Vì sao Công Phượng không có tên trong đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024?

Thứ Sáu, 22/11/2024, 08:32

Công Phượng ghi 5 bàn thắng sau 6 trận cho Bình Phước. Nhưng anh lại không phải là tiền đạo được HLV Kim Sang Sik chọn lựa lên ĐT Việt Nam.

Công Phượng trở thành tâm điểm

Chiều 20/11, trên sân Tự Do, Bình Phước giành chiến thắng với tỷ số 1-0 trước Huế. Người mang về 3 điểm quan trọng giúp đại diện miền Đông Nam Bộ tiếp tục hành trình hướng đến tấm vé thăng hạng V.League một lần nữa là Nguyễn Công Phượng. Cầu thủ 29 tuổi đã có bàn thắng thứ 5 sau 6 trận chơi cho Bình Phước. Và tất cả những lần lập công của anh đều giúp đội nhà giành được thắng lợi, từ Cúp Quốc gia cho đến hạng Nhất. 

Nếu nhìn ở góc độ bàn thắng, Công Phượng hiển nhiên là tiền đạo nội săn bàn thuộc top 5 trong hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia. Và xét trong dàn cầu thủ trên hàng tấn công mà HLV Kim Sang Sik chọn lựa cho ĐT Việt Nam hướng tới AFF Cup 2024, với: Tiến Linh, Tuấn Hải, Vỹ Hào, Quốc Việt, Thanh Bình thì Công Phượng cũng đứng thứ 2 về "năng lực dội bom".

Bên cạnh câu chuyện hiệu suất săn bàn, tranh cãi khác cũng nổ ra khi HLV Kim Sang Sik triệu tập 2 tiền đạo ở hạng Nhất là Quốc Việt và Đinh Thanh Bình. Bộ đôi tiền đạo của Phù Đổng Ninh Bình cũng mới chỉ có tổng cộng 2 bàn thắng, tức là ít hơn 2 lần so với Công Phượng. Dù rằng, cả 3 đều chơi cùng một hạng đấu. 

Vì sao Công Phượng không có tên trong đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024? -0
Công Phượng không có tên trong đội tuyển Việt Nam.

Yếu tố khác cũng sẽ khiến người hâm mộ cảm thấy lấn cấn khi HLV Kim Sang Sik không triệu tập Công Phượng. Đó là nhà cầm quân Hàn Quốc sẵn sàng mạo hiểm gọi 3 cầu thủ chưa làm việc với mình tại ĐTQG gồm Trương Tiến Anh, Doãn Ngọc Tân và Trần Bảo Toàn. Nhưng ông lại không trao cơ hội cho Công Phượng - cầu thủ vốn dĩ đã dạn dày kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao dù rằng vắng bóng ở ĐT Việt Nam suốt 1 năm qua. 

Nếu dựa trên thước đo bàn thắng và kinh nghiệm thi đấu trước đó, HLV Kim Sang Sik hoàn toàn chẳng có lý do gì để không triệu tập Công Phượng. Bởi chính nhà cầm quân Hàn Quốc này còn điền tên anh vào danh sách sơ bộ chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhưng trong bóng đá, không phải cứ khi nào ghi bàn là cầu thủ đó được đánh giá hay. Và dựa trên những tiêu chí đánh giá một cách toàn diện, ông Kim có lý do của bản thân để không đưa Công Phượng vào danh sách đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2024. 

Vấn đề của Công Phượng 

Thực tế, vấn đề của Công Phượng tồn tại ngay cả khi… anh ghi bàn thắng. Như trong trận đấu với Bình Phước, chân sút 29 tuổi thực ra chơi không tốt trong phần lớn thời gian có mặt trên sân. Công Phượng hạn chế trong tranh chấp, ít hoạt động cường độ cao trong giai đoạn Bình Phước không có bóng. Trong vai trò một tiền đạo đá lùi sâu, thực tế cầu thủ này không được giới chuyên môn đánh giá cao. Thế nhưng đúng ở thời điểm mà Phượng chỉ ở diện trung bình trong màn trình diễn của mình, anh lại có được bàn thắng mang về 3 điểm cho Bình Phước. 

