Vì sao Bắc Giang là “thủ phủ” cầu lông Việt Nam?
Trong 15 năm qua, Bắc Giang đã trở thành một trong những địa phương có đội cầu lông mạnh nhất Việt Nam. Họ cạnh tranh sòng phẳng cùng những đơn vị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhờ hệ thống đào tạo bài bản cùng một vài nhân tố xuất sắc.
Lực lượng đông đảo, nhiều tuyến
Bên lề giải cầu lông quốc tế Vietnam International Series I tại Bắc Giang, người hâm mộ có thể thấy nhiều cô, cậu bé mặc đồ thể thao ngồi phía ngoài nhà thi đấu. Đây là thành viên đội cầu lông Bắc Giang, được xem như những VĐV kế cận lứa đàn anh, đàn chị trong tương lai.
Nhiều năm trước, cầu lông đã phát triển ở một số địa phương. Nhưng với một tỉnh như Bắc Giang thời điểm ấy, việc dốc hầu bao, sử dụng ngân sách "chiêu binh mãi mã" là điều không khả thi. Cách duy nhất họ có thể nghĩ đến là tìm những nhân tố triển vọng ở chính địa phương mình.
Mạng lưới tuyển trạch viên cầu lông của Bắc Giang đã đi đến nhiều làng, xã của địa phương. Chính tại những nơi xa xôi đó, Bắc Giang đã tìm thấy những viên kim cương quý giá cho cầu lông Việt Nam. Gương mặt tiêu biểu nhất cho thế hệ đó là 2 VĐV Nguyễn Thị Sen và Vũ Thị Trang.
"Tại sao cầu lông Việt Nam lại có một VĐV trẻ tài năng đến thế?". Đó là nhận định của nhiều HLV quốc tế, khi họ chứng kiến Vũ Thị Trang thi đấu tại Olympic trẻ 2010. Người đồng hành cùng Vũ Thị Trang ở các giải đấu quốc tế khi ấy, tại nội dung đôi nữ, chính là Nguyễn Thị Sen.
Cặp đôi Vũ Thị Trang và Nguyễn Thị Sen từng lọt vào top 100 thế giới đôi nữ. Cá nhân Vũ Thị Trang cũng có thời gian nằm trong top 35 tay vợt nữ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thứ hạng quốc tế của những tay vợt trên chưa phản ánh chính xác tầm ảnh hưởng của cầu lông Bắc Giang đến Việt Nam khi bộ đôi này ở thời kỳ đỉnh cao.
Ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2010, với nòng cốt trong đội hình là những tay vợt mới trên dưới 20 tuổi, cầu lông Bắc Giang đã giành vị trí nhất toàn đoàn. Họ thống trị mọi hạng mục thi đấu của nữ, đồng thời thiết lập thành tích chưa từng có cho một địa phương trong lịch sử các giải cầu lông quốc gia.
Sau thế hệ Nguyễn Thị Sen, Vũ Thị Trang, cầu lông Bắc Giang hiện có một VĐV xuất sắc khác ở hạng mục đơn nữ là Trần Thị Phương Thúy. Tay vợt nữ có thân hình nhỏ nhắn này đã liên tục thể hiện tốt ở sân chơi quốc gia, đồng thời cho thấy tiềm năng hướng ra đấu trường quốc tế. Tại Việt Nam Mở rộng 2022, Phương Thúy lọt vào bán kết.
"Trên thực tế, bây giờ cầu lông Việt Nam không còn ở thời kỳ hoàng kim như 10-15 năm trước nữa. Chúng tôi cũng không có một nhóm tay vợt nào đủ sức cầm chắc HCV tại các giải quốc gia", một HLV cầu lông của Bắc Giang khiêm tốn chia sẻ. Nhưng khác với trước đây, cầu lông Bắc Giang hiện tại có thêm nhiều VĐV nam tiềm năng.
Sau thế hệ của các VĐV nữ, bên cạnh Phương Thúy, cầu lông Bắc Giang hiện có một gương mặt mới nổi bật khác là Trần Quốc Khánh. Tay vợt này đã gây bất ngờ khi giành huy chương đồng giải cầu lông các cây vợt xuất sắc quốc gia 2024. Quốc Khánh đã cho thấy tiềm năng của bản thân, và giờ tay vợt này cần đi đúng hướng để phát triển.
