Tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm trong lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn mới nhất gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Ngày 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo mới nhất gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng dự kiến xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (luật sửa 4 luật), một nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là tính thống nhất, đồng bộ của 2 dự án luật này; để đảm bảo sự hài hòa của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Băn khoăn về nguyên tắc áp dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) dẫn chứng điều 8 của dự thảo luật, theo đó, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện.
Trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. “Quy định như dự thảo luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện” – đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh và cho rằng, dự thảo luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý…
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của Nhà nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng, quy định như điều 8 làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Về việc không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho UBND cấp tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung (tại khoản 2, điều 25 dự thảo luật), đại biểu cho rằng quy hoạch chung của huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính được chia thành 4 cấp; đơn vị hành chính cấp huyện được giao phụ trách quản lý đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà nên tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo. Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng, khoản 1 và khoản 3 Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Theo đại biểu, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 6 Điều 16 dự thảo Luật quy định: cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
Đại biểu cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao; cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.