Những chiến công xuất sắc của Điệp báo An ninh miền Nam
Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), việc đánh giá vai trò và những đóng góp của lực lượng tình báo CAND nói chung, Điệp báo An ninh miền Nam (ANMN) nói riêng có ý nghĩa quan trọng để khẳng định những đóng góp to lớn của công tác tình báo CAND trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; đồng thời, rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết tháng 7/1954, để nắm âm mưu, ý đồ của Mỹ - Diệm đối với nước ta, Đảng ta chủ trương bố trí một số cán bộ, đảng viên kiên trung, chưa bị lộ, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ Công an hoạt động bí mật tại miền Nam. Tháng 10/1954, Trung ương Đảng thành lập Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ để tổ chức công tác thu thập tin tức, tình hình về âm mưu, ý đồ và hoạt động của Mỹ - Diệm.

Đầu năm 1961, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và thực tiễn chiến trường miền Nam, Đảng chủ trương chuyển Ban Địch tình và các lưới Điệp báo sang Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam; đồng thời, thành lập Ban Bảo vệ An ninh miền Nam sau này là Ban An ninh Trung ương Cục. Tiếp đó, tháng 8/1962, Ban Điệp báo ANMN và các tiểu ban Điệp báo cũng được thành lập ở các khu, tỉnh.
Ra đời trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Trung ương Cục miền Nam), Đảng đoàn Bộ Công an, Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ và sau này là Ban Điệp báo ANMN đã từng bước xây dựng, phát triển về tổ chức, lực lượng. Với kinh nghiệm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và dưới sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong công tác tình báo như Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương, Cao Đăng Chiếm... chỉ trong một thời gian ngắn Điệp báo ANMN đã xây dựng và tổ chức được nhiều mạng lưới cơ sở bí mật chui sâu, leo cao vào các mục tiêu tình báo quan trọng của địch trong đó có Tổng nha Công an Nam phần, Trung phần, Tổng nha Thanh tra; các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên... Và sau này là các mục tiêu Phủ Thủ tướng, Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, Bộ Tổng Tham mưu, Cảnh sát đặc biệt, các Quân khu, Quân đoàn của Việt Nam Cộng hòa, các đảng phái, tôn giáo...
Tin tức do Ban Điệp báo ANMN thu thập đã phục vụ Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chủ động đề ra các đường lối và biện pháp đấu tranh cho cách mạng miền Nam đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn; bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng miền Nam, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc XHCN.
Chiến công đóng góp của lực lượng Điệp báo ANMN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được thể hiện trên các mặt sau:
Thu và cung cấp thông tin chiến lược cho Đảng, Nhà nước. Công tác Điệp báo đã tổ chức thu thập, phân tích các thông tin quan trọng về âm mưu, kế hoạch quân sự, chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam, làm thất bại âm mưu, ý đồ và các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy.
Ngay những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, tin tức và tài liệu tình báo về âm mưu, ý đồ phá hoại việc thực hiện Hiệp định Geneve của Mỹ - Diệm; mâu thuẫn giữa chính quyền Diệm và các giáo phái thân Pháp; bản phúc trình của Diệm gửi Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles (tháng 8/1956); về nhân sự và hoạt động của phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) của Mỹ… đã giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kịp thời đề ra chủ trương, sách lược đúng đắn, sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam.
Tin về nội dung các chiến lược của Mỹ (“Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”); về các kế hoạch của chính quyền Sài Gòn “Bình định nông thôn”, “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga”; các kế hoạch chiêu hồi, chiêu hàng; về các phương thức và phương tiện chiến tranh mới Mỹ áp dụng lần đầu tiên tại chiến trường Việt Nam (các chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, hàng rào điện tử Macnamara); tin về khả năng Mỹ - Ngụy không thi hành Hiệp định Paris (tháng 1/1973) và lý do triển khai thực hiện kế hoạch “lấn đất, cắm cờ” và chuẩn bị chiến tranh lâu dài… đã giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo quân và dân miền Nam chủ động làm thất bại các chiến lược của Mỹ và các kế hoạch của chính quyền Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc Mỹ - ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán với ta.
Đặc biệt, đầu năm 1975, việc thu thập sớm và chính xác tin về chủ trương Mỹ không đưa quân trở lại miền Nam để cứu ngụy quyền Sài Gòn đã giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đánh giá đúng tương quan lực lượng địch – ta và hạ quyết tâm mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nắm sớm âm mưu và các chiến dịch quân sự, kế hoạch hành quân, càn quét lớn của Mỹ - ngụy, báo cáo kịp thời Trung ương Cục để đối phó, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của ta.
