Chuyện về họa sỹ vẽ chân dung Bác Hồ
Con đường đến với nghệ thuật hội họa, tranh cổ động của người nghệ sỹ tự do này tuy tình cờ nhưng đã gắn bó với ông cả cuộc đời. Người họa sỹ có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, chỉ có đôi tay tài hoa và niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật. Ông là một trong số những họa sỹ vẽ nhiều tranh chân dung Bác Hồ. Năm 2007, họa sỹ Lê Thái được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.
Một ngày cuối tháng 4/2015, chúng tôi đến thăm họa sỹ Lê Thái. Ngôi nhà của ông đơn sơ, nằm trên con phố Cầu Đất sầm uất của thành phố Cảng. Phòng khách vừa là nơi vẽ tranh, vừa là phòng nghỉ.
Trong không gian nghệ thuật ấy, người họa sỹ già năm nay đã 78 tuổi kể về cuộc đời của mình: "Tôi mồ côi cha từ lúc 5 tuổi, mẹ đi lấy chồng khác. Sau đó, tôi được một người họ hàng nhận nuôi. Nâng đỡ tôi vượt qua đói khổ thời thơ ấu chính là niềm đam mê vẽ. Tôi sống gần nhà văn hóa thành phố, hằng đêm tôi trèo lên cửa sổ nhìn sang. Ở cuối nhà văn hóa, tôi chăm chú vào một lớp dạy vẽ thì người thầy bước lại, mời tôi vào lớp học. Sau khi vẽ xong bức tranh đầu tiên, thầy đưa cho các bạn trong lớp xem và nói tôi có năng khiếu hội họa. Từ đấy, tôi theo thầy học vẽ. Năm 15 tuổi, họa sỹ Lê Thái được công chúng và giới mỹ thuật thành phố đánh giá cao. Sau đó, ông được tuyển vào nhà văn hóa thành phố và phụ trách vẽ tranh tuyên truyền cổ động. Từ đó, tôi gắn cả cuộc đời mình với công việc vẽ tranh cổ động, mà đề tài chủ yếu là vẽ chân dung Bác Hồ...".
Cơ duyên đến với nghề vẽ tranh cổ động, vẽ tranh Bác Hồ đối với họa sỹ Lê Thái thật tình cờ. Trong một lần tìm tài liệu vẽ tranh, ông tìm được một bức ảnh của Bác. Hình ảnh Bác với thần thái trang nghiêm, bác ái, hiền hòa. Những cảm xúc đó thôi thúc ông cầm cây cọ vẽ hình tượng của Bác. Từ đó, ngày nào ông cũng luyện tập để vẽ chân dung Bác Hồ qua tranh, ảnh mà mình sưu tầm được....
Năm 19 tuổi, họa sỹ Lê Thái lần đầu tiên trong đời vẽ chân dung Bác. Đó là năm 1957, nhân kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, nhạc sĩ Trần Hoàn (lúc đó là Giám đốc Nhà văn hóa thành phố) giao cho ông hoàn thành một tác phẩm lớn. Đó là vẽ một bức chân dung Bác Hồ treo trước cửa Nhà hát lớn có chiều cao tới 5m. Để thực hiện thành công bức tranh này là điều vô cùng khó khăn. Được lãnh đạo tin tưởng, tôi vừa mừng, lại vừa lo, chỉ sợ vẽ không giống Bác.
Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trong một tuần, họa sỹ Lê Thái dồn toàn bộ tâm trí vào công việc đúng tiến độ được giao. Sau đó, bức vẽ được hoàn thành, treo trang trọng trên tường Nhà hát lớn đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố. Đến nay, họa sỹ Lê Thái không thể nhớ được đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Bác Hồ.
Họa sỹ Lê Thái bên một bức tranh về Bác Hồ. |
Tranh cổ động, nhất là những bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức lan tỏa mãnh liệt. Để tạo nên được khả năng kỳ diệu ấy chính là nhờ đôi tay, khối óc của những tác giả đã miệt mài và âm thầm hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ. Họa sỹ Lê Thái chưa từng bị lỡ hẹn một bức tranh nào trong suốt cuộc đời mình". Tuy nhiên, ông cũng từng gặp một "sự cố nghề nghiệp" đáng nhớ.
