Phải biết 'lấy ngắn nuôi dài'
Chuyên ngành văn học có bốn tác phẩm đoạt giải thưởng gồm: “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” (tập phê bình, tiểu luận) của nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải; “Mùi chữ” (tập phê bình, tiểu luận) của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam; “Cửa hiệu giặt là” của nhà văn Ðỗ Bích Thúy (tiểu thuyết) và “Có một phố vừa đi qua phố” (tập thơ, văn) của tác giả trẻ (đã mất) Ðinh Vũ Hoàng Nguyên. “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” là một trong số ít cuốn sách được nhiều bạn đọc quan tâm, tìm hiểu.
Có một khái niệm mà bấy lâu nay, ngay cả trong giới học thuật cũng chưa phân định được rõ ràng, đó là “phê bình hàn lâm” và “phê bình báo chí”. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự phân biệt hai khái niệm này, đó là người ta thường dựa vào phương thức mà các tác phẩm phê bình ấy được công bố trên loại hình phương tiện truyền thông nào. Và một cách rất cảm tính, không ít người cho rằng, những bài phê bình được đăng trên các tạp chí nghiên cứu thì đó là bài phê bình hàn lâm. Còn những tác phẩm được đăng trên các báo chính trị, xã hội ra hằng ngày thì đó là các bài phê bình báo chí.
Nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải (thứ hai từ phải qua) trong buổi lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2014. |
Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề mấu chốt để phân định đâu là một tác phẩm phê bình hàn lâm hay phê bình báo chí, đó là nội dung, là cách đặt vấn đề và lý giải vấn đề của người phê bình chứ không phải là in ở đâu, dung lượng ngắn hay dài. Vì thế, tập phê bình, tiểu luận “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” của nhà thơ, phê bình văn học Phạm Khải, tuy là một tập hợp các tác phẩm được công bố trên nhiều ấn phẩm báo chí, nhưng đa số những người đã đọc nó, đã tìm hiểu nó, đã lĩnh hội những tri thức mà nó đem lại, thì đều đồng tình rằng, đó là một tập phê bình văn học hàn lâm đúng nghĩa.
Nhận xét về cuốn sách này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: “Tập phê bình “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” của Phạm Khải bám sát những câu chuyện thời sự văn học, cung cấp cho người đọc một cách nhìn, cách lý giải của tác giả về những hiện tượng, những vấn đề đang có dư luận trên văn đàn. Tác giả biết quan sát đời sống văn học, rộng ra hơn là đời sống văn hóa xã hội, từ góc nhìn cập nhật của một nhà phê bình chịu đào sâu, xông xáo”.
Tập phê bình “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” của Phạm Khải có độ dày trên 300 trang được chia thành hai phần: Tiểu luận và Phê bình, tập hợp 50 bài viết. Mỗi bài viết trong cuốn sách là những phát hiện của tác giả về các vấn đề, sự kiện nổi cộm trong đời sống văn học. Tuy nhiên, một trong những vấn đề chính yếu mà bạn đọc đặc biệt quan tâm ở trong cuốn sách, đó là việc tác giả đề cập, lý giải và đề ra hướng giải quyết đối với hiện tượng người viết nhanh, viết vội, viết ẩu để đưa ra những sản phẩm kém chất lượng, nếu như không muốn nói là còn gây hại cho xã hội.
Trong bài viết được lấy làm tên gọi của cuốn sách, nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải cho rằng: “Nhìn vào đời sống sáng tác của các văn nghệ sĩ ta hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy: “Lấy ngắn nuôi dài” đang là phương châm phổ biến của nhiều người. “Ngắn” ở đây có thể được hiểu là những việc làm không phải lao tâm khổ tứ nhiều nhưng lại đem lại hiệu quả kinh tế tức thì. Và “dài” – đó có thể là những việc làm tốn nhiều công sức, thời gian; tiền bạc chỉ tượng trưng nhưng giá trị nghệ thuật lại mang tính bền vững”.
Trong bài viết “Phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí: Thiếu cân bằng vì nhiều lẽ”, tác giả có đoạn: “Khi các bậc đàn anh lui vào… hậu trường, đương nhiên “sân bãi” sẽ thuộc (và chắc chắn thuộc) về các cây bút trẻ, là những người mà tòa báo đã trả lương để cáng đáng công việc. Nói chung là ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, còn thì với các cây bút trẻ, đa phần vốn liếng hiểu biết của họ cũng còn mỏng mảnh. Khả năng đánh giá, phân tích vấn đề một cách sâu sắc, chững chạc, chuẩn mực… cũng không nhiều.
Nhưng “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” (thơ Tố Hữu), các cây bút trẻ vẫn cần phải vừa hành nghề vừa không ngừng trau dồi, nâng cao tri thức. Nhưng thực tế, như trên đã nói, nhiều tờ báo của ta hiện nay đã phát triển thành báo ngày, hoặc ít ra vài ba số một tuần, áp lực bài vở đã khiến các cây bút trẻ gần như phải chạy… sô (mà cũng không hết việc). Người ta vẫn ví nghề viết như con tằm ăn lá dâu rồi nhả ra tơ, nhưng – thời của tốc độ, một khi ai đó còn rơi vào tình trạng ăn không kịp nhai, nói không kịp nghĩ, một khi người viết không đủ thời gian để theo dõi một sự kiện (như xem nhiều lần một vở kịch, một bộ phim…), đọc đến nơi đến chốn một cuốn sách, thì để đủ “khoán”, rất sẽ dẫn tới việc họ xào xáo, dựa dẫm vào ý kiến người khác (kể cả xào xáo bài của nhau)”.
Từ việc tìm ra nguyên nhân yếu kém do vấn đề tốc độ sáng tạo và sự non kém về tuổi đời, tuổi nghề, trải nghiệm của người viết, nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải đã đề ra những hướng xử lý đến tận gốc rễ vấn đề. Riêng trong lĩnh vực phê bình trên báo chí, ngoài việc cần phải có được đội ngũ những nhà phê bình chuyên nghiệp, tác giả đề xuất: “Để giải quyết hiện tượng này, theo tôi, song song với việc tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho các phóng viên trẻ thì không còn cách nào khác là chúng ta phải qui hoạch lại hệ thống báo chí. Không để tình trạng báo chí phát triển tràn lan, trong khi những tờ báo thực sự sống được bằng nội lực của mình chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.
Bài viết này nhà phê bình văn học Phạm Khải viết ngày 3/1/2011 – cách đây hơn 4 năm. Và trong Hội nghị Trung ương 10 mới được tổ chức cách đây ít ngày, Trung ương Đảng cũng đã bàn luận đến vấn đề qui hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Như vậy, vấn đề của nhà phê bình ở đây không đơn thuần chỉ là khen, chê, bình phẩm về các tác phẩm, vấn đề trong đời sống văn học, nghệ thuật, mà bao quát hơn, họ phải dự báo và tìm ra được hướng giải quyết vấn đề mà có thể, một thời gian sau mới trở thành hiện thực trong thực tế.