Tin tình báo về các kế hoạch Mỹ - ngụy đánh úp căn cứ Khu ủy khu IX và đánh vào vùng “Tam giác sắt” Củ Chi nhằm tiêu diệt Ban lãnh đạo khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (năm 1966); các kế hoạch mở chiến dịch Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1970); “Kế hoạch Hùng Vương" thực hiện âm mưu "tràn ngập lãnh thổ" của ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long (năm 1973); tin CIA lập ra các trung tâm thẩm vấn để thu tin tình báo về miền Bắc; nắm sớm một số kế hoạch ném bom của Mỹ từ vĩ tuyến 17 trở ra… đã giúp Trung ương Cục chủ động nghi binh, đối phó bảo toàn lực lượng cách mạng; giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo các lực lượng vũ trang và phối hợp với bạn Lào chủ động bố trí thế trận, dụ địch vào “bẫy” tiêu diệt lực lượng chủ lực của địch, bảo vệ tuyến đường tiếp tế huyết mạch cho chiến trường miền Nam (chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào…).
Lực lượng Điệp báo không chỉ thu thập tin tức mà còn tổ chức mạng lưới cơ sở chui sâu, leo cao vào hàng ngũ địch, tấn công, chia rẽ làm suy yếu các lực lượng, phe phái chống đối cách mạng.
Từ tin tình báo về mâu thuẫn giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với Mỹ và các phe phái đối lập; ý đồ, âm mưu của Mỹ trong việc giết anh em Diệm - Nhu; sự tranh giành quyền lực giữa các tướng lĩnh Sài Gòn sau đảo chính Diệm; mâu thuẫn giữa Thiệu – Kỳ với phe phái chính trị ở miền Nam và khả năng sử dụng các con bài của Mỹ; mâu thuẫn giữa các phe phái đối lập… là cơ sở để Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Ban Điệp báo ANMN có kế hoạch khoét sâu mâu thuẫn, gây ly gián giữa các phe phái, các đảng phái đối lập không để chúng co cụm, giảm thiệt hại cho cách mạng; đồng thời, Ban Điệp báo ANMN chỉ đạo hướng dẫn mạng lưới cơ sở bí mật vận động, tuyên truyền phát triển phong trào quần chúng biểu tình đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức, tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ ngụy quyền.
Tin tình báo phục vụ các trận đánh diệt ác ôn, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại trung tâm đầu não của địch, gây tiếng vang lớn tăng cường uy tín cách mạng, tác động tâm lý kẻ địch tăng niềm tin của quần chúng. Điển hình là tháng 2/1957, Ban Địch tình Tây Ninh đã chỉ đạo tổ chức ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm đêm dự lễ khai mạc Hội chợ Nông nghiệp tại Buôn Ma Thuột. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn, tạo niềm tin của nhân dân vào cách mạng trong bối cảnh Mỹ - Diệm đang khủng bố ác liệt phong trào cách mạng miền Nam và làm tăng nghi ngờ, mâu thuẫn giữa các phe phái trong chính quyền Diệm – Nhu, có lợi cho cách mạng; trận đánh vào trụ sở Tổng nha Cảnh sát ngụy (ngày 18/6/1965) và Nhà hàng Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn (ngày 25/8/1965) diệt hàng chục sĩ quan Mỹ - ngụy; tổ chức diệt trừ một số tên ác ôn, tay sai nguy hiểm…
Phục vụ trực tiếp và hiệu quả cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
Với việc chủ động thu thập tin tình báo, nắm tình hình địch, điều tra vẽ sơ đồ các mục tiêu quan trọng để phục vụ cho các trận đánh, Điệp báo ANMN đã giúp cho lực lượng vũ trang tổ chức tiến công vào các mục tiêu của ngụy quân, ngụy quyền. Trực tiếp đưa đón vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho bộ đội chủ lực và tham gia chiến đấu, chiếm giữ các mục tiêu quan trọng của địch. Đồng thời, bảo đảm an toàn tuyệt đối Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy mặt trận.
Thực hiện phương án “trong đánh ra, ngoài đánh vào” trực tiếp là sự chỉ đạo của Trung ương Cục, nhiều CBCS Điệp báo đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí đột nhập vào tận sào huyệt địch để tác động làm lung lạc tinh thần và ý chí chiến đấu của ngụy quân, ngụy quyền, khiến chúng sớm đầu hàng lực lượng cách mạng, thu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ mật của địch. Trước khi quân ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn, cán bộ Điệp báo hoạt động trong Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã mưu trí, dũng cảm tiếp cận và trực tiếp tác động Dương Văn Minh sớm đầu hàng cách mạng, qua đó đã hạn chế được thương vong và xương máu của quân đội và nhân dân ta, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN - hậu phương lớn của cách mạng miền Nam.