Ngày Bác Hồ từ trần, họa sỹ Lê Thái nhận nhiệm vụ vẽ bức chân dung Bác treo vào sáng hôm sau để nhân dân thành phố đến vĩnh biệt Bác lần cuối. Bức chân dung hoàn thành vào 3 giờ sáng. Tuy nhiên, khi kiểm tra tác phẩm thì phát hiện những "vết mốc" trên bức vẽ do chất liệu màu bị hỏng. Không thể sửa chữa, không thể để bức di ảnh của Người không hoàn hảo, ông cặm cụi làm lại ngay trong đêm. Cuối cùng, 9h sáng hôm sau, bức vẽ được hoàn thành kịp giờ cử hành lễ viếng, như một lời tạ ơn, lời biết ơn sâu sắc của họa sĩ tới Bác.
Theo họa sỹ Lê Thái, khả năng vẽ đẹp và nhanh của ông là do tình cảm kính yêu đối với vị cha già dân tộc. Tuy chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng họa sỹ Lê Thái tìm hiểu hàng ngàn tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Bác để thể hiện Bác qua tranh với một góc nhìn mới, sinh động hơn, giàu tính nhân văn hơn. Bên cạnh những bức "truyền thống" như: Bác ngồi đọc sách, duyệt công văn, câu cá, vui với các cháu thiếu nhi... được nhiều nghệ sỹ khai thác, họa sỹ Lê Thái đã “sáng tạo” thêm nhiều bức tranh “độc và lạ” như bức tranh: Bác Hồ đang đánh đàn ghita thể hiện sự gần gũi của Bác với công nhân lao động Hải Phòng năm 1962. Bức tranh này do ông sưu tập được ảnh trên Báo Hồn Việt...
Do đọc nhiều, cảm nhận về Bác qua những trang sách và xem ảnh Bác đi thực tế, ông dành trọn sự nghiệp cuộc đời cho nghệ thuật tranh cổ động. Với ông, mỗi bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ đem lại một cảm xúc khác nhau. Nhưng trên hết, khi nghĩ về Bác, mỗi chúng ta sẽ trong sáng hơn.
Đa số các bức tranh ông vẽ thường trực nằm trong sức ép của thời gian. Những bức vẽ khó nhất, đòi hỏi nhiều công sức nhất cũng chỉ trong khoảng một vài tuần. Trong số hàng ngàn bức vẽ trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông Lê Thái đã vẽ những bức tranh khổ lớn "kỷ lục" của dòng tranh cổ động. Ông kể, thời đó không có giàn giáo nên khi vẽ tranh lớn phải dùng bàn, ghế kê lên hết cỡ để đứng vẽ.
Trong đó, có lần ông được giao vẽ bức chân dung Bác Hồ cao tới 9m. Do bị chứng "sợ độ cao" và điều kiện khó khăn nên ông đã "chia" bức vẽ thành hai phần, hoàn thành xong thì ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh nhưng không ai phát hiện ra vết nối. Theo họa sỹ Lê Thái, việc khó nhất chính là độ chính xác của các nét vẽ tại đường nối phải thật hài hòa, cân đối...
Tranh cổ động chỉ có ý nghĩa nhất thời, song vẫn có những họa sĩ như ông Lê Thái gắn bó với nghề và yêu nghề. Tuy nhiên, người họa sỹ già không khỏi băn khoăn về công việc vẽ tranh cổ động có thể bị mai một ở thế hệ kế tiếp. Với ông, thời nào cũng cần cổ vũ, tôn vinh, cần ghi nhận. Tranh cổ động không chỉ ghi lại sự kiện, mà xuyên suốt bằng chính "hồn" của sự kiện, cuốn hút, làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của dòng tranh này.