Tương tự câu chuyện cách đây 1 năm về trước, trong trận đấu cuối cùng khoác áo ĐT Việt Nam cho đến hiện tại, Công Phượng cũng trải qua điều tương tự. Lúc bấy giờ, trong trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Palestine, Công Phượng được đưa vào sân trong hiệp 2. BHL yêu cầu Công Phượng phải chạy, tích cực di chuyển và pressing. Ở cường độ làm việc liên tục như vậy, Phượng không đáp ứng được. Cuối cùng sau 10 phút bất thành với nhiệm vụ đó, BHL yêu cầu Công Phượng đá ở vị trí tiền đạo. Anh lại ghi bàn. Nghịch lý nằm ở chỗ ấy. Dù nhiệm vụ chính chưa đáp ứng được nhưng Phượng lại làm được thứ mà các cầu thủ khác không làm được.

Không phủ nhận Công Phượng ra quyết định và dứt điểm tốt. Nhưng ưu điểm ấy không thể bù lại những thiếu sót mà cầu thủ này gặp phải trong bối cảnh bóng đá hiện đại đòi hỏi ngày càng cao với chuyên môn cầu thủ. Ngay cả khi là một tiền đạo, cầu thủ này cũng phải tích cực di chuyển, hoạt động năng nổ giữa các giai đoạn có bóng và không có bóng. Bởi nếu không đáp ứng được điều đó, vô hình trung, cầu thủ ấy sẽ trở thành gánh nặng cho những cầu thủ khác. 

Không phải cầu thủ nào cũng là thiên tài như Messi hay Ronaldo. Bản thân 2 siêu sao hàng đầu thế giới cũng phải bù lại khoản ít di chuyển, hỗ trợ đồng đội bằng những bàn thắng quan trọng. Công Phượng không thể đạt đến tầm như vậy để khiến ĐT Việt Nam mất đi một sự lựa chọn, với các tiền đạo đa dạng hơn, trẻ trung hơn và mạnh mẽ hơn. 

Đơn cử như trên hàng tiền đạo, Đình Bắc và Vĩ Hào đang sở hữu 2 điều mà Công Phượng không có. Đó là tốc độ và sức bền. Họ cũng sẵn sàng ngồi dự bị, theo yêu cầu chiến thuật đề ra của HLV mà không có bất cứ sự phàn nàn nào cả. Chính HLV cũng không chịu sức ép của giới truyền thông nếu như không đưa Đình Bắc hay Vĩ Hào đá chính. Song, HLV ấy sẽ rắc rối to nếu như không đưa ngôi sao như Công Phượng vào sân từ đầu. Câu chuyện tranh cãi đến từ HLV Philippe Troussier, khi quyết liệt để Hoàng Đức, Quang Hải ngồi ngoài là bài học lớn cho bất cứ nhà cầm quân nào khác của ĐT Việt Nam sau này. 

Vì sao là 2 tiền đạo hạng Nhất? 

Sẽ có nhiều người thắc mắc về việc Đinh Thanh Bình và Nguyễn Quốc Việt được chọn lựa, dù rằng cũng đá hạng Nhất như Công Phượng. Về điều này, ông Lê Minh Dũng - cựu trợ lý ĐT Việt Nam có chia sẻ trên báo giới: "Về phía Đinh Thanh Bình, cậu ấy ở vị trí khác so với Công Phượng. Tựa như ở Bình Phước, HLV sử dụng tiền đạo cắm là Lê Thanh Bình thì Đinh Thanh Bình cũng tương tự. Cả hai là mẫu cầu thủ thuần tiền đạo cắm, di chuyển chọn khoảng trống. Trong khi đó, Công Phượng có xu hướng tổ chức, nhận bóng vào chân rồi xoay xở. 

Nếu có tranh luận thì tôi nghĩ vị trí Quốc Việt sẽ là điều trăn trở. Có chăng, Quốc Việt đạt thể lực tốt hơn, làm việc tích cực ở thời điểm không bóng hơn và đá được tiền đạo biên, phù hợp với sơ đồ 3-4-3 của HLV Kim Sang Sik". 

Ở phần mình, Công Phượng cũng không lấy làm thất vọng khi tiếp tục vắng mặt trên ĐT Việt Nam. Anh chia sẻ với báo giới: "Theo tôi thấy danh sách đã có rồi thì các cầu thủ tốt nhất đã được chọn. Đó là điều tốt cho đội tuyển, hi vọng tuyển Việt Nam sẽ có thành tích tốt". 

Thành Trần
.
.