“Đoạn trường vinh hoa” công chiếu, phim tài liệu Việt có lập nên kỷ lục mới?

Thứ Tư, 30/09/2020, 17:06
Ngày 30/9, Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” sẽ được công chiếu lần đầu tiên vào ngày 18/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. 

Bộ phim nằm trong khuôn khổ Dự án VTV đặc biệt – một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam, được tài trợ bởi quỹ FAMLAB, thuộc dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh. Phim do Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài truyền hình Việt Nam (VTV3) thực hiện trong thời gian hơn 1 năm (tháng 3/2019 đến tháng 8/2020). 

Đây cũng là dự án phim được kỳ vọng sẽ lập nên kỷ lục mới cho phim tài liệu Việt sau “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” – một bộ phim tài liệu cũng hướng đến phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, đã từng rất thành công trước đó về mặt khán giả, từng đoạt giải  "Special Mention" tại Liên hoan Phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots và bằng khen trong hạng mục Phim tài liệu tại giải Cánh diều năm 2013.

Cảnh phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa”

Tập trung khai thác đề tài văn hoá truyền thống, “Đoạn trường vinh hoa” hứa hẹn mang đến với khán giả một bộ phim tài liệu xúc động về con người và văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Trong đó, nhóm làm phim đã đồng hành cùng gánh hát Phương Ánh – một gánh cải lương tuồng cổ  hiếm hoi vẫn còn rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. 

Gánh hát tập hợp nhiều thành viên từ nhiều nơi khác nhau như Cần Thơ, Sóc Trang, Bạc Liêu. Mỗi dịp lễ Kỳ Yên hàng năm, họ lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các Đình thần, vừa để biểu diễn phục vụ người dân, vừa để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc.

Trong suốt quá trình làm phim, đoàn làm phim không chỉ đồng hành mà còn hòa vào cuộc sống của gánh hát để phản ánh lại cuộc sống, đam mê, tâm tư, tình cảm của họ một cách gần gũi. Qua đó, tính cách của từng nhân vật được bộc lộ một cách chân thực  nhất. Nói như chia sẻ của đạo diễn Lê Mỹ Cường là: “Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ, không hề có định kiến về sự khổ sở. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống.”

Với hình thức thể hiện hướng tới phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, “Đoạn trường vinh hoa” không chỉ phản ánh một cách đơn thuần về hành trình của gánh cải lương tuồng cổ, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại. Ở đó, cuộc sống, con người miền Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn vất vả. Nhưng, không vì thế mà họ làm mất đi bản chất tốt đẹp, chất phóng khoáng vốn có.

Theo Hội đồng Anh tại Việt Nam, bộ phim “Đoạn trường vinh hoa” hướng tới các nhóm đối tượng đa dạng khác nhau. Với người trong cuộc - những nghệ sĩ thì đây là cơ hội để họ chia sẻ tiếng nói, tâm tư của mình sau ánh đèn sân khấu. Với những khán giả trẻ, nhóm thực hiện mong muốn đưa cải lương tuồng cổ - loại hình nghệ thuật truyền thống quay trở lại dưới một góc nhìn mới gần gũi, sâu sắc, giàu tính nhân văn, kích thích người xem tìm hiểu về môn nghệ thuật này. 

Sau khi xem phim, chính khán giả sẽ là những người tiếp tục truyền tải thông điệp và ý nghĩa của bộ phim qua các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội. Với những khán giả lớn tuổi, đây sẽ là cơ hội để họ nhìn lại những hồi ức đẹp về văn hóa truyền thống. Việc sản xuất và phát hành phim cũng là cơ hội để bạn bè thế giới tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật của Việt Nam.

Dự kiến, sau suất công chiếu đầu tiên tại Hà Nội, phim được chiếu phục vụ miễn phí khán giả  tại Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Phim cũng sẽ được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 (20h) trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt tháng 11/2020 và gửi đi một số liên hoan phim tài liệu về đa dạng văn hoá, thúc đẩy sự gìn giữ, phát triển văn hoá bản địa ở trong nước và thế giới.

N.Hoa
.
.