30.000 người tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Thứ Sáu, 04/07/2025, 15:16

Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào lúc 6h30 sáng thứ ba, ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình và một số tuyến đường trung tâm Thủ đô, với quy mô khoảng 30.000 người tham gia.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 173 về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025). 

Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử đặc biệt quan trọng, nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lễ kỷ niệm là dịp để khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lan tỏa tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế. 

09f3827487d6308869c7-1751370284742.jpg -0
Các chiến sỹ Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh CSCĐ hành quân ra Hà Nội huấn luyện diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Hà Nội được Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước giai đoạn 2023 – 2025 giao chủ trì tổ chức sự kiện, phối hợp cùng các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương để chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, hình thức và công tác tổ chức.

Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào lúc 6h30 sáng thứ ba, ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình và một số tuyến đường trung tâm Thủ đô, với quy mô khoảng 30.000 người tham gia. Chương trình chính bao gồm nghi thức rước đuốc, chào cờ, đọc diễn văn, diễu binh – diễu hành, cùng các tiết mục đồng diễn nghệ thuật đặc sắc do Bộ Quốc phòng xây dựng đề án thực hiện.

UBND TP Hà Nội phân công Chủ tịch Trần Sỹ Thanh chỉ đạo chung toàn bộ các hoạt động; Phó chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phụ trách điều phối các sở, ngành của Hà Nội phối hợp với Trung ương, đồng thời chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp kết quả, báo cáo tiến độ định kỳ và đột xuất. 

Các Phó chủ tịch UBND khác cũng được giao chỉ đạo theo lĩnh vực phụ trách, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ.

Cùng với đó, các cơ quan trung ương được phân công nhiệm vụ cụ thể. Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phối hợp xây dựng và xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung diễn văn kỷ niệm. Ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương đảm nhận vai trò định hướng truyền thông, phối hợp triển khai chương trình nghệ thuật. 

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy và tổ chức lực lượng diễu binh, kiểm soát an ninh trong sự kiện. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đóng vai trò tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật, tổ chức tác nghiệp báo chí, kiểm soát truyền thông và các nền tảng xã hội, đồng thời phát hành ấn phẩm tuyên truyền về sự kiện. 

Bộ Ngoại giao phối hợp mời đại biểu quốc tế, đảm bảo công tác phiên dịch và ban hành tài liệu song ngữ. 

Các bộ như Y tế, Xây dựng, Nội vụ, Tài chính... được giao đảm bảo y tế, hạ tầng, kinh phí, giao thông, truyền thông và công tác thi đua khen thưởng.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp sóng truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành do Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với vai trò cơ quan thường trực, sẽ chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết, thành lập Ban tổ chức và các tiểu ban, lập danh sách khách mời, xin ý kiến Trung ương, thiết kế lễ đài, khán đài, sơ đồ chỗ ngồi, chuẩn bị hậu cần, truyền thông, thẻ báo chí và điều kiện luyện tập, tổng duyệt. Đồng thời, đơn vị này sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức chính thức sự kiện và đề xuất khen thưởng theo quy định.

N.Yến
.
.