Chuyên nghiệp hóa từ địa phương
Cầu lông là một trong những môn thể thao có hệ thống thi đấu chuyên nghiệp tầm cỡ thế giới. Vì thế, hướng đi của các đội cầu lông luôn là đi theo hướng chuyên nghiệp hóa. Bắc Giang, trên thực tế, đã hướng đến con đường này từ khá sớm, bên cạnh nhiều đơn vị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hải Phòng.
Ở thời điểm hiện tại, cầu lông Bắc Giang có hợp đồng tài trợ cùng một hãng đồ thể thao lớn tầm cỡ thế giới. Giá trị của bản hợp đồng không được tiết lộ chính xác, nhưng nó bao gồm 2 thành tố. Thứ nhất, cầu lông Bắc Giang được nhận tài trợ toàn bộ trang thiết bị tập luyện. Thứ hai, một số VĐV nổi bật của Bắc Giang sẽ có tiền tài trợ.
"Khoản tiền tài trợ này được chuyển đến VĐV định kỳ hàng tháng, như một khoản thu nhập bên cạnh lương VĐV ở địa phương và đội tuyển quốc gia. Vì thế, những VĐV hàng đầu của địa phương có thể yên tâm sống với nghề, không phải làm những công việc khác, và tập trung toàn tâm toàn ý vào sự nghiệp cầu lông", một nguồn tin cho biết.
Một cơ chế "mở" khác của cầu lông Bắc Giang là những VĐV trong đội hoàn toàn được phép ký hợp đồng tài trợ với những nhãn hàng khác với nhà tài trợ của địa phương. Đây cũng là mô hình chung của thể thao chuyên nghiệp, khi quyền lợi của VĐV và CLB được tách riêng, không có xung đột về mặt lợi ích.
Những VĐV Bắc Giang hiện có hợp đồng tài trợ riêng gồm có Trần Quốc Khánh, Phạm Văn Hải, Thân Vân Anh, Trần Thị Phương Thúy. Họ chính là những gương mặt xuất sắc nhất cầu lông Bắc Giang hiện có. Một vài VĐV trẻ khác cũng đã sớm chứng tỏ khả năng, và có thể hướng đến sân chơi trong nước, cũng như quốc tế trong tương lai.
SEA Games 33 tại Thái Lan sẽ diễn ra trong vòng 1 năm tới. Sau một giải đấu không thành công tại Campuchia, cầu lông Việt Nam đang hướng đến những thành tích khả quan hơn vào năm 2025. Vì thế, những VĐV Bắc Giang có thể sẽ tiếp tục trở thành nhân tố quan trọng trên hành trình mới cùng đội tuyển cầu lông Việt Nam.
Tiết kiệm từng quả cầu
Một trong những khoản kinh phí lớn nhất của các đội cầu lông là tiền mua cầu. Trong bản hợp đồng giữa họ với nhà tài trợ, các nhãn hàng thường không đồng ý hỗ trợ cầu cho các đội thể thao. Đây là khoản kinh phí không thể ước lượng trước, nên các đơn vị phải tự chi ra.
Theo giá thị trường thời điểm hiện tại, một ống cầu lông có giá dao động từ 200-250 ngàn đồng. Một ngày tập luyện của các đội tiêu tốn khoảng 2-4 ống cầu, tương đương 500 ngàn đến 1 triệu đồng tiền cầu. Đây là khoản kinh phí không nhỏ nếu nhân ra hàng tháng, hàng năm.
Vì lý do trên, các huấn luyện viên thường yêu cầu vận động viên "tiết kiệm" cầu. Sau mỗi buổi tập, một số VĐV trong đội sẽ đi nhặt từng quả cầu để gom về rổ chung. Những quả cầu có thể dùng để tập tiếp sẽ được tái sử dụng, còn cầu hỏng được chuyển sang những bài tập bổ trợ khác cho vận động viên.
"Bên cạnh vấn đề kinh phí, VDDV cần rèn thói quen tiết kiệm, giữ gìn tài sản chung. Việc đánh cầu tiết kiệm là bước đầu của những thói quen tốt như thế", một HLV chia sẻ.