫn xuýt xoa đọc những tiểu thuyết của bà như “Lý trí và tình cảm” và “Kiêu hãnh và định kiến”. Austen viết về xã hội Victoria đương thời, nhưng nhân vật của bà biểu tượng cho những giá trị vĩnh cửu trong con người. Sự đồng cảm giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc là thứ khiến cho tiểu thuyết Jane Austen có sức sống lâu dài như thế.

Trái với Dune, nhân vật và cốt chuyện của những tác phẩm do Jane Austen sáng tác rất hợp với việc chuyển thể sang điện ảnh. Đã có không ít bộ phim chuyển thể hay thậm chí phóng tác truyện Austen đạt thành công lớn như “Clueless”. Bộ phim này dựa trên tiểu thuyết “Emma” nhưng lấy bối cảnh tại Beverly Hills (California, Mỹ) vào giữa thập niên 1990. Nhân vật nữ chính Cher Horowitz là một tiểu thư tốt bụng nhưng vô cùng vụng về trong ứng xử. Bộ phim xoay quanh việc cô tự “chuốc hoạ” trong các mối quan  hệ và làm cách nào cô hàn gắn lại được chúng.

“Emma” là một tiểu thuyết tình cảm nghiêm túc, còn “Clueless” là một bộ phim hài tình cảm. Nhưng điều kỳ lạ hơn nữa là sự thiếu vắng của các yếu tố giai cấp. Jane Austen có nhiều tư tưởng cấp tiến và thường xuyên phê phán chế độ giai cấp Anh đương thời. Khán giả người Mỹ của “Clueless” chắc hẳn không muốn điều này xuất hiện trong phim. Vậy là ngoài việc thay đổi mạch truyện, nữ biên kịch - đạo diễn Amy Heckerling còn phải thay thế những nét phê phán giai cấp thành sự chế giễu nhẹ nhàng văn hoá giới trẻ Mỹ. Bộ phim có phần hơi nông cạn so với tác phẩm gốc, nhưng bản thân hình mẫu nhân vật lẫn khán giả xem phim cũng nông cạn nốt, nhờ vậy đã tạo nên sự đồng cảm.

Ngày nay “Clueless” vẫn được khán giả hiện đại nhắc đến nhưng không phải vì sự vĩnh cửu như tiểu thuyết của Jane Austen. Khán giả xem “Clueless” để nhớ lại và cười vào những sự lố bịnh trong văn hoá Mỹ hồi giữa thập niên 1990. Ít ai nghĩ rằng một bộ phim hài nhắm đến thiếu niên lại trở thành “chứng nhân lịch sử” như thế.

Starship Troopers

Những bộ phim chuyển thể khác hẳn với nguyên tác -0
 Đạo diễn Paul Verhoven biến bộ phim “Starship Troopers” thành một bộ phim phản chiến.

Khi nhà văn Mỹ Robert Heinlein đặt bút viết tiểu thuyết “Starship Troopers”, ông không ngờ rằng mình đang “định hình” cho nền văn học viễn tưởng. Quyển tiểu thuyết xoay quanh cuộc chiến giữa nhân loại và loài bọ ngoài hành tinh được coi như tác phẩm khoa học viễn tưởng quân sự đầu tiên, đồng thời cũng mang đến những cốt truyện, hình mẫu nhân vật, chi tiết, v.v… sẽ xuất hiện trong hội hoạ, âm nhạc, điện ảnh, v.v… Trong số các tác phẩm chịu ảnh hưởng của “Starship Troopers” nổi danh nhất là series phim tỷ Đô “Aliens”.

Vào năm 1996, cặp đôi nhà biên kịch Edward Neumeier và đạo diễn Paul Verhoven được giao trách nhiệm chuyển thể “Starship Troopers”. Trong khi Neumeier là fan hâm mộ của tiểu thuyết, Verhoven coi “Starship Troopers” đi ngược lại với nguyên tắc của mình. Cố nhà văn Heinlein là người có tư tưởng cánh hữu, lại từng phục vụ nhiều năm trong quân đội.