Các tin tình báo phản gián chính xác và cụ thể về âm mưu và hoạt động của các toán gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy tung ra miền Bắc qua đường bộ, đường biển, đường không và qua hành lang Trung, Hạ Lào nhằm lập căn cứ, phá hoại sự ổn định của miền Bắc, hạn chế sự chi viện chiến trường miền Nam. Từ đó, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo Đảng đoàn Bộ Công an chủ động xây dựng thế trận An ninh nhân dân, tổ chức thành công các chuyên án đấu tranh chống gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy, làm thất bại âm mưu của Mỹ - ngụy muốn làm suy yếu miền Bắc; tin về việc CIA, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy tuyển một số cán bộ, bộ đội ta bị chúng bắt hoặc đầu hàng để phái ra miền Bắc xâm nhập nội bộ ta đã giúp Bộ Công an nhanh chóng phát hiện, đấu tranh với số nội gián làm trong sạch nội bộ và chống lại âm mưu “bôi lem” cán bộ, bộ đội ta.
Trong suốt cuộc chiến đấu trên mặt trận tình báo với kẻ thù cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và cơ sở của Ban Điệp báo ANMN luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng; luôn mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, tiêu biểu như các đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Nguyễn Tài (Tư Trọng), Hà Minh Trí (Phan Văn Điền), Phạm Ngọc Thảo, Ngô Thị Huệ và nhiều cán bộ, chiến sĩ Điệp báo khác.
Để ghi nhận và đánh giá cao những chiến công, đóng góp của lực lượng Điệp báo ANMN trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Điệp báo An ninh miền Nam; nhiều tập thể, cá nhân thuộc Ban Điệp báo ANMN như các đơn vị: Ban Điệp báo An ninh đô thị, Công an tỉnh Phú Yên; Đơn vị tình báo, Ban An ninh tỉnh Quảng Trị; Tiểu ban Điệp báo và An ninh đô thị, Ban An ninh các tỉnh Quảng Ngãi, Long An, Cần Thơ; các cá nhân như: liệt sĩ Nguyễn Duy Đảnh -Trưởng ban Điệp báo thành phố Cần Thơ, liệt sĩ Văn Tấn Bảy – Tổ trưởng Điệp báo Vĩnh Long; đồng chí Phan Văn Điền -Trưởng ban Điệp báo, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh; đồng chí Ngô Thị Huệ -Tổ trưởng Tổ giao liên Điệp báo - Ban An ninh tỉnh Quảng Đà; đồng chí Huỳnh Huề (Ba Hoàng) - Cụm phó Cụm Điệp báo A10 - Ban An ninh T4…
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhìn lại những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta vô cùng tự hào với những đóng góp to lớn và sự hi sinh thầm lặng của lực lượng Điệp báo An ninh miền Nam, từ thực tiễn lịch sử đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học quan trọng.
Một là, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nhân tố quyết định hiệu quả của công tác tình báo. Từ quyết định thành lập đơn vị chuyên trách về tình báo, đến Chỉ thị 07/CT năm 1950 của Trung ương Đảng, đến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Trung ương Cục miền Nam… Đảng đã khẳng định tầm quan trọng của công tác tình báo là “tai mắt” của Đảng, định hướng cho hoạt động tình báo gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với mục tiêu cách mạng.
Hai là, “tình báo phải dựa vào dân”, trong suốt những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Điệp báo đã thành công nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước và bạn bè quốc tế. Mạng lưới cơ sở rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân thực sự là “tai mắt” không thể thiếu của lực lượng Điệp báo. Thực tiễn cho thấy, nhân dân có khả năng to lớn và vai trò quan trọng vì “nhân dân ta có hàng chục triệu tai mắt, việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết” .
Ba là, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Lực lượng Điệp báo đã khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết dân tộc, sử dụng phương pháp thuyết phục, cảm hóa để xây dựng được nhiều lực lượng bí mật thuộc các thành phần chính trị khác nhau, thâm nhập được vào mục tiêu chiến lược, các cơ quan đầu não Mỹ - ngụy. Chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta vừa mang tính dân tộc và tính thời đại đã được lực lượng tình báo vận dụng thành công cả trong nước và ngoài nước.
Bốn là, bài học về nắm bắt thời cơ, chủ động tấn công, chủ động sáng tạo trong mọi tình huống. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào nắm chắc được tình hình, bám sát chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, chủ động, nhạy bén trước các tình huống mới thì lực lượng tình báo mới có khả năng nhận thức, dự báo và nắm bắt thời cơ để chủ động tấn công, chủ động sáng tạo trong các tình huống.
Năm là, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ tình báo trung kiên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình” là nhân tố cốt lõi, quyết định nhất. Trong những năm tháng cam go, ác liệt của chiến trường miền Nam, đội ngũ cán bộ Điệp báo từ Trung ương đến các địa phương đã thể hiện đầy đủ bản chất chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực nghiệp vụ. Nhiều cán bộ Điệp báo đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của Đảng.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta vô cùng tự hào và khẳng định vai trò của công tác Điệp báo nói riêng và tình báo CAND nói chung đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những bài học từ thực tiễn của lực lượng Điệp báo như nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, dựa vào dân, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bài học về tính chủ động, sáng tạo về đào tạo đội ngũ cán bộ Điệp báo có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng lực lượng Tình báo CAND, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thượng tướng Bùi Văn Nam
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an