Cảnh giác lừa đảo bói toán online đầu năm

Thứ Tư, 12/02/2025, 07:22

Sự việc về một nạn nhân mất tiền tỷ vì tin thầy bói online tại Thanh Hóa mới bị lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa làm rõ tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho sự nhẹ dạ cả tin của người sử dụng mạng xã hội.

Những ngày đầu năm, trên các mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... xuất hiện rất nhiều video, bài viết quảng cáo nhận xem tử vi, vận hạn cho các tuổi trong năm 2025. Không ít người đã tin và mất tiền cho những thầy bói online chưa một lần gặp cũng không hề biết tên tuổi, địa chỉ ở đâu. Sự việc về một nạn nhân mất tiền tỷ vì tin thầy bói online tại Thanh Hóa mới bị lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa làm rõ tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho sự nhẹ dạ cả tin của người sử dụng mạng xã hội.

Thao túng tâm lý, lừa đảo thu lợi hàng tỷ đồng

Ngày 7/2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ đối tượng Trịnh Phương Mai, SN 1988, trú tại phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được đơn của một phụ nữ trú tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tố giác một đối tượng ở TP Thanh Hóa đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng thông qua bói toán và trục vong, giải hạn.

Cảnh giác lừa đảo bói toán online đầu năm -0
Đối tượng Trịnh Phương Mai và trang facebook sử dụng để lừa đảo thông qua hình thức xem bói, tử vi, tướng số và giải hạn.

Tại cơ quan Công an, Trịnh Phương Mai khai báo: Đầu năm 2022, đối tượng thường sử dụng mạng xã hội facebook với nick name “Triệu Phương Mai” đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và giải hạn. Trong đó có chị Đ.T.T.O ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vào bình luận và có nhờ Mai xem bói. Lợi dụng tâm lí nhẹ dạ, cả tin của chị O, Mai đã bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lý khiến chị O lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn.

Sau khi làm lễ, để tiếp tục lấy tiền của nạn nhân, Trịnh Phương Mai đã đưa ra nhiều thông tin và lý do khác nhau, như trong khi làm lễ thấy có vong theo nên cần tiếp tục làm lễ để “tiễn vong”… Các thông tin đối tượng đưa ra khiến chị O càng hoang mang lo lắng và tiếp tục chuyển tiền để làm lễ giải hạn. Với thủ đoạn trên, Trịnh Phương Mai đã dụ dỗ, buộc chị O chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên nạn nhân bị “sập bẫy” lừa đảo bói toán qua mạng. Trước đó, nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng làm rõ về hành vi lợi dụng lòng tin của người sử dụng mạng xã hội để lừa đảo trục lợi thông qua hình thức bói toán, tâm linh, bùa ngải. Cuối tháng 11/2024, Công an huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã bắt giữ nhóm đối tượng trú tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán bùa yêu trên mạng xã hội.

Các đối tượng lừa đảo khai nhận, lợi dụng thông tin lan truyền về sự thần bí của bùa ngải trên mạng, sự nhẹ dạ cả tin của người sử dụng mạng xã hội, nhóm đối tượng này đã lập những tài khoản mạng xã hội facebook với tên như “Vũ Hoàng Thiên - Tâm Linh Thái Lan”; “Nguyễn Tâm Linh Thái Lan”; “Nguyễn Phong - Tâm Linh Thái Lan”; “Mợ Chảnh - Tâm Linh”, rồi tự pha chế nước với phẩm màu đỏ và hương liệu, sau đó chiết xuất vào những lọ thủy tinh nhỏ và thuê in hàng loạt những lá bùa bên trên có những ký tự kiểu chữ Trung Quốc, rồi đóng gói vào những túi vải nhỏ để quảng cáo bán trên mạng xã hội với giá từ 200-300 ngàn đồng/bùa. Nạn nhân của nhóm đối tượng này lên đến khoảng 1.000 người.

Tháng 10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Thị Thu Trang, SN 1990, thường trú đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, Trang sử dụng nhiều trang mạng xã hội facebook như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang… để tìm người có nhu cầu xem bói. Khi có người liên hệ, Trang lợi dụng việc xem bói để bịa đặt ra các câu chuyện mang tính tâm linh, đưa ra những lời nói không có cơ sở khoa học khiến cho các bị hại lo sợ. Từ đó Trang yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để cúng lễ giải hạn, cúng hóa giải bùa, vong… Tổng số tiền Trang chiếm đoạt của các bị hại lên đến hơn 28 tỷ đồng.

Nâng cao nhận thức người sử dụng mạng xã hội

Một điều dễ nhận ra là hiện nay, việc bói toán đang nở rộ trên các trang mạng xã hội nhưng việc quản lý dịch vụ này hầu như đang để trống. Thầy bói và người xem không hề gặp nhau, chỉ trao đổi thông qua tin nhắn hoặc điện thoại. Thầy bói sẽ cung cấp các gói dịch vụ xem bói kèm theo báo giá cụ thể để người xem lựa chọn và chuyển tiền qua tài khoản. Chính vì việc giao dịch quá dễ dàng nên đã có không ít người tự “rơi” vào bẫy tâm lý do các thầy bói” giăng ra và mất tiền sau khi bấm nút chuyển khoản mà không hề biết rằng mình chính là “con mồi” của các thầy bói lừa đảo. Sau những lời phán, mục đích cuối cùng của các thầy bói là dẫn dắt người xem chuyển tiền viết sớ, làm lễ giải hạn, mở cung tài lộc, cắt duyên âm hay mua vật phẩm tâm linh để gặp may mắn, xóa bỏ vận hạn.

Trao đổi với PV Báo CAND liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nhận đinh, lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng của người dùng, nhiều đối tượng đã truyền bá và gieo rắc mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Điều này chúng ta có thể dễ dàng thấy trong đời sống hàng ngày. Không gian mạng cũng như đời thực, niềm tin tín ngưỡng và tôn giáo cũng đã bị nhiều kẻ lợi dụng để truyền bá, trục lợi, thậm chí là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tình trạng này diễn ra rất phổ biến trong thời gian gần đây.

Để có thể ngăn chặn, xử lý tình trạng này, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng điều quan trọng nhất trước tiên là phải nâng cao nhận thức cho người dùng. Đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy tắc ứng xử trên mạng, các hành vi bị cấm cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người khi tham gia môi trường mạng. Cần có chế tài xử lý mạnh tay với những hành vi vi phạm pháp luật.

Các cơ quan quản lý cần thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để có thể phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Với sự phát triển như hiện nay của KHCN, các công cụ ứng dụng các công nghệ như AI, Bigdata có thể giúp tự động rà quét, gỡ các nội dung vi phạm. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội cũng đã có công cụ công nghệ hỗ trợ rà quét này. Tuy nhiên, các nội dung mê tín dị đoan trên mạng cũng muôn hình vạn trạng, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, cần liên tục cải tiến, bổ sung thêm nguồn dữ liệu cho các công cụ này.

Ngoài ra, trách nhiệm của các mạng xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ là rất quan trọng. Khi cung cấp dịch vụ và thu lợi nhuận, các mạng xã hội, nền tảng và nhà cung cấp dịch vụ cũng cần có trách nhiệm, biện pháp mạnh mẽ hơn để làm sạch, lành mạnh hoá không gian mạng.

Nguyễn Hương
.
.