Những điểm yếu cần khắc phục của U23 Việt Nam
U23 Việt Nam giành quyền vào bán kết U23 Đông Nam Á 2025 với 2 trận toàn thắng tại vòng bảng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa, thầy trò HLV Kim Sang-sik tạo được sự thuyết phục trong lối chơi.
Dấu ấn bóng bổng
U23 Việt Nam giành chiến thắng 3-0 trước U23 Lào tại lượt ra quân vòng bảng U23 Đông Nam Á 2025. Tiếp nối sau đó, “Những chiến binh trẻ sao Vàng” đánh bại U23 Campuchia với tỷ số 2-1 để giành ngôi đầu bảng B, qua đó giành quyền vào vòng bán kết giải đấu. Với tư cách đội vô địch khu vực 2 lần liên tiếp gần nhất, chuyện U23 Việt Nam vượt qua những đối thủ có đẳng cấp thấp hơn không là điều bất ngờ với giới mộ điệu. Điều mà giới chuyên môn, cổ động viên quan tâm chính là cách U23 Việt Nam thể hiện trước Lào và Campuchia.
Xét ở điểm cộng trong chuyên môn, việc HLV Kim Sang-sik khai thác được những tình huống bóng bổng nói chung và phạt góc nói riêng là điểm nhấn đáng khen ngợi. 3 trong 5 bàn thắng mà U23 Việt Nam có được đến từ những pha đá phạt góc. Đó có thể là một đường chuyền hướng về cột gần, hay phat tạt bóng nhằm về cột xa. Đó cũng có khả năng là một tình huống gây ra rối loạn hàng thủ đối phương trước khi cầu thủ U23 Việt Nam tận dụng bóng nảy ra để dứt điểm cận thành.
Sự hiệu quả trong những tình huống đá phạt góc đa dạng cho thấy U23 Việt Nam chuẩn bị khá kỹ trong quá trình tập luyện, từ việc bố trí nhân sự trong vòng cấm địa cho đến người thực hiện phạt góc. Quốc Việt, Văn Khang, Đình Bắc luân phiên nhau thực hiện tình huống ở cả cánh trái lẫn phải. Ở phía trong, Hiểu Minh, Lý Đức hay Nhật Minh cũng thực thi nhiệm vụ đứng các vị trí khác nhau nhằm đảm bảo tận dụng tốt cơ hội được tạo ra.
Ngoài phạt góc, bóng bổng nói chung đang là cách để U23 Việt Nam giải quyết sự bế tắc trong thế trận. Ngoài 3 tình huống chuyển hoá cơ hội thành bàn từ tình huống cố định, “Những chiến binh sao Vàng” có thêm 2 pha lập công nữa đến từ cùng một kịch bản. Đó là treo bóng từ cánh trái về hướng đối diện trong vòng cấm địa. Lúc bấy giờ, các tiền đạo phải sẽ là “điểm cắt” đe dọa cầu môn đối phương. Trong bàn thắng đầu tiên của U23 Việt Nam ở vòng bảng, Văn Khang lập công sau đường kiến tạo của Phi Hoàng. Ở pha lập công gần nhất đến từ Đình Bắc, cầu thủ này thực hiện một pha đánh đầu bất ngờ sau đường chuyền từ cánh trái của Thành Đạt.
Cũng nhìn từ câu chuyện kể trên, U23 Việt Nam đang “sao y bản chính” miếng đánh của ĐT Việt Nam. Đó là tận dụng các tình huống xuống biên trái, lôi kéo quân số đối thủ tập trung vào khu vực này trước khi thực hiện đường chuyền chéo sân cho đồng đội từ cánh phải băng vào, dứt điểm hướng bóng về cầu môn. Những nhân tố nổi bật trong 2 trận đã qua của U23 Việt Nam cũng tập trung ở 2 biên. Đó là Phi Hoàng, Văn Khang bên cánh trái và Đình Bắc, Anh Quân nơi cánh phải.

Những điểm trừ đáng tiếc
Bên cạnh những điểm cộng, U23 Việt Nam cũng chưa chơi thật sự thuyết phục trong 2 chiến thắng trước U23 Lào và U23 Campuchia. Ngay sau khi “Những chiến binh trẻ sao Vàng” vượt qua vòng bảng, tiền vệ Nghiêm Xuân Tú chỉ thẳng vấn đề trong khâu tổ chức tấn công của các đàn em.
