Bao giờ mới nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế?
Đây là câu hỏi được nhiều người đưa ra trong bối cảnh giá cả liên tục tăng cao, nhiều người sống chật vật nhưng vẫn ở trong diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Theo quy định hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, được áp dụng từ tháng 7/2020. Thế nhưng theo phản ánh của người lao động, mức GTGC hiện nay đã trở nên quá lạc hậu khi lạm phát tăng, chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
![a.jpg -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/13/a-1739398358229.jpg)
Tại Dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế) đang công bố lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến thông qua vào tháng 5/2026, có hiệu lực từ năm 2027, Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức GTGC cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với diễn biến chỉ số CPI và các chỉ số kinh tế vĩ mô giai đoạn gần đây, góp phần giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế. Đồng thời, bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh. Đối với biểu thuế lũy tiến từng phần, tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 7 bậc hiện hành xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách trong các bậc chịu thuế…
Tuy nhiên, cho rằng mức GTGC hiện đã quá lạc hậu, LS Nguyễn Thanh Hà cho rằng cần sớm nâng cho người nộp thuế, không thể đợi đến khi Luật có hiệu lực. “Trong bối cảnh hiện nay, mức GTGC 11 triệu đồng/tháng không còn tương xứng với chi phí sinh hoạt tối thiểu. Bên cạnh đó, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 đã kéo theo thu nhập chịu thuế tăng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quyết định tăng mức GTGC khi tăng lương cơ sở. Từ quan điểm pháp luật, việc điều chỉnh mức GTGC là cần thiết để đảm bảo nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế. Điều này cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống thuế công bằng và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội”, ông Hà nói. Vị luật sư này cũng đề xuất với tình hình hiện tại, có thể nâng lên mức khoảng 15-20 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 6-8 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc, dựa trên các nghiên cứu kinh tế. Ngoài ra, nên xây dựng cơ chế tự động điều chỉnh mức GTGC theo chỉ số CPI hàng năm để giảm thiểu độ trễ trong chính sách. “Việc chưa điều chỉnh mức GTGC trong thời điểm lạm phát cao thực sự là một vấn đề cần được xem xét nghiêm túc. Một chính sách thuế công bằng không chỉ đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn góp phần bảo vệ đời sống của người dân, đặc biệt là các nhóm thu nhập trung bình và thấp. Đây là lúc Nhà nước cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân để có sự thay đổi phù hợp”, ông Hà kiến nghị.
Cũng đề xuất nên áp dụng mức GTGC mới ngay trong năm nay, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này nhằm động viên, chia sẻ khó khăn với người nộp thuế TNCN. Theo ông Thịnh, khi xây dựng Luật Thuế TNCN thay thế, người làm chính sách cần thay đổi tư duy để chính sách đưa ra phải hợp tình hợp lý, không thể để nộp thuế TNCN là áp lực, gánh nặng lớn đối với người dân. Hiện nay, mức GTGC mới khi nâng thêm 20% theo diễn biến CPI như Luật Thuế TNCN quy định sẽ là 13,2 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 5,3 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Mức này vẫn là quá thấp so với biến động của giá cả, chưa đáp ứng được đủ những chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu ăn ở, mặc, học hành... của người nộp thuế hiện nay.
Có cùng đề xuất, trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính sau kỳ họp Quốc hội thứ 7 khoá 15, cử tri nhiều tỉnh, thành có kiến nghị điều chỉnh GTGC phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Và mới đây, góp ý vào Góp ý dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đồng tình cần thiết tăng mức GTGC so với hiện nay, trong đó, một số ý kiến đưa ra con số đề xuất cụ thể. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức GTGC đối với người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng và cho người phụ thuộc 6,9 triệu đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh thì đề nghị nâng mức GTGC với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng một tháng, với người phụ thuộc ở mức 8 triệu đồng một tháng. UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị tăng các mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc lên lần lượt là 16 triệu đồng và 6 triệu đồng; tỉnh Sơn La đề xuất tăng lên 14 triệu đồng và 5 triệu đồng. Nhiều địa phương, bộ ngành kiến nghị bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người. Các khoản hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân, hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo cũng được đề xuất đưa vào giảm trừ. Tỉnh Bắc Giang còn cho rằng việc áp dụng mức giảm trừ phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền trong cả nước thay vì cào bằng một mức như hiện nay. Tương tự, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng mức giảm trừ phù hợp với chính sách tiền lương tối thiểu theo 4 vùng của Chính phủ…
Được biết, Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức GTGC theo biến động chỉ số giá tiêu dùng vào kỳ họp tháng 10 năm nay, đồng thời tính toán thời điểm áp dụng mức GTGC mới. Theo tính toán, CPI từ năm 2020 - 2024 đã tăng gần 16%. Và với mức tăng CPI dự kiến vào khoảng 4% trong năm nay, theo các kịch bản đã được Bộ Tài chính đưa ra trước đó, khả năng CPI từ năm 2020 đến cuối năm nay sẽ chạm ngưỡng 20% - đủ điều kiện nâng mức GTGC theo luật hiện hành.