Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận về rào cản khiến ngành khó “cất cánh”

Chủ Nhật, 06/10/2024, 06:34

Mới đây, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN).

Bên cạnh một số kết quả nổi bật trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên… thì người đứng đầu bộ KH&CN cũng nhìn nhận rõ một số hạn chế và tồn tại của ngành cần sớm khắc phục.

Việt Nam là quốc gia có những tiến bộ vượt bậc liên tục về đổi mới sáng tạo

Theo công bố mới nhất từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Việt Nam là quốc gia có những tiến bộ vượt bậc liên tục về đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam GII liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 (năm 2024), tăng 2 bậc so với năm 2023, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp.

anh khoa hoc.jpeg -0
Năm 2024, ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ là 13.676,8 tỷ, chiếm khoảng 0,65% tổng chi ngân sách nhà nước.

Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.

Năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố bố trí nguồn lực, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan có liên quan để thu thập, cung cấp dữ liệu tại địa phương và đặt mục tiêu cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hàng năm trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, ngày 24/7/2024, Bộ KH&CN đã ban hành Khung chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024. Hiện nay Bộ KH&CN tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương triển khai chỉ số PII năm 2024 để công bố vào cuối năm 2024.

Đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN vẫn còn nhiều vướng mắc

Trước các điểm nhấn thành công, Bộ KH&CN thừa nhận, hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) còn chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu,…; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu và phát triển. Đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN vẫn còn nhiều vướng mắc trong khoán chi, đấu thầu, thanh quyết toán, khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN để khơi thông nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động KH&CN. Chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ, coi đầu tư cho KH&CN là chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp nên chưa có sự bứt phá đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập còn gặp khó khăn do các chính sách hiện hành chưa phù hợp với đặc thù hoạt động của tổ chức KH&CN, gây khó khăn cho hoạt động quản lý, chưa thúc đẩy được các tổ chức KH&CN có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân bố các tổ chức KH&CN chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn, trong khi đó ở các tỉnh, hệ thống các tổ chức KH&CN không chỉ ít về số lượng mà quy mô cũng rất nhỏ.

Việc định giá và phân chia lợi nhuận tiềm ẩn nhiều rủi ro vi phạm pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân của việc tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thấp. Về việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu: Có vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; vướng mắc trong cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học. Nhân lực KH&CN phân bố không đều, thiếu cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. Còn thiếu nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học tài năng, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế đủ năng lực giải quyết các vấn đề KH&CN lớn, các dự án cấp quốc gia quan trọng; thiếu tổng công trình sư có khả năng chủ trì các dự án KH&CN quy mô lớn. Cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong hoạt động KH&CN còn chưa có tính đột phá; chưa thực sự có cơ chế đãi ngộ vượt trội để thu hút và phát huy hiệu quả sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Thị trường KH&CN còn chậm phát triển; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu. Trong hệ thống các chương trình KH&CN cấp quốc gia hiện nay vẫn thiếu những chương trình KH&CN cấp quốc gia ở một số lĩnh vực trọng điểm nhằm phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST để thực hiện các đột phá chiến lược của đất nước.

Về giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ KH&CN cho rằng, cần bảo đảm tỷ lệ chi cho KHCN&ĐMST trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp. Cải tiến năng lực và tiến độ hình thành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn lực NSNN đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam nhằm chia sẻ, phản biện, xây dựng các nhóm dữ liệu mở, ứng dụng mở của Việt Nam…

Phạm Huyền
.
.