Ông coi một xã hội lý tưởng là nơi mỗi người được trao quyền công dân sau khi phục vụ nghĩa vụ nhà nước bằng cách nhập ngũ hay lao động công ích. Verhoven sinh ra và lớn lên tại Hà Lan khi nước này bị phát xít Đức chiếm đóng. Đối với ông tư tưởng của Heinlein quá giống với những luận điệu bọn phát xít tuyên truyền. Verhoven quyết tâm làm một bộ phim phản chiến đi ngược lại hoàn toàn với thái độ thần tượng hoá quân đội của “Starship Troopers”.

Sau hơn một năm sản xuất, bộ phim “Starship Troopers” được công chiếu ở Mỹ vào năm 1997. Cốt truyện chính của bộ phim vẫn giống như tiểu thuyết, nhưng từng cảnh quay một đều được Verhoven lồng vào sự mỉa mai. Từ việc đặt góc quay mô phỏng theo những bộ phim tuyên truyền của phát xít Đức đến các cảnh hành động máu me đến mức buồn cười, điều mà đạo diễn muốn là làm khán giả cảm thấy tư tưởng của tác phẩm gốc lố bịch đến mức không thể chấp nhận được.

“Starship Troopers” đã bị không ít fan hâm mộ của tiểu thuyết chỉ trích nhưng vẫn thu bộn tiền ở phòng vé. Một số nhà phê bình còn coi nó như bộ phim phản chiến hay nhất của thập niên 1990. Phim có một số hậu phần tiếp theo trung thành hơn với nguyên tác nhưng đều không đạt đến sự đáng nhớ và thành công của tác phẩm chuyển thể đầu tiên.

Allegiant

Sau sự thành công của series phim “The Hunger Game” chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên, các studio Hollywood đều “chạy đôn chạy đáo” tìm những tác phẩm văn học dành cho thiếu niên khác để chuyển thể. Được đặt hy vọng lớn nhất là series “Divergent” do nhà văn người Mỹ Veronica Roth sáng tác. Bộ tiểu thuyết kể về cuộc đấu tranh của những người trẻ đối với sự cưỡng ép của xã hội nhằm phân hoá họ vào những đẳng cấp khác nhau. Tác phẩm thành công nhờ đánh được vào tham vọng và tinh thần yêu tự do, ghét bị trói buộc của giới trẻ.

Hai phần đầu của series phim được đánh giá không quá cao nhưng vẫn gặt hái thành công ở phòng vé. Phần thứ ba “Allegiant” thì hoàn toàn ngược lại. Kể cả những ai đã đọc tiểu thuyết cũng không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra trên màn ảnh. Có quá nhiều chi tiết và nhân vật mới được thêm vào, trong khi không ít cảnh trong tiểu thuyết bị cắt đi. Cốt chuyện bị “cắt xén” tả tơi đến mức nữ nhà văn Veronica Roth lên tiếng phủ nhận mọi sự liên quan đến bộ phim và khuyên mọi người không nên đi xem “Allegiant”.

Kênh truyền hình Entertainment Weekly có một cuộc điều tra tìm hiểu vì sao phần ba của series lại tệ như vậy. Họ phát hiện ra đạo diễn Robert Schwentke đã bị hãng phim Lionsgate gây sức ép nhằm kéo dài nội dung phim càng nhiều càng tốt. Họ muốn từ quyển tiểu thuyết cuối trong series chuyển thể được thành hai bộ phim nhằm tối đa hoá lợi nhuận. Chính sự tham lam này làm hại tác phẩm. “Allegiant” lỗ đến mức phần cuối cùng của series phim bị “khai tử”. Hãng phim Lionsgate muốn sử dụng kịch bản đã viết để quay một series phim truyền hình nhưng lại không tìm được đài truyền hình nào mua bản quyền cả. Đến nay các fan hâm mộ “Divergent” vẫn đang “ngóng cổ chờ đợi” một cái kết cho bộ phim của họ. 

Lê Vũ (Tổng hợp)
.
.