“Dứt điểm đang là vấn đề đáng lo ngại với U23 Việt Nam. Các cầu thủ đưa ra quyết định cuối cùng không hợp lý. Có những tình huống cầu thủ cần chắt chiu thì lại xử lý vội vàng. Ngược lại, có tình huống đội cần phải thực hiện phối hợp nhanh thì lại rườm rà, thiếu hợp lý”, Xuân Tú nói. “Tôi lấy đơn cử như pha bóng trong hiệp 2. Văn Khang thay vì chuyền bóng cho Viktor Lê lại giữ lại một nhịp. Thành thử, tình huống phối hợp sau đó không thành công. Rồi khi U23 Campuchia đẩy đội hình lên, U23 Việt Nam có một số pha tấn công xẻ nách hàng thủ đội bạn. Nhưng U23 Vệt Nam lại có quá ít điểm cắt vào trong. Chúng ta cần ít nhất từ 2-3 điểm cắt trong vòng cấm để dứt điểm”.
Tiếp lời của Xuân Tú, cựu cầu thủ Quang Long nhận định: “Quốc Việt, Văn Khang, Văn Trường hay Phi Hoàng đã tạo ra những phương án đa dạng trong việc tạt bóng. Bản thân hậu vệ phải Anh Quân cũng thường xuyên dâng lên từ cánh phải và xâm nhập vòng cấm địa. Nhưng đáng tiếc là chúng ta dứt điểm không hay. Ngoài ra, khâu chuyền bóng hỏng khá nhiều”.
Cũng chính cựu cầu thủ này từng chỉ ra việc các trung phong của U23 Việt Nam thiếu tự tin di chuyển không bóng hoặc dám đột phá trước vòng vây đến từ hàng thủ đối phương. Những gì mà Quốc Việt hay Viktor Lê thực hiện vẫn là quá đơn giản và dễ bị bắt bài. Trong tư thế thường xuyên nhận bóng quay lưng với cầu môn đối phương, cả hai thường lựa chọn giải pháp phối hợp 1 chạm để tiền đạo biên băng vào vòng cấm địa khá rập khuôn, thiếu sáng tạo và gây bất ngờ.
Bản thân HLV Kim Sang-sik cũng thừa nhận U23 Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Và nếu như tiếp diễn câu chuyện kể trên, việc trả giá trước U23 Philippines trong trận bán kết diễn ra vào lúc 16h00 ngày 25/7 tới hoàn toàn có thể xảy đến!
Viktor Lê gây tranh cãi
Xoay quanh câu chuyện cá nhân, màn trình diễn chưa hay của Việt kiều Viktor Lê thi đấu không hay trong 2 trận đấu đã qua nhận được những tranh cãi từ phía người hâm mộ. Một số cổ động viên cực đoan cho rằng Viktor Lê đang bị cô lập tại U23 Việt Nam, khi các đồng đội không chịu phối hợp với gương mặt Việt kiều.
Tuy nhiên, quan sát trên sân, bản thân Viktor Lê đang thi đấu chỉ ở mức trung bình trong 2 trận đấu vừa qua. Những tình huống chạm bóng của cầu thủ Việt kiều không tạo được đột biến. Khả năng di chuyển chọn vị trí của cầu thủ này cũng thiếu hiệu quả. Chính điều đó khiến các vệ tinh xung quanh như Quốc Việt, Văn Khang, Văn Trường khó phối hợp với Viktor Lê ở các pha bóng xâm nhập vòng cấm địa của U23 Lào và U23 Campuchia
Ngoài Viktor Lê, hai gương mặt được kỳ vọng tạo “điểm nổ” trên hàng công U23 Việt Nam gồm Văn Trường và Quốc Việt cũng chơi chưa thuyết phục. Sự năng nổ của Văn Trường là điều đáng ghi nhận, khi anh chịu khó đeo bám, di chuyển nhiều khu vực để phối hợp với đồng đội. Tuy nhiên, điều mà HLV Kim Sang-sik cần ở anh là những đường chọc khe tạo ra nguy hiểm cho vòng cấm địa đối phương thì chưa hiện diện. Vấn đề này vốn dĩ cũng đã được đề cập đến khi U23 Việt Nam thắng 3-0 U23 Lào trước đó.