Đi tìm nguyên bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 28/12/2024, 12:30

Trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002, văn bản "Tuyên ngôn độc lập" từ các trang 699, 700, 701,702 giống với văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam và không giống văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế.

Cùng một văn bản “Tuyên ngôn độc lập” của tác giả Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng ở sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ sách Cánh diều của nhóm tác giả Lã Nhâm Thìn, Đỗ Ngọc Thống (đồng Tổng Chủ biên), Trần Văn Toàn (Chủ biên), Bùi Minh Đức, Phạm Thị Thu Hiền, Bùi Thanh Hoa, Nguyễn Văn Thuấn (NXB Đại học Huế năm 2024) lại có nhiều điểm khác so với bản in trong sách Ngữ Văn 12, tập 1 của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2023, khiến giáo viên và học sinh rất phân vân.

untitled-1.jpg -0
Cuốn sách Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002. 

Cụ thể, ở cuốn sách Ngữ Văn 12, tập 1 NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2023, của nhóm tác giả Phan Trọng Luận (Tổng Chủ biên), Trần Đăng Suyền (Chủ biên phần Văn), Bùi Minh Toán (Chủ biên phần Tiếng Việt), Lê A (Chủ biên phần làm văn), Lê Nguyên Cẩn, Đặng Anh Đào, Nguyễn Thị Ngân Hoa, Nguyễn Thái Hoà, Đỗ Kim Hồi, Nguyễn Xuân Nam, Đoàn Đức Phương, Nguyễn Phượng, Vũ Dương Quỹ, mở đầu văn bản là câu: “Hỡi đồng bào cả nước”.

z6174046786688_3a7d55e44da47f664501ededbd6df7dd.jpg -0
Nội dung văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của NXB Chính trị Quốc gia năm 2002, giống văn bản sách Ngữ Văn 12, tập 1 năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam. 

Còn phần nội dung, Bác Hồ viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”; “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”; “ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”; “chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”; “không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”; “hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”; “chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật (từ bán không để trong ngoặc kép)”; “khủng bố Việt Minh hơn nữa”; “cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật”; “bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”; “lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”; “lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”; chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh..., quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”; “toàn thể dân tộc Việt Nam.... tính mạng và của cải...”.

untitled-1.jpg -0
Hai cuốn sách Ngữ Văn 12 của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế. 

Tuy nhiên, trong sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế xuất bản năm 2024 lại in không có câu: “Hỡi đồng bào cả nước”.

Ở phần nội dung có một số chỗ khác với sách Ngữ Văn 12 năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam, như: “tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng”; “chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào”; “ngăn cản dân ta đoàn kết”; ”; “chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu”; “không cho các nhà tư sản ta được giầu lên”; “hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng”; “chúng đã “bán” nước ta hai lần cho Nhật (từ bán để trong ngoặc kép)” “khủng bố Việt Minh hơn trước”; “cứu cho người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật”; “bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”; “lập nên nước Việt Nam Cộng hòa dân chủ”; “lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật chứ không phải tự tay Pháp”; chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh..., quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”; “toàn thể dân Việt Nam,... tính mệnh và của cải...”.

hinh 1.jpg -0
Nội dung văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12 của NXB Giáo dục Việt Nam giống với nội dung cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của NXB Chính trị Quốc gia năm 2002. 

Cũng trong sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam, trong văn bản của mình, Bác Hồ không sử dụng dấu gạch ngang nào mà chỉ sử dụng dấu “,” (dấu phẩy). Trong khi đó, sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ sách Cánh diều, lại thay dấu phẩy bằng dấu gạch ngang (-) ở một số câu và viết hoa chữ cái đầu tiên sau dấu gạch ngang đó. Cụ thể: “Về Chính trị - Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào”; “Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ”; “Bởi thế cho nên, chúng tôi – Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới – đại biểu cho toàn dân Việt Nam...”;  “Vì những lẽ trên, chúng tôi – Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng...”. 

hinh 2.jpg -0
Còn nội dung văn bản bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế có nhiều chỗ in khác khiến giáo viên, học sinh rất băn khoăn. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga (giáo viên nghỉ hưu) chia sẻ: “Bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ là văn bản chính trị quan trọng, là văn kiện lịch sử vô giá. Tôi đã đọc văn bản này ở lớp 12 từ nhiều năm trước và có thể nói đã thuộc lòng từng câu từng chữ. Đối chiếu văn bản ở hai bộ sách như các anh phản ánh, tôi thấy ở cả hai bộ sách, các tác giả đều trích văn bản này được lấy từ cuốn Hồ Chí Minh toàn tập. Trong đó, sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam lấy từ cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995. Còn sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế lấy từ cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011. Có lẽ nào hai NXB này lại có hai văn bản khác nhau. Rất vô lý”.

Bà Nga cũng cho biết, khi viết, Bác Hồ luôn chú ý đến đối tượng hướng tới. Ví dụ, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (năm 1946), câu mở đầu là “Hỡi đồng bào toàn quốc!”. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc thi đua yêu nước” (năm 1948), câu mở đầu là “Cùng toàn thể đồng bào yêu quý”. Trong “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (năm 1966), câu mở đầu là “Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!”....Vì vậy, sách Ngữ Văn 12 Cánh diều không có câu mở đầu là không hợp lý. Hơn nữa, Bác Hồ là người rất chú trọng câu chữ nên trong Tuyên ngôn độc lập, Bác viết “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là rất hợp lý vì câu mở đầu nhắc đến chữ “quyền”, các câu sau nêu rõ các quyền là hợp lý. Còn sách Ngữ Văn 12 Cánh diều lại ghi “tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng” và các câu sau nói đến quyền là không hợp lý vì câu chủ đề không nêu quyền mà các câu sau nêu quyền là không phù hợp. Ngoài ra, còn nhiều chỗ in sai, in khác mà phóng viên đã chỉ ra.

Anh Trần Ngọc Hải (TP Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi học lớp 12 cách đây hơn 10 năm và đã được học "Tuyên ngôn độc lập" rất kỹ lưỡng. Hôm qua đứa em học lớp 12 bộ sách Cánh diều hỏi về nội dung bản "Tuyên ngôn độc lập", đọc thì thấy không giống bản mà tôi được học trước đây. Rất khó hiểu”.

Sáng 28/12, chúng tôi đến Thư viện tỉnh Sóc Trăng mượn cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002 để tra cứu văn bản "Tuyên ngôn độc lập" từ các trang 699, 700, 701,702 thấy văn bản trong cuốn sách này giống với văn bản sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam, không giống với văn bản trong sách Ngữ Văn 12, tập 2, bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế...

V.Đức - C.Xuân
.
.