Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế

Chủ Nhật, 27/10/2024, 07:55

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu khẳng định hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng quan trọng. Trong đó về lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Ngay trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến 13 dự thảo luật… Các văn bản này sẽ góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền con người và phục vụ phát triển đất nước.

Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế -0
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục. Theo đồng chí Tổng Bí thư, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân. Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập... Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ.

Để khắc phục các hạn chế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ.

Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế -0

Thực tiễn việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, đến nay hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện và phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng cao…

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đáng chú ý, nhiều dự án luật có “vòng đời” ngắn, vừa ban hành chưa được bao lâu đã phải sửa đổi, thậm chí sau khi sửa lại phát sinh các bất cập mới. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc xem xét các điều kiện, nguồn lực thực hiện vẫn còn chung chung, không rõ ràng. Tình trạng “cài lợi ích” trong văn bản pháp luật chuyên ngành cũng là vấn đề đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra, trong đó có những đề xuất trong dự luật đã gây phản ứng trong dư luận, sau đó buộc cơ quan soạn thảo phải gỡ bỏ đề xuất.

Việc phải thường xuyên sửa các đạo luật, cơ quan soạn thảo thường giải thích do bất cập trong thực tiễn. Song nhìn sâu xa, thực chất do công tác dự báo, xây dựng pháp luật của chúng ta còn hạn chế nên khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì bộc lộ sự bất cập, thậm chí còn gây khó khăn cho thực tiễn. Việc mới ban hành mà chỉ một vài năm đã phải sửa rõ ràng do khả năng dự báo, đánh giá hạn hẹp, không thấy được sự chuyển mình của thực tiễn để đưa ra những quy định có tính ổn định. Vì vậy, dư luận có câu cảnh báo “tránh ngồi phòng lạnh làm luật” hay “quy định trên trời”, ý chỉ người làm luật phải sâu sát thực tiễn, phải hiểu cuộc sống, lĩnh vực mình phụ trách. Do đó phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hoá. Ngược lại, những gì chưa rõ, chưa chín, thực tiễn còn đang có nhiều ý kiến khác nhau thì cần khảo sát, đánh giá, làm thí điểm chứ chưa vội quy định cứng trong luật. Không lấy một sự việc cá biệt, riêng lẻ để xây dựng một hành lang pháp lý hay đánh giá việc thực thi pháp lý có tính phổ quát.

Một điểm nữa là văn bản luật cần tránh quá chi tiết, dài dòng, tránh quy định trừu tượng dẫn tới nhiều cách hiểu mà cần ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Tư duy xây dựng luật pháp phải thay đổi theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, những cái gì chưa rõ thì không quy định vào luật, những gì chi tiết thì để ban hành bằng các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư. Điều này cũng đảm bảo tính linh hoạt khi sửa đổi. 

Cùng với đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực thực chất của văn bản luật, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành. Việc đánh giá, sơ kết nhằm kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thất thoát, lãng phí nguồn lực, giúp các cơ quan chức năng chủ động phát hiện và tháo gỡ những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các ngành, lĩnh vực, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Chủ động xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đăng Minh
.
.